Nan giải bài toán hàng Việt đến vùng xa

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam đã triển khai được 4 năm.

Trong khi những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất lạ gây xôn xao dư luận vẫn chẳng khiến hàng Tàu ảnh hưởng lớn thì công tác triển khai “Đưa hàng Việt về nông thôn” trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn đang là một bài toán khó giải với nhiều vấn đề bất cập…

Hàng Việt “vắng bóng” chợ vùng cao

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực chợ trung tâm thị trấn Sông Mã, chợ Chiềng Khương, Chiềng Sa… của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La xuất hiện nhiều loại hàng giả, hàng nhái có xuất xứ từ Trung Quốc. Từ các mặt hàng thông dụng như quần áo cho đến hàng điện tử (loa đài, đầu đĩa CD, kỹ thuật số), điện máy (máy bơm nước, đèn điện) kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được chủ đại lý bày bán công khai mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.

Trong khi hiếm hoi lắm mới thấy một vài mặt hàng thông dụng mang thương hiệu Việt như: quần áo Việt Tiến, bóng điện Rạng Đông và bình phun thuốc sâu Bội Thu, ắc quy Đồng Nai. Tuy nhiên, do các mặt hàng này có giá quá cao (1 chiếc áo Việt Tiến có giá 270.000 đồng so với chiếc áo 50.000 đồng của Trung Quốc) nên người dân không đủ tiền mua.

Do giá thành cao nên hàng Việt rất ít xuất hiện ở các vùng xa, kinh tế khó khăn.

Anh Giàng A Pháo ở bản Niềng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, Sơn La đã chọn mua 3 chiếc áo mang nhãn hiệu Trung Quốc tại chợ Chiềng Khương với tổng số tiền là 150.000 đồng. Khi được hỏi tại sao không mua áo của Công ty Việt Tiến, anh Pháo nói: “Mình không biết áo nào là của Việt Tiến cả, mấy cái áo này đẹp, giá lại rẻ nên mình mua về làm quà, chứ đồ đắt tiền mình không mua đâu…”.

Chị Nguyễn Ngọc Sơn - chủ đại lý hàng điện máy tại ki-ốt số 8, chợ trung tâm thị trấn Sông Mã cho biết: “Người dân mua hàng Việt thì cũng có, nhưng do giá thành quá cao nên không đủ tiền mua. Phần lớn họ đều lựa chọn các sản phẩm giá rẻ, không cần biết chất lượng thế nào”. Cũng theo bà chủ đại lý này thì các dòng loa đài, đầu kỹ thuật số của Trung Quốc do đa dạng về mẫu mã, giá lại rẻ nên bán rất chạy, riêng các sản phẩm có thương hiệu Việt thì cả tháng mới bán ra được 1 cái.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Phi - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi đưa hàng Việt về nông thôn là thiếu kinh phí hoạt động. Trên thực tế, từ khi có nghị quyết của Bộ Chính trị, lãnh đạo tỉnh vẫn chưa có một chính sách hỗ trợ cụ thể về kinh phí nên không có cơ sở để triển khai. Đầu năm 2012, tỉnh mới có dự kiến hỗ trợ cho 2 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, con số này là quá ít nên rất khó khăn cho việc vận động các doanh nghiệp (DN) tham gia hoặc một số DN có tham gia thì cũng ngại đi xa do chi phí vận chuyển quá lớn.

Vẫn chưa có phương án triển khai

Ông Vũ Xuân Quyết - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết: “Khi có chỉ đạo của Chính phủ, Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên tất cả các xã, huyện, thành phố. Tuy nhiên, do địa bàn phần lớn là đồi núi, đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là dân tộc thiểu số nên việc triển khai chương trình cũng gặp nhiều trở ngại. Phương pháp duy nhất để triển khai vẫn là tổ chức hội chợ. Tuy nhiên, hội chợ cũng chỉ tổ chức tại những khu vực trung tâm huyện, xã và phải đúng thời điểm sau vụ thu hoạch.

Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Tiến - Phó Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sơn La thì vấn đề mấu chốt là do: “Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành chưa có sự thống nhất với nhau. Khi Nghị quyết của Bộ Chính trị được ban hành, chúng tôi có tham mưa cho tỉnh về việc kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo và đưa ra quy chế, kế hoạch hoạt động nhưng thường trực UBND tỉnh vẫn chưa quan tâm, UBND tỉnh vẫn chưa có phương án cụ thể nào để hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ban, ngành cùng thực hiện, do đó dẫn tới tình trạng “đánh trống bỏ dùi” trong công tác “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Theo ông Tiến, muốn đưa hàng Việt về với khu vực nông thôn, trước hết, Ban chỉ đạo cần đưa ra kế hoạch hoạt động cụ thể, sau đó giao nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành thực hiện. Mặt khác, đơn vị quản lý thị trường cần đẩy mạnh công tác ngăn chặn, kiểm tra và xử lý mạnh tay đối với các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Nghị quyết của Bộ Chính trị đã ban hành nhiều năm qua, thế nhưng công tác triển khai “Đưa hàng Việt về nông thôn” gần như vẫn chưa được tỉnh Sơn La quan tâm một cách triệt để, lãnh đạo tỉnh thì tỏ ra thờ ơ, các sở, ban, ngành thì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, triển khai… nên ngoài điểm đen về buôn lậu ma túy thì công tác triển khai đưa hàng Việt về nông thôn vẫn khó có thể thực hiện được.

Nguồn Dùng hàng Việt