Doanh nghiệp dược: Đà tăng chững lại

Gặp khó trong đấu thầu thuốc bệnh viện, hầu hết công ty dược quay sang đẩy mạnh kênh bán hàng qua nhà thuốc.

Đà đi lên của các “ông lớn” trong ngành dược đã bắt đầu chững lại, sau giai đoạn 2008-2014 tăng trưởng 2 con số, bình quân 17%/năm. Tại Dược Hậu Giang (DHG), chẳng hạn, theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2015, doanh thu thuần của công ty này đã giảm 10,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm 3,6%. DHG đã thận trọng hạ chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2015 xuống mức một con số (2,2%, dự kiến đạt 4.000 tỉ đồng).

Không riêng gì DHG, Domesco (DMC), doanh nghiệp dược đứng thứ 3 trên thị trường trong nước, cũng gặp khó khăn. Báo cáo tài chính cho hay, 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của DMC giảm 29% so với cùng kỳ. May nhờ cắt giảm chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, lãi sau thuế của DMC mới tiếp tục tăng.

Đà tăng trưởng khựng lại này được phòng phân tích của Maybank Kim Eng lý giải là do hầu hết công ty dược gặp khó khăn ở kênh bệnh viện (ETC). Kênh ETC hiện chiếm hơn 70% chi tiêu thuốc cả nước và muốn tham gia kênh này, doanh nghiệp phải đấu thầu. Tuy nhiên, từ năm 2013, quy định mới về chọn thuốc trúng thầu lại ưu tiên “giá thấp”. Vì thế, tăng trưởng doanh thu thuốc cả nước đã giảm hơn phân nửa, chỉ còn ở mức 5-7%/năm (giai đoạn 2013-2014).

Đẩy mạnh bán hàng thông qua mạng lưới nhà thuốc (OTC) là cách để các công ty dược bù đắp khoản sụt giảm của kênh ETC. Thông tin từ DMC cho hay, doanh thu bán hàng qua kênh ETC năm 2014 đã giảm 4,7% so với năm 2013. Tương tự tại Imexpharm (IMP), kênh ETC chỉ còn đóng góp 12% tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm; dù đã từng chiếm đến 58% doanh thu năm 2012.

OTC đã trở thành thị trường mục tiêu, cạnh tranh khốc liệt không chỉ của DMC, IMP mà còn của cả 15 doanh nghiệp dược phẩm niêm yết và hơn 180 doanh nghiệp dược còn lại. Nỗi lo mất thị phần cũng đến với cả DHG, dù đang dẫn đầu thị trường thuốc trong nước và có lợi thế kênh OTC, chiếm tới 85-90% doanh thu.

Đó là chưa nói đến áp lực cạnh tranh với các công ty dược có vốn nước ngoài (FDI) và nguồn thuốc nhập khẩu. Việt Nam vẫn xếp thứ 3/4 về mức độ phát triển của ngành công nghiệp dược, mới chỉ dừng ở sản xuất các loại thuốc generic, dòng phổ thông cho giá trị thấp, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Vì thế, dù đạt quy mô ngành dược tới 3,65 tỉ USD nhưng số liệu từ Bộ Y tế cho hay, thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 41% nhu cầu, còn lại trong tay các nhà nhập khẩu.

Tình hình doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp dược trong nửa đầu năm 2015

Trước tình hình đó, việc duy trì đà tăng trưởng, nhất là với những công ty đã xác lập mức tăng trưởng cao trong quá khứ, càng thêm áp lực. Theo kế hoạch, DHG sẽ tái cơ cấu trên nhiều phương diện. Về mặt sản phẩm, Công ty sẽ ưu tiên đầu tư cho những sản phẩm được ưa chuộng như thuốc sủi bọt. Trong định hướng phát triển những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, Công ty sẽ sản xuất theo 2 hướng: sản phẩm ứng dụng công nghệ cao và dùng dược liệu trong nước. Để chủ động nguồn dược liệu, DHG đã triển khai dự án vùng nguyên liệu Tri Tôn (An Giang).

Về mặt bán hàng, DHG tiếp tục đi theo chiến lược “bao đủ, phủ dày, bày đẹp” thông qua các cách bán hàng đa dạng, hiện đại, bao gồm cả bán hàng trực tuyến... Đặc biệt, việc đưa vào hoạt động nhà máy betalactam theo tiêu chuẩn quốc tế GMP- WHO, bộ tiêu chuẩn chất lượng dành cho sản xuất dược phẩm do WHO ban hành, sẽ giúp DHG tăng năng lực sản xuất lên gấp đôi (theo thiết kế). Công ty cũng đã mở rộng kinh doanh thêm nguyên liệu, hàng ngoại nhập... và có dự định sản xuất nước uống tinh khiết. Tất cả đều vì mục tiêu đưa DHG quay trở lại mức tăng trưởng như các năm trước.

Tại IMP, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Quốc Định cho biết, Công ty đang đảm bảo tiến độ nâng cấp từ chuẩn GMP-WHO lên GMP- EU của Liên minh châu Âu đối với nhà máy sản xuất cephalosporin tại Bình Dương. Nhà máy dự kiến hoàn thành vào tháng 6.2016, sẽ góp phần tăng tỉ trọng doanh thu của kênh ETC lên mức 20-30%. Khi đó, thuốc đấu thầu của IMP được phân vào nhóm A (đạt chuẩn GMP-EU trở lên), thay vì được xếp vào nhóm có chuẩn GMP-PICS như hiện nay; đồng nghĩa, IMP sẽ cạnh tranh thầu trực tiếp với các công ty nước ngoài, trong điều kiện có lợi thế về giá. Tuy nhiên, theo ông Định, mục tiêu lớn hơn của việc nâng chuẩn nhà máy là hướng tới xuất khẩu nhằm đón đầu cơ hội từ hội nhập sâu rộng, mục tiêu kỳ vọng là 5% tổng doanh thu.

Để có vị thế tốt hơn, IMP cũng đã hợp tác với Phano, đơn vị sở hữu trên 50 nhà thuốc đạt chuẩn GPP, bộ tiêu chuẩn chất lượng dành cho nhà thuốc do WHO ban hành, nhằm mở rộng kênh phân phối sản phẩm, thu hút hợp đồng sản xuất nhượng quyền cũng như phát triển nhãn hàng riêng.

DMC gần đạt đến mức tối đa của năng lực sản xuất. Vì thế, theo kế hoạch, nhà máy non-betalactam cũ (chiếm khoảng 70% tổng sản lượng 2014 của DMC) sẽ tiếp tục được mở rộng. Ngoài ra, Công ty còn dự tính đầu tư nhà máy dạng viên, cốm, bột cũng như thúc đẩy tiến độ nhà máy cephalosporin. DMC cũng chú trọng phát triển mặt hàng nhượng quyền và tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cổ đông lớn Abbot. Với tất cả động thái này, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, triển vọng dài hạn của DMC sẽ khả quan.

Khi chi tiêu thuốc bình quân đầu người Việt Nam đang ở mức thấp, chỉ hơn 30 USD/người/năm, so với mức 96 USD của các nước đang phát triển và 186 USD của thế giới, các công ty dược vẫn còn cơ hội để quay trở lại thời kỳ tăng trưởng 2 con số.

Ngọc Thủy
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư