7 nguyên tắc để thuyết trình thành công

Thuyết trình giờ đây không còn là chuyện của riêng nghề diễn giả mà đã trở thành một phần kỹ năng thiết yếu của cuộc sống. Từ nhà lãnh đạo, nhân viên cho đến sinh viên, học sinh cũng đều trải qua nhiều tình huống phải nói chuyện, linh hoạt trước đám đông hay một nhóm người.

Andrew Griffiths là một doanh nhân nổi tiếng vùng Cairns, Australia và được biết đến là tác giả của 12 cuốn sách best-selling về đề tài quản lý, thuyết trình và phát triển công ty. Ông là một cố vấn uy tín trong các chương trình kinh doanh toàn cầu Key Person of Influence, cũng là diễn giả tư vấn kinh doanh startup, xu hướng tiêu dùng, thế giới doanh nhân và xuất bản.

Trong cuộc nói chuyện với Hãng tin Inc., Griffiths cung cấp cái nhìn của người trong cuộc khi phải nói chuyện trước một nhóm hay hàng triệu người trong khán phòng rằng, “Hiện nay, có rất nhiều người cần kỹ năng thuyết trình như là một phần công việc quan trọng của họ. Nhiều nhà lãnh đạo phải nói trước công chúng để quảng bá sản phẩm hay dịch vụ của họ, vì thực tế, tương lai của công ty phụ thuộc vào việc khán giả cảm nhận được tín hiệu qua phần trình bày của bạn như thế nào”.

Hiếm khi một người sinh ra là đã có bản năng bẩm sinh thuyết trình. Phần lớn mọi người rèn giũa kỹ năng nói chuyện qua quá trình phấn đấu, nỗ lực và tích lũy kinh nghiệm qua sách vở và quá trình giao tiếp.

Cựu CEO Apple Steve Jobs cũng cần phải học trước có thể hùng biện linh hoạt trên sân khấu, làm ngây ngất cảm xúc của hàng triệu khán giả. Hay Abraham Lincoln, chính khách, Tổng thống thứ 16 Hoa Kỳ, nhờ chịu khó nghiên cứu, ứng dụng những cuốn sách về đề tài nói trước đám đông mà đã từ một chàng trai trẻ nói năng bất cẩn thành một nhà hùng biện tài ba được công nhận, học tập.

7 nguyên tắc cơ bản trong thuyết trình sau đây sẽ là bước khởi đầu hoàn hảo giúp bạn chinh phục đám đông bằng sức mạnh của ngôn từ:

1. Nắm bắt tâm trạng của những người mà bạn muốn ảnh hưởng

Nếu có thể, bạn nên đến sớm hơn vào mỗi sự kiện mà bạn phải thuyết trình. Điều này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quát cũng như kiểm soát được cả không gian và thời gian tại địa điểm mà bạn muốn tỏa sáng.

Với vai trò là người thuyết trình, bạn cần phải nắm bắt tâm trạng chung của khán giả để có thể lựa chọn cho mình không khí mở màn hợp lý. Nếu khán giả là một đám đông mà bạn chỉ quen một phần trong số đó, bạn nên bắt đầu nói với tiết tấu chậm, rõ ràng và nhẹ nhàng hơn một chút rồi sau đó mới xây dựng, đẩy nhanh lên.

Áp dụng tương tự khi bạn phải thuyết trình với cấp trên của mình.

2. Bắt đầu những gì người nghe biết

Để có thể tạo một sợi dây kết nối vô hình, điều không thể tuyệt vời hơn là nói về những điều mà người nghe biết và quan tâm. Yếu tố này sẽ giúp bài thuyết trình của bạn gần gũi và được đón nhận nhiệt thành hơn.

Một nguyên tắc nổi tiếng trong quản lý con người là “Mọi người thường không quan tâm đến vấn đề của bạn hay công việc của bạn cho đến khi họ biết bạn quan tâm thực sự đến những vấn đề của họ”.

Thuyết trình sẽ là chuyện nhỏ cho những ai hướng mình đến khán giả, nhưng sẽ rất khó nếu bạn muốn thực hiện công việc này một mình và bỏ quên người xung quanh. Sự hợp tác trong mọi cuộc diễn thuyết sẽ đến khi bạn bắt đầu bằng những gì mọi người biết thay vì nói những gì bạn biết.

3. Tôn trọng người nghe

Bất kỳ người dẫn trương trình, hay diễn thuyết một khi không đối xử với khán giả của mình với sự tôn trọng tuyệt đối, sẽ khó có thể thành công và đạt được mục tiêu cuối cùng.

Khi thuyết trình, bạn cần tôn trọng thời gian của người nghe, không bao giờ được đến muộn. Bạn cũng cần tôn trọng những gì người nghe biết hay làm và không bao giờ nói rằng họ sai, thay vào đó hãy cung cấp cho họ một phương án thay thế.

4. Làm cho người nghe cười

Chủ định làm một người cười là không dễ, làm cho nhiều người cùng cười càng khó hơn. Bạn không phải diễn viên hài để có thể dễ làm điều này, nhưng đây thực sự là điều cần đạt được trong một số bài thuyết trình nhằm tạo sự cuốn hút, khiến bầu không khí trong khán phòng dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, bạn cần tránh chọc cười người khác khi lấy họ ra làm trò đùa. Thay vào đó, bạn có thể lấy những khuyết điểm, mặt hạn chế của bản thân để có thể đặt mình dưới người nghe và khiến họ cười. Pha trò bằng việc đúc rút những lỗi lầm và thất bại của chính bản thân cũng là một cách thú vị.

5. Khiến người nghe đồng cảm

Rất nhiều người không đủ can đảm để chia sẻ những câu chuyện đời tư, ngay cả với người bạn thân thiết của mình. Nhưng nếu bạn nghiêm túc về việc muốn giúp đỡ mọi người, đừng e ngại làm điều đó.

Bạn đã vượt qua nghịch cảnh để có được thành công, hãy chia sẻ cuộc hành trình đó. Nếu bạn đã gặp một số khó khăn trong cuộc sống, cứ nói cho họ biết. Bạn cũng nên kể câu chuyện thất bại của chính mình, để những người nghe có thể tránh mắc sai lầm tương tự.

Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần biết khi nào cần hoặc không sử dụng điều này. Câu chuyện có thể khởi đầu buồn, nhưng khi kết thúc bạn nên khiến họ lạc quan.

6. Đánh thức trí tò mò

Một món ăn được trình bày sinh động sẽ làm thực khách cảm nhận rõ cái tài của người đầu bếp. Một truyện ngắn được viết sinh động làm độc giả nhận ra khả năng sử dụng ngôn ngữ của nhà văn. Một ý kiến, quan điểm được mô tả sinh động làm người nghe cảm nhận trí tuệ tinh tế của người nói, từ đó nhen nhóm sự tò mò, kích thích khán giả suy nghĩ.

7. Duy trì ngọn lửa nhiệt huyết đúng mức

Một ngọn lửa càng cháy mạnh, nó sẽ càng dễ tắt. Khi bạn cháy hết mình, khán giả lập tức sẽ hướng sự chú ý tới bạn. Tuy nhiên, để buổi thuyết trình đi đúng hướng, sự điềm tĩnh trong lời nói, cử chỉ mềm mại nhẹ nhàng sẽ để lại dư âm lâu hơn.

Khả năng mất kiểm soát có thể dễ dàng đến khi bạn “bùng cháy” quá mạnh mẽ nhưng cũng không nên duy trì ngọn lửa le lói, yếu ớt trong suốt buổi thuyết trình, nếu bạn không muốn người nghe ra về sớm hoặc… ngủ.

Văn Lộc / Inc.
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn