Người mua không ăn, người ăn không mua bánh trung thu

Điều tưởng chừng là nghịch lý này lại được số đông người mua bánh trung thu chấp nhận.

Đó là kết quả của cuộc khảo sát do Tuổi Trẻ thực hiện với 40 người dân ở TP.HCM.

Có đến 30 người, trong số 40 người trả lời khảo sát, cho rằng giá bánh trung thu cao so với chất lượng và giá trị thực.

Theo chị Oanh, một tiểu thương ở chợ Thủ Đức, “bánh vừa túi tiền không ngon, còn loại ăn được thì hộp bánh nhỏ có giá mấy trăm ngàn đồng, quá cao so với túi tiền người lao động”.

Ông Bùi Văn Hùng (51 tuổi, làm nghề buôn bán nhỏ) cũng chia sẻ: khi được người cháu biếu một hộp bánh trung thu bốn cái với giá 1,2 triệu đồng, ông không dám ăn mà mang đi biếu lại. “Cái bánh đắt quá, ăn thấy tiếc lắm” - ông Hùng nói.

Chọn mua bánh trung thu tại điểm bán ở Q.10, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Tuy “kêu” giá cao nhưng số đông vẫn chấp nhận mua bánh trung thu để... biếu. Trong 40 người trả lời khảo sát có đến 36 người mua để biếu, tặng.

“Đầu mùa giá bánh cao quá. Nhưng phải mua lúc giá còn cao chứ để tới lúc hạ giá, mua một tặng một mới mua đi biếu người ta thì kỳ lắm” - Nguyễn Thu Hằng (một trình dược viên 28 tuổi, sống tại Q.6) giải thích.

Vì mua bánh chủ yếu để biếu nên mối quan tâm hàng đầu của người mua bánh không phải là giá cả mà là chất lượng. Chỉ 10 người cho biết giá cả là yếu tố quan trọng hàng đầu, còn 21 người nói mình quan tâm nhất đến chất lượng và 9 người lựa chọn bánh có thương hiệu uy tín.

“Tôi thường đặt một cơ sở làm bánh, in tên công ty lên rồi tặng cho khách hàng, giá cả không quan tâm nhiều lắm” - bà Trần Thị Thu Sơn, giám đốc một công ty cà phê ở Q.8, cho hay.

Những người mua bánh chủ yếu để ăn lại có lựa chọn khác. Bốn người nói rằng mua bánh chủ yếu để ăn có một người nội trợ, một người bán vé số, một bán bánh mì bên đường và người chạy xe ôm. Để mua bánh, họ chờ đến lúc “mua một tặng một”, “mua một tặng hai”... mới tấp vào lề đường mua vài chiếc về ăn.

Đối với họ, những chiếc bánh dù chất lượng không phải là “hảo hạng”, nhưng khi đó chiếc bánh mới trở về đúng giá trị thực của nó.

Những hộp bánh biếu được sử dụng ra sao? 14 người cho biết cứ nhận được bánh biếu sẽ mang biếu, tặng lại cho người khác. 25 người cho biết dùng bánh biếu để ăn, ăn không hết thì đi biếu tặng lại. Chỉ có một người khẳng định sẽ không mang đồ được biếu đi biếu lại, vì “lỡ người ta biết thì kỳ lắm”.

“Người ta nói bánh trung thu là mặt hàng kỳ lạ, người mua thì không ăn mà người ăn thì không mua là vậy đó” - Bùi Hồng Nhung, giáo viên tiểu học ở Q.10, nói.

* Chị LÝ THỊ KIM CÚC 
(Q.Thủ Đức): “Tôi không cho con ăn bánh trung thu vì nghĩ rằng trong bánh có nhiều chất bảo quản, ăn không tốt”.

* Chị NGUYỄN THU HẰNG 
(trình dược viên, ngụ Q.6): “Được tặng bánh, tôi thường cho những người trong nhà và những người khó khăn không có điều kiện mua bánh...”.

* Bà ĐỖ TUYẾT MAI 
(Q.Thủ Đức): “Làm quà biếu nên người ta phải mua sớm dù giá cao, chứ tôi nghĩ bình thường ít người bỏ tiền ra mua bánh, vì không cần thiết”.

* Bà HỒNG MINH NGUYỆT (Q.Tân Bình): “Bây giờ bánh có nhiều loại, nhiều mẫu mã tinh xảo. Nhưng tui thấy người ta tặng bánh theo lệ chứ cũng không thấy ý nghĩa gì”.

Nhóm khảo sát
Nguồn Tuổi Trẻ Online