Công nghệ - sức mạnh thần kỳ cho doanh nghiệp

Với 40 triệu người dùng internet trong 90 triệu dân, công nghệ thông tin (CNTT) đã, đang và sẽ mang đến hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp (DN).

Lợi ích từ "hạ tầng mới"

Nhiều DN cho biết, sau thời gian ứng dụng CNTT, các nguồn lực công ty được sử dụng hiệu quả.

Thấy rõ nhất là trong lĩnh vực bán lẻ. Trước đây, các nhà bán lẻ muốn thành công phải có nguồn vốn lớn để đầu tư vào mặt bằng, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ bán hàng. Nay, cùng với sự phát triển của internet, mô hình bán hàng trực tuyến đã mang đến hiệu quả ngoài mong đợi cho DN. Đơn cử là các trang bán hàng trực tuyến như Zalora, Lazada, Vatgia.vn, Sendo.vn...

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2013, Zalora đạt mức tăng trưởng khiến nhiều DN ao ước: hơn 100% trong năm 2013 và hơn 170% trong năm 2014. Hiện Zalora có 1,3 triệu khách hàng, thành viên; 5,879 triệu lượt theo dõi trên Facebook và bán ra 36.000 sản phẩm với sự tham gia của hơn 500 thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế.

Tương tự, năm 2014, Lazada tăng 200% doanh thu so với năm 2013. Các thương hiệu bán hàng trực tuyến khác như C Discount, Sendo... có lượng người truy cập và giao dịch ngày càng cao.

Ông Jose Finch - Tổng giám đốc điều hành Zalora Việt Nam cho biết, việc điều hành của Công ty hoàn toàn dựa trên dữ liệu số. Tất cả những dữ liệu ghi nhận về lượng người đang truy cập vào website, số lượng người đang xem một sản phẩm nào đó, tỷ lệ người xem hàng và thanh toán liền hay xem sản phẩm và rời khỏi trang ngay... được Zalora nắm được nhờ các ứng dụng của CNTT. Dựa vào những dữ liệu này, Zalora có thể đưa ra những quyết định kịp thời nhất cho chiến lược kinh doanh phù hợp.

Ngay như Saigon Co.op - một thương hiệu bán lẻ truyền thống với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đứng đầu cả nước nay cũng đã chú trọng phát triển kênh bán hàng trực tuyến. Ngày 27/8, Saigon Co.op đã ra mắt 2 ứng dụng công nghệ, gồm Co.opmart trên di động và trang mua sắm online cải tiến.

Với giao diện thân thiện cùng với thao tác đơn giản, dễ sử dụng, ứng dụng Co.opmart được xem là bước đột phá mới của thương hiệu bán lẻ này trong việc áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Giai đoạn đầu, ứng dụng Co.opmart triển khai trên hệ điều hành Android có tích hợp nhiều tiện ích như tra cứu điểm mua sắm tích lũy, cập nhật ưu đãi, đăng ký tham gia chương trình khách hàng thân thiết và các tiện ích khác mà không cần phải đến siêu thị.

Cùng với đó, Saigon Co.op còn cải tiến trang mua sắm online coophomeshopping.vn với nhiều tiện ích như sàng lọc tìm kiếm sản phẩm thông minh, thanh toán online, xem tivi trực tuyến, hỗ trợ tư vấn trực tuyến, tích hợp mạng xã hội...

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, mới hơn 1 tuần chạy thử, đã có 3.000 người tải ứng dụng Co.opmart, còn trang mua sắm online của đơn vị có doanh thu tăng 20 - 30% mỗi năm.

CNTT đang mang đến hiệu quả thiết thực cho DN, vì vậy mà mới đây, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA) đã tổ chức chương trình đào tạo "Mô hình kinh doanh trên môi trường số dành cho DN" (dCommerce).

Dự kiến, VECITA sẽ huấn luyện, đào tạo thương mại điện tử cho 25.000 DN tại 24 tỉnh thành đến năm 2020. Năm 2015, chương trình sẽ hướng đến các DN nhỏ và vừa, các DN mới thành lập cần sự hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp muốn tận dụng xu thế thương mại điện tử để kinh doanh.

Đi sau... về sau

Không chỉ DN bán hàng trực tuyến mới khai thác được lợi ích từ CNTT mà DN bán lẻ truyền thống cũng có thể tận dụng được thế mạnh này. Một DN bán lẻ truyền thống có thể nhờ vào camera để ghi nhận thói quen của khách đến mua sắm, từ đó thay đổi cách bài trí sản phẩm và quầy kệ hợp lý nhằm tăng doanh thu và hiệu quả vận hành.

Một nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh cũng có thể dùng những dữ liệu này để nghiên cứu cách người tiêu dùng lựa chọn hàng, từ đó cải tiến bao bì sản phẩm tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Công ty Microsoft Việt Nam cho biết, Việt Nam đang ở thế hệ thứ 2 của CNTT là máy tính cá nhân và server còn thế giới đang dịch chuyển qua thế hệ thứ 3 của CNTT là xu thế điện toán đám mây. Trong khi Việt Nam đang loay hoay với việc có đi lên thế hệ thứ 3 hay không thì thế giới đã lên thế hệ 3+ (internet of thing - IoT).

Dự báo, năm 2018 sẽ có 30 tỷ thiết bị kết nối với nhau, trong đó 24 tỷ thiết bị không phải là điện thoại di động, máy tính cá nhân và máy tính bảng. "Với thế hệ 3+, tất cả những thiết bị đều có thể kết nối điện toán đám mây và xu thế cảm ứng sẽ có trong tất cả các thiết bị đời sống", ông Trí cho biết.

Cũng theo ông Trí, IoT giúp người dùng có bức tranh tổng thể về mô hình đang hoạt động, phản ứng nhanh hơn để hiểu thị trường và đối thủ. IoT cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Bởi tất cả những thông tin về nhà máy, sản xuất, bán hàng... đều có thể tích hợp vào điện toán đám mây. Đây là nền tảng giúp DN tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

"Nhiều sản phẩm của Việt Nam nhìn tốt vậy nhưng khi hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc vào với giá rẻ hơn thì sẽ rất khó khăn cho DN trong nước. Đây là lúc DN Việt phải tăng hiệu suất để tạo ra những sản phẩm tốt hơn mà IoT sẽ là điểm tựa", ông Trí nói.

Thanh Ngân
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn