Thế Giới Di Động bán thịt: Lãi hơn cả hàng điện tử?

Trong 18-24 tháng tới, Thế Giới Di Động sẽ mở từ 30-50 cửa hàng kinh doanh thực phẩm.

Có kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng, nên ít ai nghĩ rằng Thế Giới Di Ðộng (.MWG) nay lại có tham vọng thiết lập thêm đế chế bán lẻ mới là Thế Giới Thực Phẩm.

Úp mở trong cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư hồi tháng 6.2015, vừa qua MWG đã chính thức công bố mục tiêu bán lẻ mới của mình. “Thế Giới Thực Phẩm” mà công ty này kỳ vọng tạo ra sẽ có quy mô khoảng 200 m2 ở mỗi điểm bán. Mặt hàng kinh doanh chính là các loại hàng thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng. “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra không gian giống siêu thị, nhưng ở quy mô nhỏ hơn”, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc MWG, cho biết.

Ở góc độ này, có thể thấy đích nhắm mới của MWG không phải là mô hình cửa hàng tiện lợi, mà lại giống như những siêu thị mini. Siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi là 2 loại hình kinh doanh gần tương tự, nhưng vẫn có yếu tố khác nhau. “Hai mô hình này mang lại giá trị khác nhau cho khách hàng. Chúng tôi không cạnh tranh trực diện với những cửa hàng tiện lợi”, ông Doanh nói.

Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, ông Trần Kinh Doanh

Trên thực tế, mô hình siêu thị mini đã xuất hiện từ lâu ở Việt Nam với hệ thống Saigon Co-op Foods, ra mắt từ năm 2008. Ngoài ra còn có nhiều đối thủ khác, chẳng hạn như Satra Foods của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra hay Minimart của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thương mại Dịch vụ Sài Gòn. Nếu tính riêng về mặt thực phẩm, sẽ phải kể đến hệ thống cửa hàng của các nhà sản xuất như Vissan, Sagrifood, Phú An Sinh, CP...

Tuy nhiên, nếu các siêu thị mini này được mở dưới sự bảo trợ của các đại gia siêu thị trước đó, hoặc cũng là những nhà sản xuất thực phẩm, thì MWG lại là “lính mới” ở mảng sản phẩm này.

Tại sao Thế Giới Di Ðộng thích lĩnh vực này? Đó là vì tiềm năng rất lớn của thị trường bán lẻ thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng. Theo ước tính của ông Doanh, tổng quy mô thị trường điện thoại và điện gia dụng là khoảng 6-7 tỉ USD/năm, còn hàng tiêu dùng thiết yếu thì phải từ 20-30 tỉ USD.

Thị trường hàng thực phẩm và tiêu dùng là một đại dương xanh đối với các công ty bán lẻ, đặc biệt là ở Việt Nam với mật độ dân cư ở khu vực thành thị cao, độ tuổi trẻ chiếm phần lớn và thu nhập đang trên đà tăng nhanh. Dù mô hình cửa hàng tiện lợi lẫn siêu thị mini ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây, nhưng theo ông Doanh, số lượng này chỉ giống như “cát ở biển”.

“Về tổng thể, tuy bên ngoài nhìn có vẻ nhiều, nhưng quy mô các cửa hàng hiện đại cũng mới chỉ chiếm khoảng 15% quy mô thị trường kinh doanh nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu”, ông Doanh cho hay.

Theo thống kê của Nielsen, số lượng các cửa hàng tiện ích ngày càng đông đảo, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Năm 2014, số lượng các cửa hàng trong chuỗi siêu thị mini tăng từ 863 lên 1.452 cửa hàng so với năm 2012. Còn số cửa hàng tiện lợi cũng đã tăng gấp đôi, từ 147 lên 348. Tốc độ tăng trưởng này ấn tượng, nhưng vẫn còn khiêm tốn hơn rất nhiều nếu so với con số hơn 1 triệu điểm bán lẻ truyền thống.

Thị trường hàng thực phẩm và tiêu dùng là một đại dương xanh đối với các công ty bán lẻ, đặc biệt là ở Việt Nam với mật độ dân cư ở khu vực thành thị cao, độ tuổi trẻ chiếm phần lớn và thu nhập đang trên đà tăng nhanh.

Tại các thị trường phát triển, doanh số bán lẻ phần lớn tập trung vào các siêu thị và đại siêu thị. Trong khi đó, doanh số bán lẻ ở các nước đang phát triển phân mảnh nhiều hơn, với hơn 45% doanh số vẫn đến từ các cửa hàng truyền thống. Tại Việt Nam, mật độ cửa hàng hiện đại trên đầu người vẫn còn rất thấp. Nielsen cho biết hiện Việt Nam chỉ mới có trung bình 14 cửa hàng trên 1 triệu dân. Con số này ở Trung Quốc là 47, Thái Lan là 180 và Hàn Quốc là 545.

Dù vậy, mô hình mua sắm hàng tiêu dùng tại cửa hàng hiện đại cũng có những tín hiệu tăng trưởng đáng chú ý trong thời gian gần đây. Tuy các báo cáo khảo sát cho thấy chợ và các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là kênh mua bán được đa số người Việt yêu thích, lượng khách hàng này đã giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, lượng người mua hàng đã giảm 5% đối với chợ truyền thống và 17% đối với các cửa hàng tạp hóa truyền thống (năm 2014 so với năm 2012), theo khảo sát của Nielsen.

Bên cạnh tiềm năng thị trường rộng mở, còn một lý do khác khiến MWG quyết tâm tham gia vào một ngành kinh doanh mới: tìm động lực tăng trưởng. Hiện Công ty đang ở thời kỳ đỉnh cao. Năm 2015, theo khảo sát của NCÐT và Công ty Chứng khoán Thiên Việt, MWG đứng đầu trong danh sách 50 công ty niêm yết có kết quả kinh doanh tốt và đạt hiệu quả cao nhất trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng sẽ dần qua đi nếu Công ty không đầu tư thêm hoạt động mới, tạo tiền đề cho mức tăng trưởng cao hơn trong tương lai.

Liệu chuyện trở thành Thế Giới Thực Phẩm có phù hợp với MWG? Không nắm rõ về tỉ lệ lợi nhuận trong ngành thực phẩm ở Việt Nam, nhưng ông Doanh cho biết con số này ở các quốc gia khác tầm 15-20% tùy món hàng, cao hơn so với lĩnh vực điện tử tiêu dùng.

“Chỉ cần chiếm 10% thị phần bán lẻ thực phẩm là chúng tôi có thể kiếm được nhiều hơn kinh doanh điện thoại, tivi các loại. Nếu thành công, doanh số mảng này sẽ còn lớn hơn cả mảng Thế giới Di động và Điện máy Xanh cộng lại.”

“Chỉ cần chiếm 10% thị phần bán lẻ thực phẩm là chúng tôi có thể kiếm được nhiều hơn kinh doanh điện thoại, tivi các loại. Nếu thành công, doanh số mảng này sẽ còn lớn hơn cả mảng Thế giới Di động và Điện máy Xanh cộng lại”, ông Doanh chia sẻ. Hiện tại, tổng doanh thu lũy kế 7 tháng đầu năm 2015 của MWG đạt 12.920 tỉ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2014.

Dù kỳ vọng đến tháng 11 năm nay sẽ bắt đầu khai trương cửa hàng thực phẩm đầu tiên, nhưng MWG vẫn chưa cho biết cụ thể hơn về việc sẽ triển khai mô hình này như thế nào từ địa điểm, thương hiệu cho đến các loại sản phẩm. Còn xa hơn, trong 18-24 tháng tới, MWG sẽ mở từ 30-50 cửa hàng kinh doanh thực phẩm. “Chúng tôi sẽ thử nghiệm không gian cho khách hàng trải nghiệm trước, rồi sau đó mới tính tiếp được khả năng có mở rộng hay không”, ông Doanh công bố.

Chắc chắn MWG sẽ gặp không ít khó khăn đối với mảng kinh doanh hoàn toàn mới này và các nhà lãnh đạo của Công ty cũng ý thức được điều đó. “Quá trình ra quyết định của khách hàng mua thực phẩm hoàn toàn khác so với việc mua một chiếc điện thoại”, ông Doanh phân tích. Nhưng vị Tổng Giám đốc này vẫn tỏ ra tự tin với kinh nghiệm bán lẻ điện thoại trong quá khứ. “Thật ra đây đều là công việc bán lẻ”, ông nói.

Việt Dũng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư