Còn đủ dư địa để Vinasoy vẫy vùng

Từ 2010 đến nay, Vinasoy ung dung với vị thế dẫn đầu thị trường sữa đậu nành tại Việt Nam. Không ngủ yên trên chiến thắng, doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục củng cố vị thế của mình.

Tiền thân của Công ty sữa Đậu nành Việt Nam (Vinasoy) là công ty Sữa Trường Xuân, một công ty con của Công ty Đường Quảng Ngãi với mặt hàng là chủ lực là sữa tiệt trùng, sữa chua, kem và sữa đậu nành FAMI chỉ là một dòng sản phẩm nhỏ của công ty. Sau nhiều lần thay đổi và với hướng đi “Chỉ làm đậu nành và tập trung vào đậu nành thôi”, chiến lược tập trung vào dòng sản phẩm cốt lõi đã mang lại tốc độ tăng trưởng và doanh thu ấn tượng cho Vinasoy những năm trở lại đây.

Tham vọng lớn

Ngày 25/8, nhà máy tại Bắc Ninh của Vinasoy khánh thành giai đoạn 2 với tổng công suất thiết kế 180 triệu lít sữa đậu nành/năm. Cùng với nhà máy đang hoạt động tại Quảng Ngãi, khả năng cung ứng của Vinasoy sẽ nâng lên mức 1,5 tỷ sản phẩm/năm, trở thành một trong 5 công ty sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới. Nhưng, tham vọng của Vinasoy không dừng lại ở đó, tháng 9/2015 một nhà máy quy mô tương đương với nhà máy tại Bắc Ninh cũng sẽ được động thổ tại Bình Dương. Lý do để Vinasoy mạnh dạn đưa ra những bước đi tham vọng như vậy bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng nhanh của xu hướng tiêu dùng sữa đậu nành trong những năm qua. Tốc độ tăng trưởng ba năm trở lại đây của Vinasoy luôn duy trì ở mức 40 – 50% và riêng năm 2014 là 49%.

Trong khi Goldsoy tập trung quảng bá sản phẩm sữa đậu nành có xuất xứ nguyên liệu từ hạt đậu nành không biến đổi gen – nhập khẩu từ Mỹ, Canada thì Vinasoy luôn khẳng định, đến 98% nguyên liệu của họ là từ trong nước.

Hiện Vinasoy đang sở hữu hai nhãn sản phẩm là Fami và Vinasoy. Mỗi thương hiệu được nghiên cứu để định vị vào các nhóm đối tượng khác nhau: nhãn Vinasoy (Vinasoy nguyên chất và Vinasoy mè đen) được làm giàu chất Isoflavones giúp đẹp dáng – sáng da dành cho phụ nữ. Fami Canxi tập trung vào đối tượng nam giới, thanh niên, người cao tuổi bổ xung cho xương chắc khỏe. Gần đây, Fami Kid – sữa đậu nành hương vị Socola cũng được doanh nghiệp này tung ra thị trường. Với các dòng sản phẩm này, Vinasoy cơ bản đã giải quyết được nhu cầu của tất cả các nhóm đối tượng khách hàng, đúng như thông điệp mà doanh nghiệp này quảng bá liên tục trong thời gian gần đây: Vinasoy phù hợp cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Việc đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời đi tiên phong trong một dòng sản phẩm đồ uống có nguồn gốc từ thiên nhiên – đúng với xu hướng tiêu dùng của thế giới, chính là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Vinasoy hiện nay – ông Dennis Jonsson, Tổng giám đốc Tetra Pak toàn cầu đã nhận định như vậy khi sang tham dự lễ khánh thành nhà máy của Vinasoy ở Bắc Ninh.

Vị trí tiên phong mà Vinasoy có được, bên cạnh những nỗ lực thay đổi của doanh nghiệp này, phải kể đến giai đoạn bước ngoặt quyết định sự sống còn và định hướng gắn với đậu nành của Vinasoy chính là năm 2001, khi doanh nghiệp này được ký hợp đồng 7 năm độc quyền cung cấp sữa đậu nành Fami cho chương trình “Dinh dưỡng học đường” do Bộ Nông nghiệp (Mỹ) tài trợ cho học sinh vùng sâu vùng xa tại Việt Nam. Hợp đồng này không chỉ giúp doanh nghiệp có được đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy mà quan trọng hơn, 60 triệu hộp sữa đậu nành được đưa đến tận tay 500.000 lượt học sinh tiểu học trên 5 tỉnh thành đã giúp marketing rộng rãi sản phẩm sữa đậu nành đóng hộp đến với thị trường, vốn trước đó chỉ quen với sữa đậu nành chế biến thủ công. Đến nay, trong số hơn 1,5 triệu lít sữa đậu nành tiêu thụ mỗi ngày của người Việt Nam, có khoảng 32% là sữa đậu nành đóng hộp. Kể từ bước ngoặc đó, Vinasoy chỉ tập trung vào một dòng sản phẩm chủ lực là đậu nành. Nói như lời của ông Ngô Văn Tụ – Giám đốc điều hành Vinasoy là: “Chỉ làm đậu nành và tập trung vào đậu nành mà thôi”.

Bà Nguyễn Thanh Giang – Giám đốc Marketing của Vinasoy cho biết, hiện doanh số của Vinasoy đang trải khá đều trên cả ba miền: 40% tại miền Bắc, 25% tại miền Trung và 35% tại thị trường phía Nam. Hiện sản phẩm của Vinasoy đi vào thị trường nhiều nhất thông qua kênh đại lý và các cửa hàng tiện lợi với 156 nhà phân phối trên cả nước. Thị phần của Vinasoy trên thị trường, theo số liệu vào tháng 12/2014 của AC Nielsen là 82,7%. Năm 2014, doanh số của Vinasoy là 3.142 tỷ đồng.

Trung thành với nguyên liệu trong nước

Trong số những thương hiệu xếp sau Vinasoy trên thị trường, Vinamilk – với thương hiệu Goldsoy có thể nói là đối thủ đáng quan tâm nhất, với lợi thế về thương hiệu mẹ cùng các chiến dịch truyền thông, quảng bá rầm rộ không kém cạnh Vinasoy. Trong khi Goldsoy tập trung quảng bá sản phẩm sữa đậu nành có xuất xứ nguyên liệu từ hạt đậu nành không biến đổi gen – nhập khẩu từ Mỹ, Canada thì Vinasoy luôn khẳng định, đến 98% nguyên liệu của họ là từ trong nước. Lý giải cho điều này, ông Ngô Văn Tụ cho biết, chỉ những sản phẩm tại Việt Nam mới có được hương vị đậm, đặc trưng của đậu nành mà người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng. Trong khi đó, tại nước ngoài, người tiêu dùng không thích mùi vị của đậu nành nên trong trồng trọt người nông dân đã loại bỏ yếu tố này ngay từ khi chọn giống.

Hiện nay, vùng nguyên liệu của Vinasoy đang tập trung mạnh nhất tại vùng Cư Jút – Đắc Nông. Tuy nhiên, vấn đề mà doanh nghiệp này gặp phải là hạn chế về kỹ thuật canh tác và thiếu giống đặc chủng để có thể đáp ứng được quá trình cơ giới hóa. Cuối năm 2013, Vinasoy thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VASC), kết hợp với hai đối tác chiến lược của Vinasoy là Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ – Đại học Missouri, chuyên thực hiện các công trình nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu về giống và Trung tâm Nghiên cứu đậu nành quốc gia Mỹ – Đại học Illinois. Tháng 7/2015, trung tâm này đã nghiên cứu thành công và chính thức chuyển giao giống đậu nành thuần chủng cho nông dân tại Cư Jút. Đây sẽ là cơ sở để Vinasoy tính được các bài toán ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ vào việc trồng trọt và thu hoạch đậu nành nguyên liệu, bắt kịp với trình độ phát triển của ngành công nghiệp chế biến đậu nành trên thế giới.

Với 3 dòng sản phẩm chính, Vinasoy cơ bản đã giải quyết được nhu cầu của tất cả các nhóm đối tượng khách hàng.

Bên cạnh đó, VASC với sự hợp tác cùng các tổ chức quốc tế lớn về đậu nành còn giúp Vinasoy có được nhiều lợi thế nghiên cứu để tổ chức các chương trình hội thảo quốc tế, xây dựng nhận thức trong cộng đồng về giá trị của sữa đậu nành. Còn nhớ cách đây không lâu, dư luận xôn xao về thông tin sữa đậu nành không tốt cho nam giới. Trước thông tin bất lợi này, 5/2015 Vinasoy đã kết hợp với nhà nghiên cứu về đậu nành cũng như các chuyên gia dinh dưỡng tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng đậu nành và sức khỏe nam giới”, kịp thời giải tỏa mối nghi ngại trong cộng đồng. Có một điều không thể phủ nhận là chính doanh số hàng nghìn tỷ đồng đến từ đậu nành đã giúp Vinasoy có được tiềm lực tài chính để mạnh tay đầu tư vào nghiên cứu phát triển và tổ chức liên tục các chương trình quảng bá rầm rộ, từ việc xây dựng nhận thức đến tần suất quảng cáo liên tục trên sóng truyền hình. Hiệu ứng truyền thông này lại góp phần định vị thương hiệu dẫn đầu của Vinasoy trong tâm trí người tiêu dùng, một trong những yếu tố quan trọng quyết định hành vi lựa chọn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tiêu dùng nhanh.

Theo một báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ, xu hướng sử dụng thực phẩm từ đậu nành trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 35 năm tới. Điều đó có nghĩa là Vinasoy vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, nói về định hướng xuất khẩu, đại diện doanh nghiệp này vẫn khá thận trọng và khẳng định, trong vòng 1 – 2 năm tới Vinasoy chưa có ý định tiến ra thị trường quốc tế. Hẳn là với Vinasoy, thị trường trong nước vẫn đang đủ dư địa để họ có thể thỏa sức vẫy vùng.

Thu Hương
Nguồn Doanh Nhân Online