Điện máy xanh tăng tốc

Thị trường bán lẻ điện máy được dự đoán sẽ có nhiều áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn lớn. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty Thế giới Di Động (TGDĐ), chia sẻ với chúng tôi về ngành này.

Dưới góc nhìn của người đứng đầu một doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ điện máy, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty Thế giới Di Động (TGDĐ) cho rằng, áp lực cạnh tranh từ đối thủ không nhiều bằng việc bản thân công ty cần tạo ra sức ép để phát triển.

* Thưa ông, cuối năm trước, lãnh đạo TGDĐ đã tuyên bố sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2015. Đến nay đã qua hơn nửa chặng đường, vậy mục tiêu đó công ty đã thực hiện đến đâu?

Trong 6 tháng đầu năm chúng tôi đã đạt hơn 52% kế hoạch, doanh thu khoảng 11.000 tỷ đồng. Về lộ trình, doanh thu và lợi nhuận vẫn duy trì được tốc độ ổn định. Trong vòng 6 tháng cuối năm TGDĐ sẽ tăng tốc mở rộng chuỗi bán lẻ Điện Máy Xanh lên con số 60 – 70 siêu thị trên toàn quốc. Đây là cơ sở để tạo đột phá về doanh thu và lợi nhuận cho cả năm.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty Thế giới Di Động

* Để đạt được mục tiêu trên, TGDĐ đã chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Ban lãnh đạo TGDĐ xác định tập trung tối đa nguồn lực để thực hiện đúng mục tiêu và kế hoạch này. Các cửa hàng mới xây dựng sẽ được đầu tư toàn bộ bằng nguồn lợi nhuận của chính công ty chứ không phải đi vay ngân hàng. Hiện tại, chuỗi Điện Máy Xanh đạt con số 35 siêu thị và chỉ trong vòng 6 tháng tới công ty có thể tăng thêm gấp đôi số lượng siêu thị.

* Điện Máy Xanh ra đời ở thời điểm thị trường bán lẻ điện máy đang trong xu thế M&A mạnh mẽ, ông có cảm thấy sức ép cạnh tranh lớn khi xuất hiện nhiều đối thủ?

Về bản chất thì M&A không làm cung ứng thị trường tăng lên. Cụ thể, vừa rồi có một tập đoàn của Thái Lan mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim, nhưng dù tập đoàn này có mặt hay không thì vẫn chỉ có 21 siêu thị Nguyễn Kim hiện diện trên cả nước. Nhiều thông tin trong ngành cho rằng, đến năm 2019 chuỗi liên doanh này mới nâng lên gần 50 siêu thị và tiếp tục sáp nhập với một đối tác lớn khác. Dẫu vậy, sáp nhập chủ yếu là thay đổi phong cách quản lý và người tiêu dùng vẫn được phục vụ bởi các siêu thị. Nếu nhìn ở góc độ đó, theo tôi, áp lực không quá lớn.

* Ông thường nói đến sự khác biệt tạo nên thành công, vậy sự khác biệt mà các nhà bán lẻ điện máy cần làm là gì?

Mục tiêu mở rộng 60 – 70 siêu thị Điện Máy Xanh trên toàn quốc trong năm 2015 mới chính là áp lực cho công ty

Quan điểm của TGDĐ là tới thời điểm mà doanh nghiệp không tạo nên sự đột phá hay giá trị gia tăng cho chính bản thân mình, thì sử dụng M&A là một phương pháp hiệu quả, xét về chiến lược kinh doanh. Thị trường hiện nay mặc dù được cho là có tiềm năng, nhưng ở các thành phố lớn phần nào nhu cầu đã bão hòa. Để cạnh tranh, nếu yếu tố khác biệt về sản phẩm gặp khó khăn thì biện pháp tốt nhất dành cho các doanh nghiệp điện máy là “thu nhỏ” lại. Một điều dễ thấy là mặt bằng nhỏ có ưu thế chi phí thấp hơn, dễ dàng mở rộng hoặc đóng cửa khi không đáp ứng được yêu cầu. Chiến lược của Điện Máy Xanh là thu nhỏ quy mô từ đại siêu thị sang siêu thị trung bình và hướng tới việc thâm nhập sâu vào các khu dân cư.

* Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và trung bình tương tự như Điện Máy Xanh đang kinh doanh kém hiệu quả, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thị trường điện máy vẫn còn nhiều tiềm năng, thay vì cạnh tranh và soi xét đối thủ tôi cho rằng nên tập trung vào việc khai phá những mảnh đất mới, đón đầu tình thế để tăng trưởng tốt và bứt phá. Điều các doanh nghiệp cần làm là sẵn sàng loại bỏ những mặt hàng “bày cho đẹp” và chỉ tập trung vào những loại hàng hóa có nhu cầu cao. Ngoài ra, các mặt hàng trong siêu thị cũng cần được bài trí lại để phù hợp với hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

* Dựa trên tiêu chí nào mà Điện Máy Xanh lên kế hoạch mở rộng nhiều hệ thống như vậy? Phát triển “nóng” quá có đồng nghĩa với rủi ro tăng lên?

Tôi nhìn nhận thị trường điện máy tại Việt Nam vẫn còn là “đại dương xanh”, nên việc nhanh chóng mở rộng chuỗi để khai thác những khoảng trống là cần thiết. Điện Máy Xanh tự tin về nguồn tài chính chủ động, hoàn toàn là vốn chủ sở hữu của mình chứ không phải là các khoản vay. Thêm vào đó, hệ thống quản trị của công ty được xây dựng tương đối tốt, việc kế thừa kinh nghiệm phát triển chuỗi cửa hàng từ “người anh cả” TGDĐ cũng là yếu tố giúp Điện Máy Xanh phát triển thuận lợi và an toàn hơn.

* Dễ nhận thấy TGDĐ đang tập trung “nuôi dưỡng” Điện Máy Xanh theo hướng phát triển tối đa về tầm vóc lẫn độ phủ. Tỷ trọng doanh thu của Điện Máy Xanh sắp tới trong cơ cấu toàn hệ thống TGDĐ ra sao?

Đến cuối năm 2015, nếu doanh thu của TGDĐ về đích ở mức 1 tỷ USD như kế hoạch thì Điện Máy Xanh sẽ chiếm khoảng 20 – 25%. Tuy nhiên, tỷ lệ lợi nhuận sẽ thấp hơn một chút vì chuỗi điện máy đang được tiếp tục đầu tư. Mức đầu tư vào một siêu thị Điện Máy Xanh gấp 3 – 5 lần việc đầu tư hạ tầng cho một cửa hàng TGDĐ. Cụ thể, khi đầu tư một cửa hàng TGDĐ mất khoảng 2,5 tỷ đồng, trong khi một siêu thị Điện Máy Xanh cần đầu tư khoảng 7 – 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi hệ thống đã hoàn thiện thì tỷ trọng về doanh thu của Điện Máy Xanh sẽ tăng cao hơn.

* Chiến lược “Bắc tiến” của Điện Máy Xanh đang được nhắc đến, nhưng miền Bắc đã có rất nhiều tên tuổi lớn. Vậy, đâu là cơ hội?

Hiện tại ở Hà Nội đang có khoảng 50 trung tâm bán lẻ điện máy lớn nhỏ, đây là một con số tương đối lớn. Nhưng tính cả Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thì số lượng trung tâm điện máy mới chỉ “phủ” được khoảng 40% dân số cả nước. Theo tôi biết, tỷ trọng bán lẻ điện máy hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 50%, số còn lại thuộc về các cơ sở phục vụ truyền thống. Với những thông số như vậy, tôi nghĩ có đủ lý do để công ty gia nhập và phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho thị trường miền Bắc. Sắp tới Điện Máy Xanh sẽ khai trương 5 siêu thị ở khu vực này.

*Xin cảm ơn ông!

Việt Dũng
Nguồn Doanh Nhân Online