Facebook đang làm “vua” thế giới công nghệ

Không phải Google, cũng không phải Apple, nếu phải nêu tên hãng công nghệ nào đang đứng đầu thế giới, không còn ứng viên nào xứng đáng hơn Facebook.

Ngoài Facebook, không công ty công nghệ nào khác làm tốt nhiều lĩnh vực một lúc, từ phát triển sản phẩm đến quản trị doanh nghiệp, quan hệ công chúng. Vì sao lại nói như vậy? Hãy cùng nhìn lại những gì mạng xã hội lớn nhất thế giới đang làm được.

Người dùng “nghiện” hơn: Facebook có hơn 968 triệu người dùng mỗi ngày, đồng nghĩa với cứ 7 người trên trái đất lại có 1 người đang kiểm tra Facebook hàng ngày. Họ không chỉ tìm kiếm 1 hay 2 từ khóa trong thời gian ngắn mà thực chất dành tới hơn 46 phút/ngày cho Facebook.

Dân số ngày càng đông: Lượng người dùng hàng tháng của Facebook tăng 13% so với năm 2014, tuy không phải tỉ lệ lớn nhưng nó lại xuất phát từ nền tảng đặc biệt khổng lồ, từ 1,32 tỷ người dùng lên 1,49 tỷ người dùng. Facebook có thêm 173 triệu người dùng kể từ năm ngoái, còn nhiều hơn cả dân số Anh và Đức gộp lại.

Facebook có hơn 968 triệu người dùng mỗi ngày, đồng nghĩa với cứ 7 người trên trái đất lại có 1 người đang kiểm tra Facebook hàng ngày.

Facebook đã lên kế hoạch khi người dùng bão hòa: Tổng Giám đốc Mark Zuckerberg khắc họa dự án Internet.org như một con đường để mang kết nối Internet tới 1 tỷ người tiếp theo chưa được nối mạng, song đây không chỉ nhằm mục đích từ thiện. Càng nhiều người lên mạng, càng nhiều người sử dụng Facebook. Đó là cách giúp tăng con số 1,49 tỷ người dùng hiện tại lên 3 tỷ hay thậm chí là 5 tỷ người. Công ty cũng phát triển một số công nghệ thực sự thú vị như máy bay không người lái phủ Wi-Fi miễn phí.

Tăng trưởng tốt từ khi “lên sàn”: Khi Facebook phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào mùa xuân năm 2012, các nhà đầu tư nhìn vào kết quả của các năm trước và nhìn thấy một công ty phát triển nhanh. Thời điểm đó, Facebook chưa có quảng cáo di động. Hãng chỉ bắt đầu bán quảng cáo di động sau đó.

Kể từ đó đến nay, mảng kinh doanh mà Facebook từng phụ thuộc vẫn bình ổn nhưng mảng quảng cáo di động đã đi đúng quỹ đạo. Tất cả tăng trưởng doanh thu của công ty từ khi IPO đều thuộc về lĩnh vực chưa tồn tại trước đây.

Nhiều nguồn thu tiềm năng: Facebook chỉ mới bắt đầu bán quảng cáo mục tiêu trên Instagram. Các nhà phân tích dự báo nó có thể trở thành mảng kinh doanh tỷ đô trong vài năm tới. Mạng xã hội thậm chí còn chưa bắt đầu kiếm tiền từ các sản phẩm nhắn tin như Messenger và WhatsApp đang có tổng cộng hơn 1 tỷ người dùng. Tuy nhiên, Zuckerberg cũng đã hé lộ một phần kế hoạch tận dụng hai dịch vụ này trong báo cáo kết quả kinh doanh vừa rồi. Về cơ bản, công ty sẽ đi theo quy trình tương tự News Feed, sử dụng Messenger như giải pháp để người dùng kết nối với các nhãn hiệu, sau đó dần dần thu phí. Ngoài Messenger, WhatsApp, Facebook còn có trong tay tìm kiếm, Facebook for Work và Oculus.

Doanh thu Facebook tăng liên tục sau khi IPO năm 2012. Nguồn: Facebook

Chiến lược thâu tóm thiên tài: Nếu những người trẻ tuổi bắt đầu chán Facebook và cho rằng nó chỉ dành cho người già, họ sẽ quay sang dùng Instagram giống như 300 triệu người khác, hoặc có thể là WhatsApp như 800 triệu người khác đang dùng. Facebook sở hữu cả hai nền tảng tiềm năng này. Không chỉ có vậy, ứng dụng chat Messenger tự phát triển đang có 700 triệu người dùng.

Âm thầm cách mạng hóa thị trường phần cứng 140 tỷ USD: Trong khi phần lớn chúng ta chỉ quan tâm đến các dịch vụ phổ biến như Facebook, Instagram, Messenger, công ty này đang âm thầm cạnh tranh với các gã khổng lồ khác như Cisco bằng cách tự thiết kế trung tâm dữ liệu riêng và cho thuê dưới dạng giấy phép nguồn mở. Hiện tại, một vài startup đã sử dụng thiết kế của Facebook và khởi nghiệp quanh nó.

Hình ảnh Zuckerberg đã được cải thiện: Vài năm trước, người đứng đầu Facebook đã có màn xuất hiện tồi tệ tại sự kiện D Conference. Nó hoàn toàn tương phản với thái độ bình tĩnh tại một vài hội thảo gần đây hay cách mà anh thông báo về việc mình sắp làm bố cũng như những lần sảy thai trước của vợ. Hình ảnh của Zuckerberg đã thay đổi từ cậu thanh niên “khó bảo” không thèm quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng đến thiên tài được yêu mến hơn.

Nếu không phải là Facebook, còn công ty nào khác có thể đứng ở vị trí đầu ngành?

Apple? iPhone đã làm cuộc cách mạng cho thị trường di động hơn bất kỳ sản phẩm nào khác kể từ thời máy tính cá nhân, song nó đã hơn 8 tuổi. Apple chưa có cú “hit” nào kể từ đó, doanh số iPad đang sụt giảm, đồng hồ Watch khởi đầu chậm chạp, Apple Music dường như là sản phẩm tồi tệ thứ hai sau Apple Maps.

Mark Zuckerberg

Hình ảnh của Zuckerberg đã thay đổi từ cậu thanh niên “khó bảo” không thèm quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng đến thiên tài được yêu mến hơn.

Google? Google lớn hơn Facebook ở mọi thống kê: người dùng, doanh thu quảng cáo, lợi nhuận. Tuy nhiên, Facebook đang tiến nhanh hơn trong các lĩnh vực mà Google thống trị như di động và video. Google không thể tiến xa hơn trừ phi một trong các dự án táo bạo của Larry Page thành công.

Microsoft? Gã khổng lồ phần mềm đang quay trở lại nhưng hãng đã “phòng thủ” nhiều năm.

Amazon có lẽ gần với Facebook nhất: Nhiều người dùng, quản trị tốt, ít nhất hai mảng kinh doanh lớn (thương mại điện tử và Amazon Web Services). Song, dù tồn tại lâu hơn Facebook, Amazon không có được người dùng rộng khắp thế giới và chưa chứng minh được có thể thu lợi nhuận ổn định như đối thủ.

Mỗi giai đoạn của công nghệ lại có người hùng khác nhau. Thế hệ hiện tại bắt đầu từ năm 2009 và Facebook đã chiến thắng. Mark Zuckerberg cùng đồng nghiệp có thể hít một hơi sâu và tận hưởng thành công của mình. Tuy nhiên, họ không thể ngủ quên. Thứ luôn đúng trong công nghệ là tất cả các vị vua đều có vương triều ngắn ngủi.

Du Lam / BI
Nguồn ICT News