Event Agency: Luẩn quẩn trong vòng sinh nhai

Nhiều công ty Event tại Việt Nam đang chen chúc và luẩn quẩn trong cảnh tranh sáng tranh tối và ngành dịch vụ tổ chức sự kiện của nước nhà vẫn chưa có được những bước tiến nổi bật.

Chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng các công ty tổ chức Event tại Việt Nam nhưng có thể thấy con số này tăng trưởng chóng mặt qua từng năm và chưa có dấu hiệu đi xuống.

Trên thị trường Việt Nam, các công ty tổ chức sự kiện có thể phân thành 3 cấp:

- Các công ty đa quốc gia, liên doanh, với dịch vụ cao cấp và mức giá cao ngất ngưởng, ví dụ như Ogilvy PR, JWT, Lowe...: Thực ra ít có công ty nào trong số này chuyên biệt về Event, họ cung cấp dịch vụ đầy đủ (full services), bao gồm tư vấn chiến lược marketing và triển khai, và tổ chức Event là một phần dịch vụ trong đó bên cạnh PR, quảng cáo, digital marketing... Họ thường outsource các Event này cho các công ty trong nước thực hiện và ăn lời phần chênh lệch do giá trị thương hiệu đem lại.

- Các công ty Việt Nam có tên tuổi: Một số công ty cung cấp full service, một số thiên về tổ chức sự kiện, ví dụ Masso Groups, Golden Event & PR, XPR...: Có uy tín nhất định trên thương trường, có thể tự làm hoặc outsource cho các công ty nhỏ hơn.

- Các công ty còn ít có tên tuổi, số này hiện có rất nhiều trên thị trường.

Trong số các công ty chưa có tên tuổi cũng phân cấp ra rất nhiều loại, có những công ty đã tích lũy ít nhiều kinh nghiệm và đang trên bước đường khẳng định thương hiệu, có công ty vẫn còn loanh quanh với kiểu kiếm sự kiện đắp đổi qua ngày hoặc có tuổi mà chưa có tên. Mà số lượng các công ty còn đang luẩn quẩn trong vòng phát triển này lại chiếm phần nhiều.

Có thể thấy một thực tế là hầu hết các công ty chưa thành công trong lãnh vực này đều chưa có một phương hướng, chiến lược phát triển rõ ràng cho mình. Họ lập công ty ra khi đã có sẵn một vài dự án, hoặc thậm chí còn chưa có dự án lận lưng nào. Rồi nhờ tổ chức một số sự kiện, họ đủ tiền trang trải kinh phí vận hành một doanh nghiệp, họ lại tiếp tục đi tìm kiếm khách hàng, chào hàng, tổ chức sự kiện, kiếm lời... Cứ như vậy họ luẩn quẩn với vòng quay tìm sự kiện, tổ chức, kiếm lời nhưng mãi cũng chỉ đủ ăn chứ chưa bứt phá được vì một tháng chỉ có lèo tèo một, hai sự kiện làng nhàng.

Một số công ty thì nhận thực hiện, cung cấp bất cứ thứ gì mà khách hàng cần trong lãnh vực tổ chức sự kiện và bạn có thể dễ dàng tìm kiếm ra họ trên các máy tìm kiếm. Việc này có thể giúp họ có nhiều khách hàng hơn, nhưng vô hình chung lại hạ thấp hình ảnh của họ trong mắt khách hàng. Liệu khách hàng có tin tưởng trao một sự kiện cao cấp trị giá triệu đô cho một công ty cung cấp từ từ PG, lều bạt, âm thanh sân khấu, máy bay trực thăng cho tới sự kiện tầm cỡ festival?

Có thể lý giải nguyên nhân là do nghề Event chưa phát triển một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam, chủ yếu mọi người tự học nghề, không theo một trường lớp bài bản chính thống nào nên mức độ chuyên nghiệp chưa cao và ý tưởng đột phá là chưa có, dẫn đến những Event còn nhiều lộn xộn trong khâu tổ chức. Từ đó khách hàng mất lòng tin ở những công ty nhỏ, đành chấp nhận trả tiền cao hơn cho các công ty mà họ nghĩ rằng đã có tên tuổi và uy tín.

Nhiều công ty có cả chục năm tuổi đời nhưng chỉ có thể tổ chức sự kiện nhỏ như khai trương showroom

Thêm vào đó, nhiều người sau một thời gian làm Event, tích lũy được chút ít kinh nghiệm, có một vài khách hàng quen biết, họ đứng ra mở công ty nhưng năng lực điều hành còn có hạn, cho nên không thể tìm một hướng đủ sáng lạn cho công ty của mình, chưa có định hướng về việc xây dựng thương hiệu và hình ảnh cho công ty trong mắt khách hàng.

Một số công ty thì được lập ra để làm sân sau cho một số người có chức vụ cao trong các công ty lớn. Xuất phát từ nhu cầu của nhiều công ty, tập đoàn vốn có ngân sách khổng lồ cho các hoạt động marketing, những người nắm giữ các vị trí chủ chốt như marketing manager, giám đốc điều hành... mạnh dạn thành lập một công ty, thường là đóng cổ phần của mình trong đó để có thể tuồn các đơn hàng tổ chức sự kiện hay kích hoạt thương hiệu ra ngoài cho công ty gà nhà làm. Vì vậy có nhiều công ty không hề có tên tuổi, nhiều khi chỉ có một khách hàng duy nhất, vẫn có thể sống khỏe, thực tế đó có lẽ chỉ có tại Việt Nam(!)

Một dạng Event Agency thường gặp nữa là loại tồn tại như ... hàng tiêu dùng nhanh. Những công ty này cũng có làm sự kiện, kinh doanh có lãi, tuy nhiên lợi dụng kẽ hở trong luật pháp nhà nước là khuyến khích những doanh nghiệp mới thành lập, họ khai báo lỗ để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và sau ba năm thì nộp đơn xin phá sản rồi thành lập công ty mới. Vì vậy, khách hàng chưa kịp nhớ tên, nhớ mặt đã thấy họ không còn tồn tại trên thị trường rồi.

Từ những thực trạng đó dẫn đến là nhiều công ty Event tại Việt Nam đang chen chúc và luẩn quẩn trong cảnh tranh sáng tranh tối và ngành dịch vụ tổ chức sự kiện của nước nhà vẫn chưa có được những bước tiến nổi bật. Việc này cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của những công ty làm ăn nghiêm túc và có năng lực thực sự. Chỉ khi nào những người chủ doanh nghiệp ý thức được việc xây dựng một chiến lược phát triển thực sự nghiêm túc và lâu dài, bớt đi kiểu làm ăn chụp giựt, manh mún thì mới mong có ngày sự kiện tại Việt Nam sánh ngang tầm thế giới.

Nguồn Event Channel