Hàng không Việt Nam: Thu hút những thương hiệu lớn

Ngành công nghiệp hàng không sơ khai của Việt Nam đang hưởng lợi với sự xuất hiện của các thương hiệu lớn như Rolls- Royce, Honeywell...

Ngày 2/7, Vietnam Airlines tổ chức tiếp nhận chiếc Airbus A350-900 XWB với hàng loạt điểm mới về sự sang trọng, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu.

Đây là máy bay đầu tiên trong 14 chiếc A350-900 XWB mà Vietnam Airlines đặt mua từ Airbus. Điều đáng nói là những chiếc máy bay này sử dụng động cơ của Rolls-Royce, một thương hiệu rất nổi tiếng của Vương quốc Anh.

Ngay sau sự kiện tiếp nhận A350-900 XWB của Vietnam Arilines, ngày 9/7, Nhóm Kinh doanh Hàng không vũ trụ Honeywell đã ký biên bản ghi nhớ với Hãng Hàng không VietJet về việc lắp đặt động cơ phụ (APU) và bộ thiết bị điện tử hàng không (avionics suite) của Honeywell cho những máy bay mà VietJet sẽ nhận trong thời gian tới.

Vietnam Airlines đặt mua Airbus A350-900 XWB với động cơ của Rolls-Royce

Năm ngoái, Vietjet đã chọn Honeywell là nhà cung cấp, quản lý và bảo trì động cơ 131-9A APU cho 21 máy bay A320 và A321 mới của Hãng.

Hai sự kiện trên phần nào cho thấy những cơ hội cho ngành công nghiệp hàng không Việt Nam.

"Cũng như Intel, sự xuất hiện của Rolls Royce và Honeywell tại Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp (DN) hàng không thế giới tới Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng không, năng lượng", một nhà phân tích hàng không nhận định.

Trên thực tế, Việt Nam đã thu hút một số DN FDI sản xuất linh kiện, chi tiết máy bay như Aerospace Vietnam (MHIVA) và Mitsubishi (MHI, Nhật Bản).

Ngoài ra còn có Công ty TNHH Artus Việt Nam (của Pháp) sản xuất môtơ điện, bộ cảm biến điện, biến thế, hộp điện tử cho máy bay chuyên dụng của Airbus, Boeing.

"Việc hợp tác với các hãng hàng không Việt Nam sẽ giúp công ty tiếp cận gần hơn với nhiều hãng hàng không khác tại đây", bà Hoàng Tri Mai, Tổng giám đốc Rolls-Royce Việt Nam, cho biết.

Theo bà Mai, ngoài Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines đang có kế hoạch phát triển đội bay sẽ mang đến thị trường tiềm năng cho Rolls-Royce và đây là một trong những thị trường trụ cột để tập đoàn mở rộng tại khu vực Đông Nam Á.

Ngoài Rolls Royce, Honeywell cũng đã có mặt tại Việt Nam

Những ưu đãi trong đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, ý thức làm việc tốt của nhân viên là những ưu thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Không phải đến giờ Rolls-Royce mới xuất hiện, mà từ năm 2008, hãng này đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam với hai lĩnh vực là hàng không dân sự và hàng hải.

Trước đó, vào giữa năm 2012, Rolls-Royce đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất các thiết bị trên boong, các thiết bị dưới nước và khảo sát địa chấn cho ngành công nghiệp dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu với vốn đầu tư 25 triệu USD.

Bà Mai cho rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để có thể được chọn là địa điểm sản xuất trong chuỗi toàn cầu của Rolls-Royce.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe nên Rolls-Royce chỉ đưa nhà cung ứng cấp 1 đến đầu tư tại Việt Nam và nhà cung ứng này sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Hiện nay, theo khảo sát, những sản phẩm mà DN Việt Nam cung cấp cho các hãng hàng không quốc tế mới chỉ dừng ở mức độ đơn giản như bọc ghế, móc nệm ghế...

Trong khi Rolls-Royce cung cấp động cơ trên các máy bay Airbus của Vietnam Airlines thì Honeywell cung cấp dịch vụ sửa chữa, đại tu các thiết bị điện tử hàng không và bộ điện phụ năng lượng dự phòng (APU) cho hãng này.

Muốn trở thành một phần của chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà sản xuất địa phương cần phải có công nghệ tiên tiến, phương tiện và cơ sở vật chất cho nghiên cứu và phát triển, cũng như chứng chỉ ISO về chất lượng sản phẩm.

Theo bà Mai Trang Thanh, Chủ tịch Honeywell Khu vực Đông Dương, ngành công nghiệp hàng không Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng nhiều DN, chẳng hạn như VietJet đã thể hiện được tiềm năng phát triển đáng kể.

"Sự xuất hiện của các công ty như Honeywell chắc chắn sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hàng không. Tuy nhiên, đây là cả một tiến trình và Việt Nam còn cả một chặng đường dài để đi" theo bà Trang Thanh.

Cũng theo bà Trang Thanh, các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu kém cả về công nghệ và quy mô vốn để có thể đáp ứng những yêu cầu của nhà sản xuất nước ngoài.

Vì thế, muốn trở thành một phần của chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà sản xuất địa phương cần phải có công nghệ tiên tiến, phương tiện và cơ sở vật chất cho nghiên cứu và phát triển, cũng như chứng chỉ ISO về chất lượng sản phẩm.

"Để phát triển nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam cần tái cấu trúc hệ thống công nghiệp, tập trung thúc đẩy các công ty nội địa kinh doanh và sản xuất thay vì trông chờ vào việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn nước ngoài. Chính phủ cũng cần ban hành sớm những chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, như hỗ trợ về lãi suất vay (1-3%/ năm), chiến lược phát triển dài hạn với những ưu đãi cụ thể”, bà Trang Thanh đề xuất.

Hoài Thương
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn