Đại gia Thái ‘đổ bộ, doanh nghiệp Việt ‘ngơ ngác’

Từ các “đại gia” cho đến các doanh nghiệp nhỏ của Thái Lan tìm cách chinh phục thị trường Việt Nam.

Hội chợ triển lãm hàng Thái Lan vừa diễn ra tại TP.HCM là cuộc “đổ bộ” mới nhất của hơn 300 doanh nghiệp (DN) Thái gồm nhiều lĩnh vực nhằm quảng bá sản phẩm, tìm đối tác, tìm nhà phân phối… tại Việt Nam.

Từ lâu người Thái đã vạch ra một chiến lược bài bản để thâm nhập, chinh phục thị trường Việt. Họ đang gặt hái thành công. Hiện hàng Thái đã có mặt rất nhiều nơi.

Không đầu tư kiểu “mì ăn liền”

Vậy DN Việt học được gì từ người Thái?

Nhiều DN Việt thừa nhận họ thán phục cách các DN Thái chiếm lĩnh thị trường Việt và còn đánh bật một số mặt hàng Trung Quốc vốn có lợi thế giá rẻ. “Phụ kiện xe mô tô trước đây hàng Trung Quốc lấn át nhưng bây giờ hàng Thái chiếm 70%-80%” - anh Hải, nhân viên nhà phân phối vỏ xe Michelin của Thái, nói vẻ tự tin.

Trước đó, hàng loạt “đại gia” Thái đã mở đường cho hàng hóa Thái vào Việt Nam bằng cách mua lại cổ phần của các DN, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ. Điển hình là Tập đoàn bán lẻ BJC (Thái) bỏ ra 876 triệu USD mua lại hệ thống bán sỉ Metro Cash&Carry. Phú Thái bán 51% vốn cho Thai Corporation Internation (Tập đoàn BJC) với hệ thống 42 cửa hàng Family Mart. Sau khi mua lại, BJC đã đổi tên 42 cửa hàng thành B’smart và mở thêm nhiều cửa hàng khác.

Hàng Thái xâm nhập thị trường Việt Nam ngày càng mạnh mẽ thông qua các hội chợ. Ảnh: Tú Uyên

Câu hỏi đặt ra là vì sao kinh tế khó khăn, sức mua thấp và DN Việt co cụm lại thì các DN Thái vẫn liên tục đổ bộ vào Việt Nam?

Trước hết do hàng Thái được người Việt Nam tin dùng vì chất lượng khá tốt, mẫu mã đẹp và giá hợp túi tiền. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, nhìn nhận: “Một trong những nguyên nhân là do khẩu vị hàng Thái tương đồng với khẩu vị người Việt, thậm chí người Việt khoái khẩu vị hàng Thái và giá cả không cách biệt nhiều”.

Thành công lớn nhất của người Thái là họ có chiến dịch thâm nhập thị trường Việt một cách chuyên nghiệp. Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny (Canada), lý giải việc tạo chỗ đứng trong thị trường có mức tăng trưởng bán lẻ 15%, cùng với dân số đông như ở Việt Nam sẽ giúp các tập đoàn bán lẻ Thái nhanh chóng gia tăng số lượng cửa hàng.

“Từ đó các công ty này sẽ có lợi thế trong đàm phán về hoa hồng, giá cả… với nhà sản xuất. Ngoài ra còn khẳng định thương hiệu của DN đồng thời được nhà đầu tư đánh giá cao” - ông Trần phân tích.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP.HCM, nhìn nhận DN Thái có tầm nhìn chiến lược rất rõ ràng. Các nhà phân phối lớn đặt mục tiêu năm năm, 10 năm chứ không đầu tư theo kiểu “mì ăn liền”.

“Khi kinh tế khó khăn, giá thuê mặt bằng giảm. Lúc kinh tế khởi sắc giá sẽ đắt đỏ, khó tìm mặt bằng nên họ chọn cách đầu tư như vậy là hợp lý. Thêm nữa, càng mở rộng hệ thống phân phối thì hàng hóa Thái càng dễ vào thị trường Việt vì đã có sẵn hệ thống phân phối rồi, kể cả có thể đi đến tận thôn xóm” - ông Hưng phân tích.

Thành công lớn nhất của người Thái là họ có chiến dịch thâm nhập thị trường Việt một cách chuyên nghiệp.

DN Việt “ngơ ngác”

Ông Robert Trần nói ông ngạc nhiên với cách làm của DN Việt. “Khi tôi đưa những đối tác Mỹ, Nhật về làm việc, DN nào cũng nói cái gì họ cũng có thể làm được. Nhưng khi đối tác nước ngoài đề nghị cung cấp hàng mẫu thì… không một DN nào làm nổi. Thậm chí một DN lớn còn yêu cầu phải có hợp đồng trước rồi mới đầu tư, trong khi đó DN không hiểu rằng bước đầu tiên muốn bán được sản phẩm là phải chứng minh năng lực.

“Một số DN còn chấp nhận chịu phạt nếu sản phẩm hàng mẫu không tốt chứ không nghĩ đến danh dự và thương hiệu công ty hay quốc gia” - ông Robert Trần nói.

Điều này trái ngược với cách làm của DN Thái. Ông Hưng cho rằng Thái Lan có những bước đi bài bản trong việc xây dựng kênh phân phối, phát triển kênh phân phối, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại tại Việt Nam. Chẳng hạn, họ tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm, tìm hiểu nghiên cứu khách hàng, khảo sát thị trường…

“Một số DN còn chấp nhận chịu phạt nếu sản phẩm hàng mẫu không tốt chứ không nghĩ đến danh dự và thương hiệu công ty hay quốc gia.”

Ông Hưng nhấn mạnh: “Thậm chí cả nông dân Thái cũng biết khi hội nhập sẽ cần phải làm gì để sản xuất ra những sản phẩm có thể cạnh tranh được. Trong khi đó DN Việt thờ ơ, nhận biết mù mờ về hội nhập, làm tới đâu hay tới đó. Nhà nước thì chưa có chiến lược cụ thể”.

Trước thực tế đáng buồn trên, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần học cách người Thái xâm nhập thị trường Việt. “DN của chúng ta phải học hỏi Thái Lan, chẳng hạn về công nghệ đóng gói bao bì. Chúng ta đã nhìn thấy từ lâu nhưng không theo kịp” - bà Lê Thị Thanh Lâm nói.

Nhiều ý kiến khác cho rằng trong bối cảnh DN Thái ồ ạt tràn vào, nếu DN Việt vẫn cứ tiếp tục “ngơ ngác”, không thay đổi cách làm, nâng cao năng lực cạnh tranh thì chắc chắn sẽ bị “hạ đo ván” ngay trên sân nhà.

Chính phủ Thái hỗ trợ doanh nghiệp

ông Robert Trần cho rằng bên cạnh nỗ lực tự thân của DN cũng cần hỗ trợ của nhà nước. Rất nhiều quốc gia đã làm việc này. Ví dụ: Hàng Thái xâm nhập tốt vào thị trường Việt Nam được chính phủ Thái hỗ trợ về nhiều mặt như thông tin thị trường, định hướng và chính phủ còn làm cầu nối cho DN.

-----------------

Điều khó của doanh nghiệp Việt

Đại diện Siêu thị Lotte Mart cho rằng DN Việt đang cố gắng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc đầu tư máy móc, thiết bị cho ra một sản phẩm chất lượng, bền đẹp vẫn là một điều khó đối với nhiều DN Việt.

Tú Uyên
Nguồn Báo Pháp Luật