W.Rosenberg: Từ chú bé đánh giày đến ông chủ đế chế Dukin’ Donuts

Cuộc đời của William Rosenberg là câu chuyện về người công nhân nghèo khổ đã tạo ra bước nhảy vọt lịch sử khi đưa những chiếc bánh ngọt rẻ tiền trở thành biểu tượng của thành công, sáng tạo.

Từ cậu bé đánh giày thành doanh nhân thành đạt

Trong cuộc Đại suy thoái những năm 1929, cửa hàng tạp hóa của bố ông phá sản khi ông mới học lớp 8. Vì áp lực kinh tế, William Rosenberg phải nghỉ học để kiếm sống bằng đủ mọi việc như đánh giày, dọn tuyết...

Sau đó, Rosenberg trở thành thông tín viên toàn thời gian ở Western Union, với mức lương 22 USD/tuần, là nhân viên giao kem cho hãng Simco năm 17 tuổi và trở thành quản lý toàn quốc của hãng, giám sát từ việc sản xuất đến phân phối sản phẩm vào năm 21 tuổi.

William Rosenberg (1916 - 2002)

Ngay sau thế chiến thứ II, Rosenberg có 1.500 USD lợi nhuận từ trái phiếu chiến tranh. Tận dụng kiến thức phân phối thực phẩm, ông vay thêm 3.500 USD rồi mở một công ty chuyên giao thức ăn cho công nhân làm việc tại các công trình và nhà máy ở ngoại ô Boston.

Ông tự tạo ra một loại xe tải đặc biệt, sử dụng thép không gỉ cho quầy bày bán sandwich và snack. Hai bên thùng xe đặc biệt này có thể kéo lên được, tạo thành những “chiếc xe tải căn tin”. Từ đó, Rosenberg cũng được xem là người khai sinh ra hình thức bán thực phẩm di động, vẫn còn rất phổ biến cho đến nay, Los Angeles Times cho biết.

Năm 1948, nhận thấy doanh thu chủ yếu đến từ bánh rán và cà phê, ông mở hẳn cửa hàng “Open Kettle” tại Quincy, bang Massachussets của Mỹ, chuyên bán các sản phẩm này. Hai năm sau, ông đổi tên cửa hàng thành Dukin’ Donuts và thay đổi chiến lược kinh doanh: từ cửa hiệu bình dân thành thương hiệu cao cấp. Ông cũng tuyển chọn những hạt cà phê ngon để nâng cao chất lượng nước uống, đồng thời, tăng giá bán gấp đôi.

Howard Johnson, một đồng hương của ông đã đưa một gian hàng kem nhỏ thành biểu tượng của nước Mỹ vào thập niên 60 nhờ tạo ra 28 hương vị kem đặc sắc. Cửa hàng của Howard Johnson đã có rất nhiều khách hàng trung thành, gây được cơn sốt một thời tại Mỹ.

Cho rằng một loại thực phẩm có nhiều hương vị sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng, Rosenberg tạo ra 52 loại bánh Donuts khác nhau. Tuy nhiên, ở mỗi cửa hàng, ông chỉ cho bày bán tối đa 5 loại hương vị cơ bản, những loại khác sẽ được cung cấp theo mùa, hoặc trong những dịp khuyến mãi đặc biệt. Nhờ vậy, cửa hàng Dukin’ Donuts luôn mới mẻ, đầy hấp dẫn với khách hàng.

Cha đẻ của nhượng quyền thương mại

Khi Dunkin' Donuts làm ăn khấm khá, William Rosenberg bắt đầu nghĩ đến việc nhượng quyền thương mại để tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng ra toàn nước Mỹ và thế giới.

"Chiếc xe tải căn tin” của Rosenberg

Vào những năm 90, hoạt động nhượng quyền thương mại vẫn bị xem là bất hợp pháp tại một số bang ở Mỹ và báo chí bị cấm đề cập đến khái niệm này, kể cả Wall Street Journal hay New York Times. Bởi trước đó, hoạt động này bị kẻ xấu lợi dụng và gây ra nhiều vụ kiện rắc rối.

Tuy nhiên với tư duy cấp tiến, chủ nhân của những chiếc bánh Donuts vẫn tin tưởng rằng đây là một xu hướng thương mại tất yếu khi mang đến lợi nhuận cho cả người bán lẫn người nhận nhượng quyền, New York Times cho biết.

Năm 1960, ông sáng lập International Franchise Association – Hiệp hội nhượng quyền thương mại quốc tế. Đến nay, tổ chức này có 800 nhà nhượng quyền và hơn 30.000 đơn vị nhận nhượng quyền thương mại, nhằm cung cấp các cách thức quản lý doanh nghiệp, tìm kiếm những doanh nhân am hiểu văn hóa địa phương và trao cho họ quyền làm chủ.

Cũng nhờ nhượng quyền thương mại, Dunkin' Donuts cũng đã có 6.000 cửa hàng tại 30 quốc gia và trở thành một trong những chuỗi cà phê, bánh rán, bánh mì tròn lớn nhất thế giới.

Rosenberg đã chứng minh rằng “nhượng quyền thương mại giúp mọi người có thể làm chủ, kinh doanh thành công và hoàn thành giấc mơ Mỹ”, khi hoạt động này hiện đã mang về một nửa tổng doanh số bán lẻ tại Mỹ, American National Biography (ANB) – thuộc đại học Oxford University cho biết.

Những cửa hàng Dukin' Donuts đầu tiên ở Boston

Với tinh thần lạc quan, tầm nhìn xa, cùng triết lý khách hàng là trung tâm đã giúp ông tạo dựng thương hiệu thành công và thay đổi môi trường kinh doanh toàn cầu. Ấn phẩm thương mại tại Mỹ - Nation's Restaurant News đã nhận xét: “William Rosenberg là một trong những cá nhân sáng tạo và có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp dịch vụ thực phẩm”.

Khách hàng là trung tâm

Triết lý kinh doanh của Rosenberg là chú trọng chất lượng sản phẩm và đặt khách hàng làm trung tâm. Rosenberg hiểu tường tận tất cả 52 hương vị bánh Donuts mà chính ông sáng tạo ra. Và khi được hỏi đâu là hương vị Donuts mà ông yêu thích nhất, Rosenberg trả lời trên Boston Business Journal: “Tôi yêu tất cả vì chúng đều như những đứa trẻ của tôi vậy”.

Để tạo được sự nhất quán trong chất lượng sản phẩm, năm 1966, ông đã xây dựng Đại học Dunkin' Donuts để đào tạo tất cả những nhà nhận nhượng quyền thương mại mới về cách quản lý doanh nghiệp và đảm bảo chất lượng từng chiếc bánh.

Những năm 1980, Dukin’ sử dụng hình ảnh một người thợ của Dukin’ dậy sớm đi làm vì đã đến “giờ để làm bánh rán” (Time to make the Donuts). Loạt quảng cáo truyền hình này đã kéo dài suốt 15 năm với thông điệp những công nhân ở Dukin’ luôn chăm chỉ làm thủ công từng chiếc bánh ngon để phục vụ khách hàng.

Chuyện cổ tích của thế kỷ XIX

Cuộc đời của William Rosenberg như một câu chuyện cổ tích vào thế kỷ XIX ở Mỹ, khi ông từ một cậu bé cơ hàn trở thành doanh nhân giàu sang, danh vọng.

Không bằng cấp, thiếu kinh nghiệm, nhưng nhờ sự sáng tạo, tư duy táo bạo, Rosenberg đã tạo ra một đế chế Dukin’ Donuts hùng mạnh, thay đổi toàn bộ quan niệm, phương thức kinh doanh của toàn thế giới với “nhượng quyền thương mại”.

“Cậu bé đánh giày trong thời kỳ Đại suy thoái, chưa có bằng trung học, bằng sự nỗ lực phi thường đã có thể đứng trên bục giảng tại Trường Đại học New England, đưa con trai đến học tại Havavrd – đại học danh tiếng nhất thế giới”, American National Biography – quyển bách khoa toàn thư về tiểu sử những người Mỹ thành công đã tôn vinh William Rosenberg như thế.

Năm 2002, ông mất, khối tài sản khổng lồ được quyên góp để làm từ thiện và hỗ trợ trung tâm quốc tế về nhượng quyền thương mại mang tên ông, đặt tại Đại học New Hamphire.

Tăng Khánh
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn