Doanh nghiệp nội lo khó xin việc ở dự án Samsung

Nỗ lực tham gia cung ứng sản phẩm phụ trợ cho dự án nhà máy Samsung 1,4 tỷ USD vừa khởi công tại Khu Công nghệ cao TP HCM không hề đơn giản với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại cuộc họp ngày 15/6 giữa Sở Công Thương TP HCM với các doanh nghiệp, đa số đều cho rằng rất khó để tham gia cung ứng cho ông lớn này. Sở Công Thương TP HCM được Tập đoàn Samsung đề nghị đứng ra tìm kiếm giúp nhà cung cấp là các doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại LIDOVIT cho rằng để trở thành nhà cung ứng cho Samsung đòi hỏi cả một quá trình phối hợp 3 bên, doanh nghiệp trong nước, Samsung và chính quyền thành phố. LODOVIT là một doanh nghiệp chuyên sản xuất ốc vít của Việt Nam. Chính ông Hiệu từng 5 lần tiếp xúc với đại diện Samsung.

“Làm việc với Samsung phải qua 3 bước. Bước một qua chủ đầu tư Samsung ở Khu công nghệ cao - có yêu cầu cung ứng; bước 2 qua đơn vị tư vấn; bước 3 là khảo sát mẫu của SamSung”, ông Hiệu nói. Sau khi qua 3 bước, để vào được hệ thống cung ứng của Samsung vẫn còn nhiều khó khăn, vì phải phụ thuộc vào các tổng thầu từ Trung Quốc, Hàn Quốc... Ngay như nhà máy Samsung ở Bắc Ninh, gần như 90% linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đưa sang.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không hy vọng nhiều vào cơ hội trở thành nhà cung ứng cho Samsung.

Theo ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thống Nhất, công ty đã tiếp xúc với Samsung 6 lần và đã làm 2 bộ hồ sơ gửi cho trung tâm của Samsung ở Singapore và Bắc Ninh, nhưng đến nay vẫn chưa thể cung cấp sản phẩm.

“Thường thì cung cấp cho tập đoàn về điện tử gia dụng như Samsung, các nhà cung cấp sẽ cung cấp nguyên cụm linh kiện, còn doanh nghiệp Việt Nam lại cung cấp linh kiện rời. Ví dụ như doanh nghiệp nhựa cung cấp linh kiện về nhựa, cao su cung cấp linh kiện cao su… Những doanh nghiệp rời rạc chỉ có thể cung cấp ở mức thấp nhất. Mà linh kiện rời rạc thường phải qua một quá trình vài ba tháng để họ kiểm tra nên doanh nghiệp khó chen vào chuỗi cung ứng”, ông Hồng nói. Ngay như công ty ông, nhà mua hàng từng qua tận Việt Nam để tiếp xúc trực tiếp. Nhưng khi ông hỏi lại những thông tin chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu, thì họ không trả lời tới nơi tới chốn, và hệ quả là đến nay vẫn chưa đưa được hàng vào chuỗi cung ứng của Samsung.

Ông Lê Thanh Chương, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty cổ phần LILAMA 45.1, chuyên về xây lắp các công trình công nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc thường có tâm lý bảo trợ cho nhau. Cách đây khoảng một tháng, khi có thông tin Samsung động thổ dự án 1,4 tỷ USD tại TP HCM, ông Chương lập tức liên hệ nhằm tìm kiếm cơ hội tham gia xây dựng nhà xưởng, đại diện Samsung cho hay những phần việc cùng ngành nghề với LILAMA họ đã giao cho các công ty Hàn Quốc như POSCO chuyên về xây lắp thực hiện…

“Với kinh nghiệm của chúng tôi thì có thể ký trực tiếp với Samsung để xây lắp nhà xưởng, thậm chí là cả lắp đặt máy móc. Tuy nhiên, với cách chỉ định thầu như vậy thì chúng tôi phải qua mấy 'phết phẩy' tầng thầu phụ mới có thể tiếp cận với dự án”, ông Chương ngao ngán nói.

Đưa ra danh mục 144 sản phẩm có khả năng cung ứng cho Samsung có thể chỉ là một hình thức để lấy lòng “chủ nhà”?

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP HCM cho rằng việc Samsung đưa ra danh mục 144 sản phẩm có khả năng cung ứng cho Samsung có thể chỉ là một hình thức để lấy lòng “chủ nhà”. Bởi trước khi sang đầu tư tại Việt Nam, Samsung đã có danh sách các vệ tinh đi theo, hoặc là sử dụng chuỗi cung ứng toàn cầu. “Hồi tôi còn làm ở Casumina, có nhận được yêu cầu của Samsung về việc cung ứng các linh kiện cao su. Nhưng khi chúng tôi gửi bảng báo giá, họ không hề phản hồi là giá rẻ hay đắt để mình biết đường điều chỉnh”, ông Anh cho biết.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM đưa ra giải thích rằng các tập đoàn lớn trên thế giới, chứ không riêng gì Samsung thường không gặp doanh nghiệp cung ứng ngay, mà họ thường qua nhiều khâu khác nhau. Ngay như buổi họp giữa sở và doanh nghiệp tiềm năng cung ứng cho Samsung, bản thân họ cũng không tới dự, mà ủy quyền cho Sở Công Thương để có thông tin ngược lại giúp họ, từ đó mới có sự sắp xếp, tính toán.

“Sở Công Thương sẽ lập danh sách doanh nghiệp cung ứng rồi chuyển cho Samsung nghiên cứu và họ sẽ có những bước đi cụ thể”, ông Đông nói và nhấn mạnh rằng, làm ăn với những tập đoàn đa quốc gia thường gian nan bước đầu. Nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được thì không chỉ cung cấp cho doanh nghiệp đó mà còn có thể cung cấp cho nhiều doanh nghiệp đa quốc gia khác nữa. Ông cho biết sau cuộc họp với doanh nghiệp lần này, Sở sẽ căn cứ vào phiếu điền thông tin, phân loại doanh nghiệp có nhóm sản phẩm tương đồng với yếu cầu, để làm việc lại với Samsung.

Thực tế cho thấy, nếu như đi trực tiếp để cung ứng cho Samsung mà gặp khó khăn, thì nên tìm đường vòng, như trường hợp của Công ty TNHH Sài Gòn Ánh Dương. Bà Nguyễn Nguyệt Hằng, Tổng giám đốc công ty cho hay, hiện doanh nghiệp của bà đang cung cấp sản phẩm băng keo cho một đối tác Hàn Quốc để họ cung ứng ngược lại cho các nhà máy sản xuất của Hàn Quốc, trong đó có thể có nhà máy của Samsung.

Các nhóm ngành mà Tập đoàn Samsung đề xuất với Sở Công Thương TP HCM đứng ra thay mặt để tìm kiếm nhà cung cấp là các doanh nghiệp trong nước gồm: Cơ khí: phun nhựa, in kim loại, ốc vít, linh kiện cao su; Điện: bảng mạch in cứng, công tắc, mô tơ, quận dây, lò xo, cảm biến, biến thế; Lắp ráp PCB: khung cơ khí, module điện tử, cụm điều khiển từ xa; Vật liệu phụ: băng dính, linh kiện đóng gói, túi PE, tấm phủ, đệm, hộp carton, sách hướng dẫn sử dụng; Nguyên liệu thô: hạt nhựa, lò xo thép, giấy cuộn, giấy phương tiện,…

Đỗ Công Nam
Nguồn VnExpress