Cửa hàng tiện ích và tiệm tạp hóa vào cuộc so găng

Cuộc cạnh tranh giữa mô hình cửa hàng tiện ích 24/7 và các tiệm tạp hóa truyền thống đang ngày càng tăng khi các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn đổ rất nhiều tiền vào thị trường Việt Nam để khai thác xu hướng tiêu dùng mới trong khi các ông bà chủ tiệm tạp hóa cũng đã tìm được hướng đi bên cạnh người khổng lồ.

Tăng nhanh như cửa hàng tiện ích

Gần hai năm nay, cứ cuối tuần là chị Hiền (nhà ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM) xách giỏ sang cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.opFood cách nhà vài chục mét để mua thực phẩm. Khi đi làm, hết cây viết hay thích ăn mì hộp trong phòng máy lạnh thì chị ghé cửa hàng Circle K nằm ở đường Lâm Văn Bền gần công ty. Tuần nào rảnh rỗi, có nhiều thời gian thì chị đi Lotte Mart mua những thứ mà cửa hàng tiện ích gần nhà không bán và cũng để con gái có không gian chạy nhảy.

Trước đây, khi chưa lập gia đình, cuối tuần, chị Hiền thường chở mẹ đi chợ, mua các loại thực phẩm tươi sống đủ cho một tuần. Các loại thực phẩm đóng gói thì ghé tiệm tạp hóa lớn gần nhà.

Trong lúc các cửa hàng tiện ích ra đời ngày càng nhiều, liệu các tiệm tạp hóa có còn đất sống. Vẫn có, nếu biết cách làm. Ảnh: Minh Khuê

Sự chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại như kiểu của chị Hiền rất phổ biến hiện nay, nhất là với người tiêu dùng trẻ. Theo báo cáo mang tên "Tương lai của cửa hàng tạp hóa" mới công bố, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen ghi nhận hình thức bán lẻ hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện ích) ngày càng đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam. Theo đó, 34% số người trả lời tại báo cáo này đi mua sắm tại đại siêu thị và 29% ở siêu thị thường xuyên hơn họ đã làm cách đây 12 tháng. Đặc biệt, 22% người được hỏi mua hàng tạp hóa, thực phẩm thường xuyên hơn tại các cửa hàng tiện ích.

Cửa hàng tiện ích theo phân loại của Nielsen là các cửa hàng hoạt động 24/7 như FamilyMart, B's mart, Circle K, Shop & Go, Mini Stop... Mô hình này khác với các chuỗi siêu thị mini (là các cửa hàng thực phẩm tiện lợi như SatraFoods, Co.opFood, C Express, New Chợ...) hay các siêu thị nhỏ độc lập của tư nhân khác hoạt động từ sáng đến chiều tối (bán đủ các loại sản phẩm, từ thực phẩm tươi sống đến thực phẩm đóng gói, hóa mỹ phẩm...).

Theo một nghiên cứu khác cũng của Nielsen, trong năm 2014, số lượng cửa hàng tiện ích đã tăng 34,4% so với năm 2013, đạt 348 cửa hàng trên toàn quốc (TPHCM có 326 và Hà Nội có 15). Mức tăng trưởng về số lượng này còn cao hơn 0,2% so với mức tăng của nhóm siêu thị mini (tăng 34,2%). Nielsen ghi nhận đến hết năm 2014, cả nước có 1.452 siêu thị mini (trong đó có 602 điểm nằm tại Hà Nội và 547 điểm nằm tại TPHCM). Mức tăng trưởng về số lượng của hai mô hình này cao hơn rất nhiều lần (gần chín lần) so với mô hình siêu thị, đại siêu thị.

Theo nghiên cứu của Nielsen, trong năm 2014, số lượng cửa hàng tiện ích đã tăng 34,4% so với năm 2013, đạt 348 cửa hàng trên toàn quốc (TPHCM có 326 và Hà Nội có 15).

Cũng theo Nielsen, mô hình cửa hàng tiện ích có nhiều cơ hội tại Việt Nam vì số lượng bình quân đầu người trên mỗi cửa hàng vẫn rất lớn và vượt xa nhiều nước. Theo tính toán của Nielsen, con số này tại Việt Nam hiện là 69.000 người/cửa hàng. Trong khi đó, Philippines là 37.000 người/cửa hàng; Trung Quốc là 21.000 người/cửa hàng... Còn những nước đã có nhiều mô hình cửa hàng của kênh hiện đại như Thái Lan, Hàn Quốc thì con số chỉ còn 5.556 người/cửa hàng (Thái Lan) hay 1.835 người/cửa hàng (Hàn Quốc).

Theo báo cáo về sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) tại các thành phố lớn là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ do Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel thực hiện trong quí 1-2015 thì kênh hiện đại như đại siêu thị, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hiện đang chiếm 19% thị phần trong các kênh mua sắm của người tiêu dùng ở các mặt hàng trên. So với cùng kỳ năm trước, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã tăng trưởng trên 15%.

Trao đổi với TBKTSG, đại diện của một số thương hiệu nhận định, thị trường ở thời điểm hiện tại đã có những tín hiệu tốt (như người tiêu dùng quan tâm, mua sắm, doanh thu tốt hơn). Tuy nhiên, để gọi là "sáng bừng" như các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore thì chưa.

Cửa hàng tạp hóa vẫn có đất sống

Trong lúc các cửa hàng tiện ích ra đời ngày càng nhiều, liệu các tiệm tạp hóa có còn đất sống. Vẫn có, nếu biết cách làm.

Như với chị Hiền, chị vẫn tìm đến tiệm tạp hóa gần nhà để mua sữa, tã cho con. Có thời gian, chị Hiền hay mua ở siêu thị vì nghe ở đó có giảm giá, khuyến mãi nhưng khi so sánh thì mới biết giá ở tiệm tạp hóa rẻ hơn, kể cả khi siêu thị có khuyến mãi. Chẳng hạn, sữa bột chị mua rẻ hơn được 30.000 đồng/hộp, tã còn rẻ hơn 60.000-70.000 đồng/bịch lớn... Chưa hết, dịch vụ mà ông bà chủ của cửa hàng này mang đến cho khách... không thua kém nhà bán lẻ có tên tuổi nào, từ những câu thăm hỏi xã giao đến khâu giao nhận, tặng quà vào dịp cuối năm.

Tiệm tạp hóa đang chiếm thị phần 60% trong các kênh mua sắm.

Còn nếu muốn mua mì gói, nước tương, dầu ăn... chị Hiền hay ghé tiệm đồ khô của bà Tư nằm cách đó không xa. Ngoài chuyện giá mềm, chị Hiền còn mê cách chiều khách của bà Tư: từ việc giới thiệu sản phẩm nào ngon nhất trong hàng tá sản phẩm cùng loại (nhờ kinh nghiệm lâu năm chứ không nghe theo quảng cáo) cho đến việc sẵn lòng đổi lại hàng nếu dùng không hết... Muốn giao hàng tận nhà, bà Tư cũng đáp ứng. "Phải giữ khách bằng sự tận tình, chân thành. Có mỗi cách đó mới đấu lại được với mấy ông siêu thị nhiều tiền, sáng choang chứ", bà Tư vẫn hay nói với chị Hiền như vậy.

Báo cáo của Kantar Worldpanel ghi nhận, ở bốn thành phố thực hiện khảo sát, tiệm tạp hóa đang chiếm thị phần 60% trong các kênh mua sắm. Còn theo Bộ Công Thương, số tiệm tạp hóa trên cả nước lên đến nửa triệu, gấp rất nhiều lần số lượng của cửa hàng tiện ích, siêu thị mini hiện có.

Giám đốc marketing của một chuỗi bán lẻ điện máy và tham gia giảng dạy về thị trường bán lẻ tại một số trường đại học nhận định, cũng giống như các cửa hàng điện máy nhỏ, các tiệm tạp hóa vẫn sẽ luôn tồn tại song song với các chuỗi siêu thị, đại siêu thị và cửa hàng tiện ích. Đơn giản là "sóng lớn, thuyền lớn và sóng nhỏ, thuyền nhỏ". Các cửa hàng nhỏ có những điểm mạnh như quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp, dễ quản lý nên giá bán rất cạnh tranh so với các đại siêu thị, siêu thị. Bên cạnh đó, các tiệm tạp hóa còn có các lợi thế như chăm sóc khách hàng bằng sự nhiệt tình, thân thiện, duy trì các mối quan hệ đã được xây dựng nhiều năm trước đó...

Minh Tâm
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn