Chiến tranh fastfood bùng nổ tại Việt Nam

Ngày 20/10, Burger King sẽ chính thức khai trương cửa hàng lớn nhất của mình tại TP.HCM trong kế hoạch mở 12 cửa hàng từ nay đến hết năm 2012. Cụ thể, tại TP.HCM sẽ có 5 cửa hàng, Hà Nội 3, Đà Nẵng 1 và các sân bay 3 cửa hàng. Song song với việc mở các cửa hàng, công tác về nhân sự đã được chuẩn bị âm thầm suốt một năm qua. Ngoài ra, mạng lưới phân phối từ nhà cung ứng, huấn luyện hỗ trợ các tiêu chuẩn tuyển chọn nhân lực chủ chốt tại VN đưa đi đào tạo tại các cửa hàng đang hoạt động tại Mỹ và các nước trong khu vực ASEAN.

Ông Elias Diaz Sese, chủ tịch Burger King tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết chọn hình thức nhượng quyền thương mại khi vào VN. Những cửa hàng đầu tiên sẽ được mở ở các vị trí chiến lược như Phạm Hồng Thái (quận 1), Lê Văn Sỹ (quận 3), CMTT (quận 10), Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) và tại Hà Nội cửa hàng đầu tiên ở đường Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy)...

“Môi trường đầu tư ở đây đang rất thuận lợi với dân số trẻ và thích làm quen với sản phẩm mới. Chúng tôi không những sẽ mở chuỗi cửa hàng hiện đại mà còn tập trung xây dựng thương hiệu tại các địa điểm chiến lược. Mục tiêu của chúng tôi là mở càng nhiều cửa hàng càng nhanh càng tốt và phát triển mạng lưới rộng khắp”, ông Elias Diaz Sese khẳng định.

Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thực phẩm và giải khát Cánh Diều Xanh (BKV) thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, đơn vị mua nhượng quyền tại VN, vốn dự kiến đầu tư phát triển hệ thống lên đến 40 triệu USD và sẽ tăng hơn nữa nếu tìm được mặt bằng tốt. Dự kiến trong hai năm đầu BKV sẽ đầu tư và phát triển liên tục mỗi tháng 3-4 cửa hàng tại TP.HCM và các thành phố lớn trong cả nước. BKV cũng đã nghiên cứu để làm đa dạng thêm một số sản phẩm mới, đặc biệt là nước xốt để hợp hơn với khẩu vị người VN.

Thị trường VN ngày càng hấp dẫn với các thương hiệu đồ ăn nhanh

Thực tế, trước đó Burger King và Cánh Diều Xanh đã “chạy thử” các cửa hàng mẫu đầu tiên với thực đơn đầy đủ tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Đà Nẵng. Tuy nhiên, vị trí những cửa hàng này đều nằm trong nhà ga sân bay quốc tế nên đa số khách hàng VN khó tiếp cận.

Hồi tháng 8/2012, Tập đoàn The Johnny Rockets đã quyết định thâm nhập thị trường VN qua việc tìm kiếm đối tác để nhượng quyền thương hiệu chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh sau 4 năm tìm hiểu. Chủ tịch The Johnny Rockets cho biết mục tiêu của The Johnny Rockets là sẽ mở 10 nhà hàng tại VN trong vài năm tới.

Sự xuất hiện của Burger King càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn khi cuối tháng 8 lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn thức ăn nhanh McDonald’s của Mỹ cũng đến VN làm việc với các cơ quan chức năng với mục đích “tìm kiếm cơ hội đầu tư”. Tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tập đoàn này tiết lộ đã xây dựng kế hoạch tiến vào thị trường VN trong vòng hai năm tới và điểm đến đầu tiên vẫn là TP.HCM và Hà Nội. Một “ông lớn” khác trong lĩnh vực cà phê của Mỹ Starbucks đã lên kế hoạch vào thị trường VN năm 2013 sau khi thâm nhập thị trường Ấn Độ năm 2012 và mở rộng cửa hàng tại Trung Quốc.

Ông Lê Hoài Nam, Giám đốc tiếp thị thương hiệu KFC, nhận định việc các thương hiệu thức ăn nhanh quốc tế đổ bộ vào VN đã dự đoán từ trước do VN là một thị trường mới mở cửa, dân số trẻ đầy hấp dẫn, thu nhập tăng nhanh. Nếu so với các nước trong khu vực, thị trường thức ăn nhanh VN còn khá mới mẻ - chưa được 15 năm, trong khi những nước lân cận như Singapore, Philippines... đã làm quen với ngành thức ăn nhanh từ 36-40 năm.

Thu hút giới trẻ

Sau thời gian dài người tiêu dùng quen thuộc với những thương hiệu như KFC, Lotteria hay Jollibee, Subway... thị trường thức ăn nhanh đang thật sự bị khuấy động bởi những gương mặt mới. Nhiều chuyên gia cho rằng miếng bánh thị trường thức ăn nhanh sớm được chia lại.

Có mặt tại VN khá sớm, sau 15 năm KFC đã có 125 cửa hàng với tốc độ phát triển bình quân mỗi năm mở 20-30 cửa hàng. Ông Lê Hoài Nam cho biết không phải đợi đến khi sự xuất hiện của những thương hiệu thức ăn nhanh mới thì thị trường mới cạnh tranh khốc liệt. Ngay khi vào VN, KFC đã xác định chiến lược phát triển gắn với gà rán và tạo ra những không gian đồng nhất, thân thiện trong chuỗi cửa hàng của mình. KFC đang có những đổi mới trong thiết kế cửa hàng theo hướng trẻ trung hơn, cởi mở hơn.

Trong khi đó, với quan niệm tới thị trường nào phù hợp thị trường đó, chuỗi cửa hàng Lotteria của Hàn Quốc đang có những điều chỉnh để phù hợp với văn hóa người bản xứ. “Sau nhiều năm xuất hiện ở VN, Lotteria đang chuyển hướng mở những cửa hàng có diện tích rộng, được trang bị máy tính kết nối Internet, không gian thoáng. Chúng tôi muốn đó là điểm đến của sinh viên, các bạn trẻ có thể học bài, tụ tập”, ông Trương Hàm Liêm, Giám đốc tiếp thị Lotteria, nói.

Lotteria đã có 124 cửa hàng và phấn đấu đạt 140 cửa hàng cho đến tháng 12/2012, một phần ba trong số đó hiện diện tại TP.HCM. Trong khi đó, Jollibee cũng đang tăng tốc với hơn 30 cửa hàng và chấp nhận chuyển sang những ngã tư, ngã ba có mặt bằng khiêm tốn hơn. Tuy chưa đạt đến con số hàng chục nhưng những cái tên như Pizza Hut, Affresco, Pizza Inn... cũng góp phần làm thị trường thức ăn nhanh thêm sôi động.

Theo đại diện KFC, cho dù đối thủ là thương hiệu quốc tế hay trong nước thì vấn đề không phải ở sản phẩm mà chính là nguồn cung mặt bằng. “Nguồn cung mặt bằng bán lẻ vốn đã căng thẳng, nay có thêm Burger King hay sắp tới là Mc Donald’s, Starbucks... sẽ khiến cuộc đua tăng giá mặt bằng thêm khốc liệt. Bởi không riêng ngành thức ăn nhanh, nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang phải chia sẻ với các ngành khác như cà phê, bánh tươi hay thậm chí ngân hàng” - ông Nam nói.

Phong cách tiêu dùng mới

Xét về mặt tích cực, những tên tuổi trong ngành thức ăn nhanh thế giới đến VN chính là tín hiệu tốt cho thấy nhà đầu tư nước ngoài khá lạc quan với thị trường tiêu dùng hơn 80 triệu dân. Ngoài ra, sự xuất hiện những thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu cũng góp phần hình thành một thói quen tiêu dùng mới cho người Việt.

Theo một chuyên gia thương hiệu, đặc điểm của những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh ở VN là bài trí đẹp, đồng nhất, không gian tiện nghi. Mặc dù thức ăn nhanh tại các nước được định vị ở đẳng cấp bình dân, phục vụ cuộc sống bận rộn nhưng khi vào VN, thức ăn nhanh lại gắn với hình ảnh của giới trẻ, người có thu nhập cao năng động, hiện đại.

“Các chuỗi thức ăn nhanh với công nghệ phục vụ chuyên nghiệp còn đem lại cho khách hàng một đẳng cấp, đáp ứng được nhu cầu thể hiện tính cách của người sử dụng bên cạnh các giá trị lợi ích khác như thức ăn ngon, hương vị lạ và còn là nơi hội họp, tổ chức sinh nhật...” - ông này nói.

Nguồn Zing News