Khi Satya Nadella tung chiêu

Vũ trụ giờ không còn xoay quanh Windows! Vì thế, CEO Satya Nadella của Microsoft nhắn nhủ với nhân viên: “Phát triển những thứ mà người ta thích”.

Microsoft đã bị đối thủ trực tiếp Apple bỏ rơi và làm ăn thua lỗ, hệ quả của 20 năm trì trệ bởi những quy định độc đoán, niềm tin thái quá về hệ điều hành Windows của hai cựu CEO, Bill Gates và Steve Ballmer trước đây. Hiện nay, luật lệ tại trụ sở Redmond (Mỹ) của hãng đã hoàn toàn thay đổi dưới thời của vị CEO mới Satya Nadella. Vấn đề là Nadella có thể đưa “con tàu lớn” Microsoft tăng tốc không?

Luồng sinh khí mới

Cuối thập niên 1990, khi Bill Gates còn điều hành Microsoft, bất kỳ nhân viên nào dám mở miệng nói điều gì không hay về hệ điều hành “con cưng” Windows, người đó chắc chắn sẽ lãnh đủ. Thậm chí sau khi Steve Ballmer thay Gates giữ chức CEO vào năm 2000, đó vẫn là quy luật “bất di bất dịch” tại Redmond, bang Washington (Mỹ), nơi đặt trụ sở của tập đoàn. Tất cả mọi thứ Microsoft làm là phải đẩy mạnh Windows để củng cố vị thế thống trị của hệ điều hành này. Đó là lý do nhiều cải tiến xuất sắc nhất của công ty đã bị “chết yểu” chỉ vì cái bóng quá lớn của Windows.

Khi Microsoft kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40 vào ngày 4/4/2015 vừa qua, các nhà điều hành và cổ đông đã cảm thấy ngậm ngùi hồi tưởng thời hoàng kim ngày trước. Một Microsoft ở độ tuổi 20 đã qua mặt cả “gã khổng lồ” IBM, để rồi trở nên ì ạch ở độ tuổi 30 và giờ bị qua mặt bởi đối thủ trực tiếp Apple, một công ty có tuổi đời trẻ hơn. Vậy làm sao tân CEO Nadella có thể đưa “con tàu lớn” Microsoft – với 123.000 nhân viên và 87 tỷ USD doanh thu hàng năm tăng tốc?

Hiện nay, luật lệ tại Redmond đã hoàn toàn thay đổi dưới thời của Satya Nadella, người đã đảm nhiệm vị trí cao nhất tại Microsoft từ năm ngoái. Vũ trụ giờ không còn xoay quanh Windows nữa mà điều quan trọng, dù rất đơn giản, đó là “phát triển những thứ mà người ta thích”. Tư tưởng “cởi trói” và phóng khoáng của Nadella chính là điều mà các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích trông đợi sẽ có thể giúp Microsoft lấy lại phong độ ngày trước.

Trước khi trở thành CEO, Nadella đã được giao nhiệm vụ phụ trách Azure và ông đã hồi sinh được bộ phận này, bằng cách cắt giảm giá các dịch vụ đám mây và cho phép khách hàng được tự do lựa chọn phần mềm. Dưới thời của Nadella, Microsoft cũng cho thấy tính linh hoạt như việc bắt tay hợp tác với đối thủ. Chẳng hạn, những người sử dụng phiên bản online của Office, gọi là Office 365, giờ có thể lưu file (tập tin) trên các máy chủ của Box, một công ty phần mềm doanh nghiệp.

Thay vì bị “dập tắt” nguồn sáng tạo, giờ các nhân viên được thoải mái thử nghiệm “những ý tưởng ngông cuồng” của họ trên một website công cộng.

Nadella cũng đang tìm cách thổi luồng sinh khí mới vào văn hóa làm việc của Microsoft theo kiểu một startup trẻ trung và năng động. Thay vì bị “dập tắt” nguồn sáng tạo, giờ các nhân viên được thoải mái thử nghiệm “những ý tưởng ngông cuồng” của họ trên một website công cộng. Trang web này “cho ra lò” phiên bản đầu tiên của các sản phẩm để khách hàng có thể sử dụng thử và giúp nhận diện ra những sai sót nếu có.

Tuy nhiên, thành công lớn nhất của Nadella cho đến nay chính là việc ông đã cho Microsoft một mục tiêu nhất quán và tóm gọn trong hai phương châm. Một là ưu tiên về di động và đám mây (mobile first, cloud first), vì đó là những lĩnh vực sẽ tăng trưởng tốt và tất cả các sản phẩm mới cần phải được phát triển để phục vụ cho hai ưu tiên này. Hai là các nền tảng và năng suất (platforms and productivity). Windows vẫn là một nền tảng quan trọng và Office vẫn là một bộ công cụ có năng suất cao. Nhưng Azure đang ngày càng trở thành một nền tảng quan trọng và linh hoạt hơn.

Ngổn ngang thách thức

Mặc dù các nhà quan sát trong ngành đánh giá rất cao những gì Nadella làm được, nhưng vẫn còn không ít các câu hỏi chưa có lời đáp. “Microsoft đã mất nhiều người giỏi”, Marco Iansiti, Giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard, nhận xét. Dù Microsoft thu nạp được nhiều người mới bằng cách mua các startup, nhưng công ty sẽ phải chạy cật lực để có thể bắt kịp các đối thủ trong cuộc chiến tranh giành những nhà lập trình giỏi nhất. Một vấn đề khác có thể là chất lượng của phần mềm. Trong quá khứ, Microsoft đã chứng tỏ được với khách hàng thương mại rằng, các chương trình của công ty chạy rất ổn định, nhưng khi Microsoft ra sức thu nạp các startup, tung ra các sản phẩm sớm và thường xuyên thì các sản phẩm chưa hoàn thiện như vậy có thể khiến người ta cảm thấy bớt niềm tin hơn?

Dẫu vậy, câu hỏi lớn nhất vẫn là về tình hình tài chính của Microsoft. Nhu cầu mua máy tính cá nhân giảm đã khiến cho doanh thu từ mảng Windows cũng giảm xuống. Trong quý kết thúc vào ngày 31/12/2014, doanh thu mảng này đã giảm 13% so với cùng kỳ năm trước đó. Doanh số bán ở mảng đám mây thương mại, trong đó có Office 365 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 5,5 tỷ USD. Nhưng con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu và bộ phận này được cho là vẫn còn làm ăn thua lỗ.

Theo Rick Sherlund, chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư Nomura, vẫn chưa rõ làm thế nào các ứng dụng mới hơn như Cortana có thể sống tốt. Dù tiềm năng là rất lớn, nhưng những bộ phận nói trên hiện chưa thay được vai trò “cỗ máy hái ra tiền” của các bộ phận Windows và Office, vốn vẫn tạo ra tới 44% doanh thu và 58% lợi nhuận cho tập đoàn. Hệ số biên lợi nhuận gộp của Office truyền thống là 90% trong khi của Office 365 hiện chỉ là 53%. Trong mảng đám mây, lợi nhuận càng xa vời, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ Amazon, Google và IBM.

Rõ ràng có quá nhiều thách thức cho vị CEO của Microsoft. Bill Gates và Steve Ballmer đã bỏ lỡ cơn sốt di động và đám mây. Giờ Nadella sẽ phải bước thật nhanh để chứng tỏ rằng những ngày rực rỡ của Microsoft vẫn chưa qua.

Thành Lợi / The Economist
Nguồn Doanh Nhân Online