Vinamilk đang đàm phán mua nhà máy sữa ở châu Âu

Hiện tại, Vinamilk đang có vốn góp tại bốn công ty với tỷ lệ nắm giữ cổ phần khác nhau.

Trả lời cổ đông tại cuộc họp của đại hội đồng cổ đông hôm nay về kế hoạch đầu tư nhà máy ở châu Âu, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, hiện đang đàm phán với đối tác để thực hiện kế hoạch này.

Theo bà Liên, Vinamilk đang đàm phán với hai đối tác tại châu Âu. Đến thời điểm này vẫn chưa “gút” nên chưa thể trình đại hội cổ đông kế hoạch đầu tư nhà máy ở châu Âu.

Bà Liên cũng cho biết, việc mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới sau thành công của Nhà máy Driftwood (Mỹ) mà Vinamilk nắm giữ 70% cổ phần. Theo đó, trong năm 2015 Vinamilk muốn được cổ đông thông qua kế hoạch dùng 4.000 tỉ đồng để mua bán, sáp nhập cũng như hợp tác đầu tư để mở rộng thị trường, phát triển vùng nguyên liệu và tăng năng lực sản xuất. Từng dự án cụ thể sẽ được HĐQT quyết định.

Vinamilk đang trong quá trình đàm phán với đối tác để thực hiện kế hoạch đầu tư nhà máy ở châu Âu. Ảnh minh họa: TL

Bà Liên nhấn mạnh, Vinamilk có rất nhiều cách thức để tăng trưởng, trong đó có M&A để sản xuất tại các thị trường nước ngoài và xuất khẩu. Tuy nhiên, làm gì thì “quan trọng nhất là phải giữ được thị phần và lấy cho được thị phần của đối thủ,” bà Liên nói.

Hiện tại, Vinamilk đang có vốn góp tại bốn công ty với tỷ lệ nắm giữ cổ phần khác nhau. Cụ thể, Vinamilk nắm giữ 70% cổ phần, nắm quyền chi phối tại Công ty Driftwood Dairy Holdings Coporration (Mỹ); 51% tại Angkor Dairy Products (Campuchia); 19,3% trong Miraka Limted (New Zealand) và 15% trong Công ty cổ phần nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn (Việt Nam).

Chi nhiều cho quảng cáo, bán hàng

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chi quảng cáo, khuyến mãi, bán hàng năm 2014, bà Liên cho biết, con số tổng cao hơn năm 2013. Và trong năm 2015 và 2016 chắc chắn chi phí này còn cao hơn nữa.

Nguyên nhân là các đối thủ mới vào thị trường sẽ chấp nhận chi nhiều, thậm chí lỗ để lấy thị phần. Và Vinamlik thì không thể để mất thị trường. Nếu không tăng cường quảng cáo, khuyến mãi và bán hàng thì sẽ không cạnh tranh được.

Thêm vào đó, chi phí quảng cáo, tiếp thị cũng phải tương ứng với thị phần đang nắm giữ. Ví dụ, mặt hàng sữa chua Vinamilk đang chiếm 84% thị phần thì phần chi cho quảng cáo trong tổng thể thị trường cũng phải tương đương mức đó, không thể là 30%.

Vấn đề là nhiều, ít còn tùy vào tình hình thị trường, giai đoạn. Khi đối thủ đổ nhiều tiền vào thì mình không thể ngồi yên. Còn khi đang vững, thương hiệu được nhiều người biết tới thì không cần quảng cáo”, bà Liên nói thêm.

Riêng về việc giảm giá sữa cho trẻ dưới 2 tháng tuổi do phải loại chi phí quảng cáo theo Nghị định 100/2014/NĐ-CP, bà Liên cho biết, nếu nói rằng hết quảng cáo thì phải trừ chi phí và giảm giá thì đơn giản quá. Vấn đề nằm ở chỗ ở Việt Nam, sữa càng rẻ càng không có người mua, người tiêu dùng có tâm lý “của rẻ là của ôi”.

Minh Tâm
Nguồn The Saigon Times