Vingroup thâu tóm toàn bộ hệ thống Vinatexmart

Công ty cổ phần siêu thị VinMart thuộc Tập đoàn Vingroup đã mua toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng trên 19 tỉnh thành trong cả nước của Công ty TNHH MTV Thương mại và Thời trang Việt Nam.

Không ngạc nhiên khi Vingroup thâu tóm

Theo thông tin từ Vingroup công bố vào ngày hôm nay 10-4, họ đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100% vốn sở hữu Công ty TNHH MTV Thương mại và Thời trang Việt Nam (Vinatexmart) thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Một nguồn tin từ Ban giám đốc của Vinatexmart cũng xác nhận với PV thông tin này. Tuy nhiên cả hai công ty không tiết lộ giá trị thương vụ.

Sau khi hoàn tất thủ tục, chuỗi siêu thị Vinatexmart sẽ được quản lý trực tiếp bởi VinMart nhưng Vingroup cho biết "cán bộ và nhân viên của Vinatexmart sẽ được đảm bảo công việc phù hợp với năng lực, chế độ lương thưởng và đãi ngộ, cũng như có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp" cùng tập đoàn Vingroup.

Hệ thống siêu thị Vinatexmart nay đã thuộc về Vingroup - Ảnh: Quốc Hùng

Trong thông cáo báo chí, bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng Giám đốc tập đoàn Vingroup, cho rằng thị trường bán lẻ trong nước là thị trường mục tiêu hấp dẫn và có tiềm năng lâu dài. Thời gian gần đây, hàng loạt các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đã liên tục đầu tư vào Việt Nam với nhiều phương thức kinh doanh bài bản và vốn đầu tư lớn.

Tập đoàn Vingroup - với mục tiêu trở thành doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam – cho rằng việc sáp nhập này là bước phát triển mới của hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ trong lộ trình phát triển 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm.

Để đạt mục tiêu này, Vingroup từ năm ngoái đến nay đã tăng cường đầu tư xây dựng mới và đặc biệt là mua lại thông qua các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A). Trước Vinatexmart, Vingroup vào tháng 10 rồi cũng đã mua lại đến 70% vốn của Công ty Ocean Retail (ORC) – đơn vị có hệ thống bán lẻ Ocean Mart gồm 9 siêu thị và 4 cửa hàng tiện lợi ở khu vực phía Bắc. Ngoài ra, Vingroup còn thâu tóm cả hệ thống kinh doanh 79 cửa hàng của Alphanam 2 tháng sau đó.

Việc Vingroup thâu tóm hệ thống kinh doanh Vinatexmart không nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư và giới kinh doanh bán lẻ. Bởi sau khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý chủ trương bán Vinatexmart vào tháng 1 rồi nhiều thông tin rò rỉ rằng Vingroup sẽ có thể thâu tóm hệ thống kinh doanh này, cho dù có một số nhà đầu tư và nhà bán lẻ khác quan tâm đến Vinatexmart.

Việc sáp nhập này là bước phát triển mới của hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ trong lộ trình phát triển 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm.

Dù thương hiệu bán lẻ này không được đánh giá cao, nhưng Vinatexmart có lợi thế nhờ sở hữu những điểm kinh doanh rộng khắp ở các tỉnh thành của Vinatexmart, thu hút sự chú ý của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước trong bối cảnh việc tìm kiếm mặt bằng lớn ở các thành phố để mở cửa hàng không phải dễ.

Trong việc thâu tóm chuỗi cửa hàng Vinatexmart, tập đoàn Vingroup có lợi thế lớn nhất do đơn vị này đã trở thành một trong hai cổ đông chiến lược của Vinatex kể từ tháng 9 năm ngoái.

Tại sao bán Vinatexmart?

Việc Vinatexmart được bán lại sau khí có sự phê duyệt của Chính phủ, theo giới kinh doanh bán lẻ, là do hệ thống này cạnh tranh kém sau khi có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài nhảy vào.

Được thành lập cách đây khoảng 13 năm (tháng 10-2001), hệ thống siêu thị Vinatex (Vinatexmart) là chuỗi siêu thị tổng hợp nhưng trong đó ngành hàng dệt may là ngành hàng chủ lực, với doanh số hàng năm khoảng 1.700 tỉ đồng.

Là thành viên của Vinatex với sự hậu thuẫn vốn của tập đoàn mẹ, Vinatexmart đã nhanh chóng phát triển mạng lưới kinh doanh, đặc biệt vào giai đoạn 2008-2012 công ty này đã phát triển mạng lưới rất nhanh và đặt mục tiêu sẽ đạt 200 siêu thị, trung tâm thương mại Vinatexmart vào năm 2015 trong cả nước.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, chiến lược mở rộng hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp này bị chựng lại và có phần giảm quy mô bởi một số cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Có giai đoạn công ty đã phát triển được hơn 80 điểm bán nhưng sau đó đã phải giảm dần số lượng.

Dù đặt mục tiêu cao là trở thành một trong những hệ thống bán lẻ lớn hàng đầu trong nước, nhưng một số nhà bán lẻ đánh giá Vinatexmart không phải là đối thủ nặng ký trong kinh doanh bán lẻ. Bởi lẽ đơn vị này dù định vị hệ thống kinh doanh của mình là siêu thị tổng hợp nhưng vẫn ưu tiên phát triển kinh doanh ngành hàng của công ty mẹ là dệt may, và thực tế tỉ trọng hàng hóa cũng như không gian để trưng bày mặt hàng này chiếm rất cao, khoảng 50% theo lãnh đạo của công ty này trước đây.

Trong khi đó, những mặt hàng thời trang kinh doanh ở các siêu thị và trung tâm thương mại trong 2-3 năm qua đến nay bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khó khăn chung của nền kinh tế khi nhiều người ưu tiên mua những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Hiện tại, hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ đã đưa vào hoạt động 14 siêu thị và 23 cửa hàng tiện ích tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh… chỉ sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động. Trong khi đó, hệ thống cửa hàng của Vinatexmart có nhiều lợi thế ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Việc hợp nhất này sẽ góp phần nhanh chóng gia tăng độ phủ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước của hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+.

Quốc Hùng
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn