TGĐ CGV Việt Nam: Chúng tôi đang tạo ra chuẩn mực

"Họ không phải bạn bè. Họ chính là gia đình của tôi", những nhà làm phim Fast & Furious đã khắc họa nội dung của loạt phim này cũng như tình cảm gắn bó khăng khít giữa những nhân vật trên màn ảnh, giữa các diễn viên và thành viên của đoàn làm phim trong suốt khoảng thời gian thực hiện 7 tập phim bằng câu nói ngắn gọn như thế.

15 năm trước, không ai có thể ngờ câu chuyện về những tay đua xe trên đường phố Los Angeles sẽ trở thành một trong những series phim hành động thành công nhất và được yêu thích nhất mọi thời đại.

Và câu chuyện với Tổng giám đốc của đơn vị phát hành phim, sở hữu hệ thống rạp chiếu lớn nhất Việt Nam hiện nay, ông Dong Won Kwak, người gây dựng nên thương hiệu CGV tại thị trường Việt Nam, cũng bắt đầu với Fast & Furious.

Ông Dong Won Kwak, Tổng giám đốc CGV Việt Nam. Ảnh: Danny Bach

* Tại Liên hoan Phim độc lập South by Southwest (SXSW), Austin, Mỹ diễn ra vào ngày 16/3 vừa qua, Fast & Furious 7 bất ngờ được công chiếu và lập tức tạo nên làn sóng hâm mộ mạnh mẽ. Chỉ mươi ngày sau đó, Fast & Furious 7 được trình chiếu tại Việt Nam và tất nhiên cũng tạo nên cơn "sốt vé”. Dường như khoảng cách thời gian công chiếu giữa thị trường Việt Nam và thế giới ngày càng được thu hẹp?

Tất nhiên phải như thế! Sự trông đợi của khán giả buộc những đơn vị phát hành phải nhanh chân, nếu không muốn lỡ mất cơ hội từ thị trường. Có những phim Việt Nam công chiếu cùng lúc hoặc sớm hơn cả thị trường Bắc Mỹ.

Ở trường hợp Fast & Furious 7, ngoài những yếu tố ăn khách như những màn hành động, đua xe... hấp dẫn, với tôi, đây là bộ phim rất đáng xem. Nó là tác phẩm cuối cùng có sự hiện diện của ngôi sao Paul Walker. Anh qua đời vì tai nạn giao thông khi việc ghi hình vẫn còn dang dở.

Mọi nỗ lực để hoàn thành bộ phim đều hướng về Paul như là để hoàn thành di nguyện của anh ấy, chẳng hạn như việc Cody Walker, em trai Paul, đóng thế anh những phân đoạn còn lại. Phim chinh phục khán giả không chỉ bởi hiệu ứng mà còn qua thông điệp yêu thương, tinh thần đề cao các giá trị tình cảm gia đình... Thông điệp ấy khiến tôi bị chinh phục.

* Chú trọng nội dung hơn hiệu ứng thị giác là cách ông chọn lựa phim?

Với vai trò là người điều hành CGV, tất nhiên tôi phải dung hòa các yếu tố vì thị hiếu của khán giả khá phong phú. Nhưng nếu chọn phim theo đúng nghĩa thưởng thức, thú thật là tôi sẽ chọn những bộ phim nói về gia đình, sâu sắc về mặt nội dung và gần gũi với khán giả trẻ con vì tôi rất hay xem phim cùng con gái nhỏ của mình. Tôi nghĩ, những câu chuyện đẹp sẽ giúp người ta sống tốt hơn, suy nghĩ tích cực hơn.

* Như việc chinh phục khán giả hiện đại của bộ phim Cinderella? Tuy nhiên, dù thích nhưng vẫn có người cho rằng đó chỉ là chuyện thần thoại...

Vẫn biết rằng cuộc sống luôn có nhiều thử thách và vật chất đủ khả năng làm lu mờ nhiều thứ, nhưng những giá trị nhân văn vẫn đang được đề cao. Trong điện ảnh, nhìn vào xu hướng làm phim của Hollywood, chúng ta sẽ thấy được điều này. Hàng loạt tác phẩm đề cao tình cảm gia đình, tính chính trực của con người lần lượt được thực hiện, như Big Hero, Homes...

Không chỉ phim hoạt hình, ngay cả những phim hành động "bom tấn" như Fast & Farious, Avengers: Age of Ultron, hay Tomorrowland... sắp công chiếu cũng chú trọng yếu tố đó. Đừng nghĩ rằng khán giả chỉ thích những pha hài hước hay hành động đẹp mắt.

Một ví dụ ở thị trường Việt Nam dịp Tết vừa qua, trong hai phim Việt là Ngày nảy ngày nay và Trúng số, chúng tôi đã dự đoán bộ phim giàu tính hài hước và hành động như Ngày nảy ngày nay sẽ đạt doanh thu vượt trội, nhưng thực tế lại ngược lại. Trúng số của Dustin Nguyễn ít tiếng cười hơn nhưng sâu sắc và là một câu chuyện đẹp về tình người, đã lấy trọn tình cảm của khán giả.

* Coi trọng và đề cao tình cảm gia đình như thế, ắt hẳn ông không tránh khỏi lưỡng lự khi quyết định rời mái ấm của mình sang Việt Nam đảm nhiệm vị trí đầu tàu của CGV?

Tôi băn khoăn nhiều khi quyết định rời trụ sở chính của CGV sang Việt Nam nhưng khi tính toán, tôi vẫn thấy mình có thể chu toàn. Công nghệ hiện đại giúp tôi nhiều trong việc kết nối với gia đình và phần nào xóa bỏ khoảng cách địa lý.

Tất nhiên, không thể chỉ dựa vào công nghệ để có được tình cảm ấm áp của gia đình. Tôi đã có kế hoạch đưa gia đình sang định cư lâu dài ở Việt Nam. Đất nước các bạn đủ hấp dẫn để mời gọi mọi người dừng chân.

Tôi đặc biệt ấn tượng với hai đức tính của người Việt: phóng khoáng và dễ đón nhận. Hai yếu tố này rất cần cho sự sáng tạo và đó là tiền đề để phát triển công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, trong đó có cả tiềm năng phát triển công nghiệp điện ảnh.

* Sau hai năm sống ở Việt Nam, ông có thấy mình dễ dàng hòa nhập với cuộc sống và con người nơi đây?

Sau thương vụ giữa CGV và MegaStar, tôi đã có chừng một năm đi lại giữa hai quốc gia để chuẩn bị cho việc chuyển đổi thương hiệu nên việc hòa nhập cũng không có nhiều bỡ ngỡ. Trước khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc CGV Việt Nam, tôi phụ trách mảng chiến lược kinh doanh toàn cầu ở trụ sở chính CGV nên có dịp tham gia tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam ở Seoul.

Lượng khán giả đến tham dự Liên hoan khiến chúng tôi rất bất ngờ. Sao người Việt ở Seoul có thể nhiều đến thế? Kết quả cũng tương tự như ở Liên hoan Phim Hàn Quốc tại Việt Nam. Rất nhiều người Hàn Quốc đang chọn Việt Nam để định cư. Rõ ràng, văn hóa và đời sống của người Việt Nam và người Hàn Quốc có những nét tương đồng nhất định nên dễ dàng tương thích.

* Việc chuyển đổi hình ảnh, bỏ một thương hiệu đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và đem đến nhận diện mới là CGV ắt hẳn phải tính toán thật kỹ?

Thay thế một thương hiệu được xem là khai phá thị trường điện ảnh Việt Nam quả thật không đơn giản. Chúng tôi đã thực hiện những bước chuẩn bị hết sức chi tiết, như tìm ra điểm tương đồng, điểm khác biệt giữa hai thương hiệu..., rồi khảo sát khách hàng để từng bước điều chỉnh cho phù hợp. Mất hơn một năm chúng tôi mới hoàn tất việc chuyển đổi. Và như các bạn thấy, đến bây giờ xem như chúng tôi đã hoàn thành việc gây dựng hình ảnh cho CGV tại Việt Nam.

* Thay đổi lớn nhất là sự hiện diện dày đặc của CGV tại Việt Nam?

Đây là một chiến lược dài hạn, trong đó chúng tôi chú trọng việc tái đầu tư vào thị trường nội địa. Trong năm 2014, CGV đã ra mắt 9 cụm rạp mới. Theo kế hoạch, năm 2015, con số cụm rạp mới ra mắt là 10. Hoạt động của các cụm rạp hiện có sẽ tạo ra nguồn vốn chính cho việc phát triển các cụm rạp mới.

Bên cạnh việc được thừa hưởng lợi thế có sẵn từ thị trường đã được khởi động bởi đơn vị đầu tư trước đây, chúng tôi còn có nhiều quan hệ chiến lược khác nhau, từ hệ thống các tòa nhà, siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn... nên có thể xác định được những địa điểm, mặt bằng phù hợp, thuận lợi cho mô hình giải trí của CGV.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, CGV cũng không tránh khỏi một số khó khăn trong việc tìm kiếm những cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ điều kiện để xây dựng các rạp chiếu tiêu chuẩn quốc tế.

Thủ tục xin giấy phép còn khá rườm rà dù chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ địa phương. Chi phí CGV đầu tư rạp chiếu tại Việt Nam theo đúng chuẩn hệ thống CGV các nước nhưng chính sách giá thì phải phù hợp với thu nhập của người Việt cũng phần nào ảnh hưởng đến thời hạn đầu tư các dự án kế tiếp.

* Có phải tỷ suất người xem phim tại Việt Nam là một trong những yếu tố hấp dẫn để CGV mạnh tay đầu tư?

So với các nước có nền điện ảnh lớn mạnh như Mỹ, Hàn Quốc..., tỷ suất người xem phim trên dân số là 4. Nghĩa là một người dân có thể xem phim 4 lần/năm, trong khi con số đó tại Việt Nam là 0,2. Vì vậy, Việt Nam được chúng tôi đánh giá là thị trường tiềm năng nhất.

Và, với đà phát triển khoảng hơn 20% như hiện nay thì tỷ suất người xem phim trên dân số tại Việt Nam sẽ còn tăng nhanh chóng. Chúng tôi hoàn toàn tự tin với chiến lược mở rộng sự hiện diện của CGV Cimemas tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.

* Như vậy, mức độ cạnh tranh ở thị trường này cũng sẽ lớn?

Thị trường tiềm năng thì sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi xác định nhiệm vụ của mình không đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận mà là dẫn nhịp cho thị trường này. Nếu MegaStar đã khai phá thị trường thì chúng tôi đưa ra những hình mẫu để phát triển một thị trường lành mạnh, đúng chuẩn quốc tế.

Như đã nói, các cụm rạp của CGV được trang bị hệ thống âm thanh, hình ảnh... không hề thua kém các rạp chiếu ở các quốc gia phát triển. Phong cách phục vụ chuyên nghiệp mang đến cho khán giả trải nghiệm điện ảnh ở mức cao nhất dù giá vé thấp hơn các thị trường khác.

Chúng tôi đang tạo ra chuẩn mực để các đơn vị khác muốn tham gia cuộc chơi phải vươn đến những giá trị này. Có thể ví von CGV đang tạo ra sân chơi và chơi đẹp để những người cùng chơi cũng phải chơi đẹp.

Tầm nhìn của CGV là thúc đẩy thị trường chứ không phải chia "miếng bánh" hiện có nên không có hai chữ "cạnh tranh" trong chiến lược của chúng tôi!

* Xét về bài toán kinh tế thì người dẫn lối thị trường vẫn luôn là người nắm giữ nhiều khách hàng nhất?

Trong kinh doanh, hẳn nhiên lợi nhuận là yêu cầu lớn nhất nhưng tôi đến CGV Việt Nam với tinh thần làm việc cho một công ty Việt Nam chứ không phải một công ty Hàn Quốc, đến Việt Nam để mang ngoại tệ về. Hiện lợi nhuận đang được CGV tái đầu tư để phát triển thị trường.

Chúng tôi đâu chỉ hiện diện ở các thành phố lớn để "hốt" khán giả mà đang cố gắng xây dựng cụm rạp ở các tỉnh nhỏ, mang phim đến những vùng sâu, vùng xa bằng hình thức chiếu phim lưu động miễn phí.

Chúng tôi hậu thuẫn cho các liên hoan phim để những nhà làm phim trong nước có thể giao lưu, học hỏi từ bên ngoài; tổ chức các lớp học làm phim cho thiếu nhi để nhen lửa đam mê cho thế hệ kế tiếp. Với những nhà làm phim trẻ, chúng tôi có Art House, mô hình hỗ trợ tối đa từ phòng chiếu đến quảng bá... cho người làm phim độc lập tiếp cận khán giả.

Tất cả những việc này nhằm tạo nền tảng để phát triển công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam, nền công nghiệp mà cá nhân tôi đánh giá là cực kỳ tiềm năng. Dựa vào đội ngũ nhân lực, sự sáng tạo của những nhà làm phim trẻ..., CGV có tham vọng biến Việt Nam thành trung tâm nhân sự điện ảnh cho thế giới.

* Người Việt Nam quan niệm "có thực mới vực được đạo". Để phục vụ chiến lược chắc chắn là dài hơi đó, CGV vẫn cần đến những "trả lễ” từ thị trường?

Nếu như thị trường Việt Nam duy trì tăng trưởng 20 - 30% mỗi năm thì mức phát triển hằng năm của CGV nhỉnh hơn con số ấy. Đó là điều kiện "để chúng tôi có thể duy trì và tiếp tục cuộc chơi".

* Cảm ơn ông về những chia sẻ !

Phương Uyên
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn