Sóng M&A "quét" thị trường bán lẻ Việt Nam

Thị trường 90 triệu dân cùng với mức tăng trưởng cao của ngành bán lẻ đang hút các thương hiệu nước ngoài. Và một làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) từ trong lĩnh vực bán lẻ đang quét qua Việt Nam.

Thái tám lạng, Hàn nửa cân

Các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang đặt những bước chân chắc chắn vào Việt Nam khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Và đây là sự chuẩn bị cho xu thế hội nhập kinh tế ASEAN mà các tập đoàn này hướng đến.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam đạt doanh thu trên 80 tỷ USD trong năm 2014 và có thể lên tới 100 tỷ USD vào năm 2016. Với tiềm năng đó, Việt Nam đã trở thành thị trường đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ. Đặc biệt, sự xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài được ví như một làn sóng đang quét qua thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tập đoàn Central Group sau khi ra mắt hai trung tâm thương mại (TTTM) Robins trong năm 2014, tháng 2/2015 đã công bố mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim.

Sự kiện này khiến giới bán lẻ rúng động vì Nguyễn Kim là một trong những nhà bán lẻ điện máy hàng đầu tại Việt Nam nhưng nay phải tìm đến sự hậu thuẫn tài chính từ nước ngoài để giữ thị phần và tốc độ tăng trưởng cũng như tham vọng mở rộng ngành kinh doanh ngoài điện máy.

Ngay sau khi bán cổ phần, Nguyễn Kim đã đưa ra kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị điện máy từ 21 siêu thị hiện nay lên 50 siêu thị vào năm 2019.

Với Central Group, việc mua lại cổ phần của Nguyễn Kim sẽ giúp nhà đầu tư này mở rộng việc kinh doanh bán lẻ điện máy bên cạnh hàng thời trang và hệ thống TTTM đã hiện diện tại Việt Nam.

Bởi như nhận định của vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Central Group Tos Chirativat, "Việt Nam đã và đang trở thành thị trường mục tiêu, đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán lẻ. Và chúng tôi hướng đến bất kỳ DN nào có cơ cấu hoạt động phù hợp với tiêu chí ngành bán lẻ của Central Group, từ đồ điện tử đến bách hóa".

Cùng với Central Group, một nhà đầu tư Thái khác là Berli Jucker (BJC) đã tăng cường sự có mặt tại Việt Nam bằng việc mua lại hệ thống trung tâm bán sỉ Metro. Khởi đầu là những công ty sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, thương hiệu này đã lấn sang mạng lưới phân phối với chuỗi cửa hàng tiện lợi Bs Mart và hiện tại là Metro.

Đến nay, BJC đã đầu tư và sở hữu nhà máy giấy vệ sinh Cellox, nhà máy đậu phụ Ichiban, nhà máy sản xuất chai thủy tinh và lon nước giải khát với công suất 850 triệu sản phẩm/năm. Qúy I/2014, doanh thu của BJC tại Việt Nam đạt khoảng 45 triệu USD, chiếm đến 66% doanh thu của BJC ở nước ngoài.

"Xây dựng một hệ thống thì quá lâu và tốn kém nên chúng tôi quyết định mua lại Metro và việc này giúp chúng tôi đẩy nhanh các kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam. Metro chỉ mới là khởi đầu, sẽ có nhiều đầu tư hơn nữa vì chúng tôi nhìn thấy tương lai ở Việt Nam", ông Aswin Techajareonvikul, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BJC, cho biết.

Không chỉ có hai nhà đầu tư Thái, đầu th&aaOR�=;ng 3 này, Lotte đến từ Hàn Quốc đã bất ngờ công bố đã nắm quyền điều hành TTTM Diamond khi sở hữu 70% cổ phần của tòa nhà này từ Posco, một DN Hàn Quốc khác.

Công trình này có vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD được khánh thành vào tháng 8/2000, là một tổ hợp thương xá, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp có vị trí đắc địa nhất TP.HCM. Tiếp đó, một thương hiệu bán lẻ lớn khác của Hàn Quốc là Emart cũng dự kiến khai trương siêu thị đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2015.

Chiến lược mua nhanh, mở lớn

Việc sở hữu một TTTM lớn ở khu vực trung tâm TP.HCM cho thấy chiến lược "bành trướng" ngành bán lẻ Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc. Theo ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotte Việt Nam, đây là cách để Lotte phát triển tại Việt Nam thông qua các mô hình bán lẻ, chủ yếu được thực hiện bằng M&A, tương tự như chiến lược đầu tư của Lotte Mart vào ngành bán lẻ tại Trung Quốc và Indonesia.

Theo báo cáo công bố trong tháng 2/2015 của Lotte Shopping - đơn vị quản lý mảng bán lẻ của Lotte Việt Nam, đến cuối năm 2014, Lotte Việt Nam đã có 1 trung tâm mua sắm, 10 đại siêu thị ở Việt Nam và dự kiến tăng lên 2 trung tâm và 13 đại siêu thị đến hết năm 2015.

Sau 7 năm có mặt tại Việt Nam (Lotte vào Việt Nam năm 2007), Lotte đã mở được 7 đại siêu thị trên cả nước gồm 2 đại siêu thị ở TP.HCM, 1 ở Bình Thuận, 1 Bình Dương, 1 Đồng Nai, 1 Đà Nẵng và 1 ở Hà Nội. Mỗi một đại siêu thị như thế có diện tích sàn không dưới 10.000m2 và có vốn đầu tư khoảng 30 - 40 triệu USD.

Kế hoạch của nhà đầu tư này đưa ra là đến năm 2020 sẽ có 20 TTTM và đại siêu thị tại Việt Nam. Nếu tính chi phí đầu tư mỗi điểm bán mới như vậy thì số vốn mà Lotte đổ vào thị trường bán lẻ Việt Nam lên đến hàng tỷ USD.

Trong làn sóng M&A bán lẻ nhằm đón đầu xu thế hội nhập, cuối năm 2014, Citimart đã công bố hợp tác với Aeon theo một hợp đồng li-xăng. Tuy nhiên, trả lời Tạp chí Jiji (Nhật Bản), nhà đầu tư Nhật Bản cho biết đã mua đến 49% cổ phần của Citimart và 30% cổ phần của Fivimart.

Thông qua hai thương vụ này, Aeon gia tăng sự hiểu biết về môi trường kinh doanh tại địa phương bởi Việt Nam là thị trường quan trọng thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Malaysia.

"Việt Nam sẽ sớm trở thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ và bắt tay với các đối tác địa phương là yếu tố quan trọng bởi chúng tôi không thấy có khả năng chiến thắng nếu phát triển độc lập", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam Yukio Konish cho biết.

Hiện tại, Aeon đã rót 500 triệu USD vào 3 trung tâm mua sắm ở TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội và đang tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới. Bởi hãng bán lẻ này có tham vọng mở 200 siêu thị, cửa hàng trên khắp Việt Nam với doanh thu cán mốc 100 tỷ yên (18.000 tỷ đồng).

Áp lực bán

Dù đã có những thương hiệu Việt Nam vươn lên nhưng DN trong nước vẫn phải đối mặt với khó khăn trước những áp lực mới từ M&A.

Hiện trong giới bán lẻ đang râm ran việc "Big C làm nhiều chương trình hút khách để khuếch trương thương hiệu" nhằm "làm giá” với các đối tác có ý định M&A. Bởi khách càng đông, thương hiệu càng nhiều người biết đến thì giá bán sẽ càng cao. Dù là tin đồn nhưng tin đồn này cũng tạo áp lực không nhỏ cho các DN bán lẻ.

Bởi Big C là một thương hiệu lớn và từ khi có mặt tại Việt Nam vào năm 2008 đến nay đã tạo được chỗ đứng nhất định. Các siêu thị của hệ thống này đã phủ rộng ở nhiều tỉnh-thành với mật độ khách hàng mua sắm luôn cao.

Và Big C cũng được xem là đơn vị châm ngòi cho "cuộc chiến" giá rẻ trên thị trường mấy năm qua. Nếu một thương hiệu thành công như vậy mà muốn bán thì áp lực cạnh tranh của thị trường này quả là kinh khủng.

Trên thực tế, hiện tại, rất nhiều DN bán lẻ đã được các đối tác ngoại đặt vấn đề mua. Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Martketing Trung tâm Điện máy Thiên Hòa, cho biết, đã có nhiều đối tác đặt vấn đề mua cổ phần của Công ty nhưng DN đang phát triển tốt nên Thiên Hòa đã từ chối.

Trước Nguyễn Kim, thương hiệu bán lẻ điện máy phía Bắc là Trần Anh cũng đã bán hơn 38% cổ phần cho đại gia bán lẻ điện máy Nhật Bản là Nojima. Mục tiêu của Trần Anh là nhờ vào sự đầu tư của đối tác để trở thành DN sỡ hữu chuỗi siêu thị điện máy, máy tính, điện thoại có quy mô hàng đầu Việt Nam.

Trước khi thuộc về sự quản lý của Vinroup, Ocean Retail đã làm việc với nhiều đối tác đến từ Pháp, Mỹ, Hồng Kông, Hàn Quốc về vấn đề M&A.

Theo các chuyên gia trong ngành, lộ trình đã cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều hơn nữa các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia thị trường và M&A là hình thức hiển nhiên.

Nói về xu hướng này, PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm thương hiệu Trường Đại học Thương mại, cho rằng, sắp tới, sẽ còn nhiều DN nước ngoài khác đến Việt Nam mua thương hiệu chứ không chỉ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.

Một khi mua được những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chắc chắn hơn trong việc phát triển. Với M&A, các chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian, có thể tham gia vào quản lý một đơn vị đang hoạt động ổn định và tận dụng được hình ảnh đã quen thuộc trên thị trường.

Và hơn thế, các nhà đầu tư còn thấy sự hấp dẫn của một thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng với cơ cấu dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực.

Nhưng không chỉ bị áp lực từ các nhà bán lẻ châu Á đang mở rộng quy mô, DN Việt Nam còn bị áp lực từ những thương hiệu có cả trăm năm kinh nghiệm trong ngành. Từ giữa năm 2013, Wal Mart (Mỹ) đã tăng tốc thu mua hàng để sàng lọc đội ngũ nhà cung ứng, chuẩn bị để tận dụng lợi thế cùng là thành viên tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Gần đây, Wal Mart đã lên tiếng sẽ đầu tư hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam. Auchan (Pháp), một tập đoàn bán lẻ lớn trên toàn cầu cũng cho biết sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới.

"Thị trường nội địa đang gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực nên nếu DN nhất quyết từ chối việc này thì cũng khó phát triển được."

Các chuyên gia cho rằng, đi cùng với làn sóng này là nguy cơ thâu tóm từ các đối thủ lớn. Trước nguy cơ thôn tính hay thâu tóm luôn tiềm ẩn trong mọi ngành, lĩnh vực khi DN nội thực hiện liên doanh, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, việc các DN ngoại nhảy vào liên doanh rồi thâu tóm các DN nội diễn ra thường xuyên trên thế giới.

"Khi chúng ta không thể cưỡng lại được sự hội nhập thì chỉ còn cách thỏa hiệp với nó. Thị trường nội địa đang gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực nên nếu DN nhất quyết từ chối việc này thì cũng khó phát triển được", ông Đoàn nói.

Vingroup: Thế lực mới

Nếu như các nhà đầu tư châu Á nhắm đến Việt Nam bằng việc mua lại những thương hiệu nội thì trong nước,Vingroup đang gia tăng sức mạnh từ M&A. Nhưng liệu Vingroup có vượt qua những thách thức của người đến sau để cùng các DN nội phân chia lại thị trường bán lẻ?

Trong nước, Vingroup đang đẩy mạnh sự hiện diện của mình thông qua M&A. Cuối năm 2014, Vingroup đã mua đến 70% cổ phần của Ocean Retail, một công ty con của Tập đoàn Đại Dương. Ngay khi mua Ocean Retail, Vingroup đã đổi tên thành Công ty CP Siêu thị VinMart đồng thời ra mắt hai thương hiệu VinMart và VinMart+.

Kế hoạch của nhà đầu tư này là sẽ 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện lợi trên nhiều tỉnh-thành trong 3 năm tới. Trong đó, hệ thống VinMart sẽ là các siêu thị từ 3.000 - 15.000m2 và chuỗi VinMart+ gồm các cửa hàng tiện dụng diện tích từ 150 - 300m2.

Chưa dừng lại với VinMart, Vingroup thâm nhập sâu hơn vào ngành bán lẻ khi ngày 21/3 mới đây đã cùng lúc ra mắt 4 cửa hàng điện máy Vinpro tại TP.HCM và Hà Nội.

Vinpro đặt mục tiêu mang đến thị trường điện máy Việt Nam vốn nhiều tiềm năng và đang cạnh tranh sôi động một phong cách mua sắm hiện đại với các sản phẩm công nghệ điện thoại, tablet, laptop, các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng và phụ kiện... của các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Với mục tiêu trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nhà đầu tư này đang nhắm tới việc phát triển 25 cửa hàng Vinpro và 100 cửa hàng Vinpro+ nằm ngoài các trung tâm thương mại trong năm nay.

"Với lợi thế sân nhà cùng việc hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam, chắc chắn Vingroup sẽ góp phần làm nên bước ngoặt tại thị trường trong thời gian tới", Phó chủ tịch Vinroup Lê Khắc Hiệp khẳng định.

Chưa biết sự tham gia của Vingroup vào lĩnh vực bán lẻ có làm giảm áp lực của DN nội trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với sự xuất hiện ngày càng dày đặc của nhà đầu tư nước ngoài hay không, nhưng xem ra đây là cú huých mới trong lĩnh vực bán lẻ nội địa.

Trong chiến lược công bố hồi tháng 2 năm nay, Vingroup cho biết sẽ đưa vào hoạt động 25 TTTM tại các tỉnh thành với hai thương hiệu Vincom và Vincom Mega Mall. Dù vốn đầu tư lớn và tự tin vào chiến lược thâm nhập thị trường nhưng liệu Vinroup có cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài khi kinh nghiệm trong lĩnh vực này còn quá mỏng.

Nếu không tính những thương vụ mới ra mắt, Vingroup chỉ tham gia lĩnh vực bán lẻ hơn 3 năm nay với các TTTM Vincom tại Hà Nội và TP.HCM. Và điều này là một trong những điểm yếu của Vingroup so với các đối thủ nước ngoài.

Châu Á sẽ là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng thị trường bán lẻ toàn cầu. Vào năm 2016, thị trường này sẽ đạt 11.800 tỷ USD với mức tăng trưởng 6,8%.

Tham vọng của Vingroup có đạt được hay không phải chờ ở thì tương lai. Bởi một đối thủ nặng ký của nhà đầu tư ngoại hiện nay là Saigon Co.op, được cho là mạnh nhất của ngành bán lẻ nội (sở hữu thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food) nhưng trước áp lực cạnh tranh đã chọn cách liên doanh, liên kết với nhiều đối tác để hoàn thiện các mô hình bán lẻ, từ TTTM, đại siêu thị, siêu thị cho đến cửa hàng tiện lợi.

Cụ thể, Saigon Co.op đã liên doanh với nhà bán lẻ Singapore NTUC FairPrice xây dựng mô hình đại siêu thị Co.opXtra, liên kết với Công ty đầu tư và quản lý bất động sản thương mại Mapletree đầu tư vào TTTM và giải trí phức hợp SC VivoCity... Và hình thức này đang được DN này đẩy mạnh.

Theo dự báo của Economist Intelligence Unit, châu Á sẽ là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng thị trường bán lẻ toàn cầu. Vào năm 2016, thị trường này sẽ đạt 11.800 tỷ USD với mức tăng trưởng 6,8%.

Điều này cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam rất lạc quan nhưng cũng đầy thách thức khi thị phần đang lần lượt rơi vào các đối thủ châu Á. Tính đến năm 2012, các tập đoàn bán lẻ ngoại đã lấn lướt DN trong nước khi chiếm tỷ lệ 40% trong tổng ngành bán lẻ (DN trong nước chiếm 25%).

Hiện tại, Co.opmart, Big C và Metro (đang trong quá trình chuyển nhượng cho BJC) được xem là ba thương hiệu đứng đầu nhưng chỉ có Co.opmart là DN Việt Nam. Đó là chưa kể những thương hiệu của những nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang ngày một phình to.

Hoàng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn