Kinh doanh TTTM: Cuộc đua của những tập đoàn bán lẻ ngoại
Việc đầu tư, kinh doanh các trung tâm thương mại (TTTM) ở TPHCM đang là một cuộc chạy đua của những tập đoàn bán lẻ lớn, chuyên nghiệp đến từ các nước.
Từ việc “thâu tóm” Diamond Plaza của Lotte
Sự kiện nhà bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc, tập đoàn Lotte, vừa công bố đã mua lại hết toàn bộ phần vốn góp của đối tác đồng hương - Posco E&C, nắm quyền quản lý và điều hành cao ốc phức hợp Diamond Plaza (quận 1, TPHCM), đã đánh dấu việc chính thức lấn sân sang kinh doanh TTTM của Lotte tại TPHCM.
Dù đã mở được ba điểm kinh doanh lớn tại TPHCM nhưng lâu nay các điểm này được Lotte phát triển theo mô hình kinh doanh tổng hợp đại siêu thị. Trong khi đó, nhờ có vị trí đắc địa và đầu tư cao cấp, bốn tầng được sử dụng làm TTTM tại Diamond Plaza thu hút được nhiều thương hiệu thời trang và hóa mỹ phẩm lớn của quốc tế, ngay cả ở thời điểm các trung tâm mua sắm khác trên địa bàn thành phố rất khó khăn trong việc tìm khách thuê. Lotte còn đang xúc tiến phát triển dự án khu phức hợp thông minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, với vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đô la Mỹ, trong đó sẽ có khu phức hợp thương mại cao cấp khác của Lotte.
Ngay từ năm 2005, Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong Bin đã công bố chiến lược đưa tập đoàn trở thành một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới bằng cách tập trung vào bốn thị trường tiềm năng bên ngoài lãnh thổ, bao gồm Việt Nam, Nga, Indonesia và Trung Quốc, hay còn gọi là “VRIC”. Trong nhóm này, chủ tịch Shin coi Việt Nam là điểm đến hứa hẹn bởi trong số hơn 90 triệu dân, có tới hơn 70% là những người dưới 40 tuổi, thuộc nhóm khách hàng mục tiêu của các hãng bán lẻ.
Đến Takashimaya của Nhật Bản
Bên cạnh Lotte, giới kinh doanh bán lẻ còn đang lo lắng một đối thủ kinh doanh điều hành các trung tâm mua sắm lớn đến từ Nhật - tập đoàn Takashimaya.
Takashimaya - tập đoàn bán lẻ có thâm niên hơn 180 năm hoạt động của Nhật Bản đang chọn Trung Quốc và ASEAN là hai trục thị trường trọng điểm để phát triển trong tương lai, trong đó Việt Nam là một điểm đến quan trọng. Dù đến đầu năm tới Takashimaya mới có trung tâm mua sắm đầu tiên ở TPHCM, nhưng tập đoàn có 20 trung tâm ở Nhật, ba trung tâm ở Singapore, Thượng Hải, Đài Bắc này đã xúc tiến dự án tại TPHCM khá sớm, từ năm… 2012.
Cuộc chạy đua đầu tư của những tập đoàn bán lẻ lớn, chuyên nghiệp đến từ các nước dường như trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm của các TTTM trong hơn hai năm qua.
Tòa nhà Saigon Centre ở khu vực trung tâm quận 1, TPHCM, đang trong giai đoạn mở rộng (giai đoạn 2). Dự kiến khi hoàn thành, khoảng 15.000 mét vuông sàn bán lẻ tại năm tầng của giai đoạn 2 này sẽ là khu mua sắm đầu tiên của Takashimaya ở Việt Nam. Từ năm 2012, Takashimaya đã ký hợp đồng thỏa thuận thuê dài hạn khoản diện tích trên của nhà đầu tư.
Đối với các nhà bán lẻ trong nước thì Takashimaya là đối thủ đáng gờm bởi theo họ các tín đồ mua sắm Việt Nam khi sang thăm Singapore, chắc không ai không biết tòa nhà Takashimaya. Nằm ở vị trí trung tâm của đường Orchard, Takashimaya Singapore đã đang dần tự gầy dựng trở thành điểm nhấn ở Singapore.
Từ khi mở cửa, Takashimaya Singapore đã trở thành nơi mua sắm cho khách trong nước và quốc tế với một chuỗi các sản phẩm trọn gói từ quần áo, thực phẩm, đồ dùng gia đình. Theo trang web của nhà bán lẻ này, lượng khách hàng đến hằng ngày dao động từ 80.000-100.000 người.
Và VivoCity của Singapore
Một TTTM mới sẽ ra mắt ở quận 7 trong quí tới với cái tên SC VivoCity, do Công ty TNHH Đầu tư Mapletree của Singapore và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co.op (SCID) đầu tư. Với tổng diện tích 72.000 mét vuông, bao gồm năm tầng lầu và một tầng hầm, SC VivoCity được kỳ vọng là nơi hội tụ các thương hiệu thời trang hàng đầu quốc tế và trong nước, đại siêu thị Co-op Xtra, cụm rạp chiếu phim hiện đại, khu vui chơi giải trí, giáo dục, ẩm thực, và nhà hàng… Dù có đối tác Việt Nam là SCID - một thành viên của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam Saigon Co.op, nhưng Saigon Co.op cho biết họ không lo việc tìm kiếm khách thuê kinh doanh tại đây vì Mapletree đã lo phần này.
Theo Saigon Co.op, SC VivoCity thừa hưởng những kinh nghiệm từ thành công của VivoCity, trung tâm mua sắm lớn nhất tại Singapore do Mapletree đầu tư và quản lý, với những điểm đặc trưng, đặc biệt là khu công viên giải trí ngoài trời cùng sân chơi khô và nước dành cho trẻ em trên tầng thượng của TTTM. Tại Singapore, VivoCity cũng được bình chọn là một trong 10 điểm đến mua sắm hàng đầu thế giới, một trong ba trung tâm mua sắm hàng đầu châu Á. Sự kết hợp kinh nghiệm quản lý của Mapletree cùng với sự am hiểu thị trường Việt Nam và kinh nghiệm bán lẻ của Saigon Co.op, SC VivoCity được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến mua sắm và giải trí theo tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu tại TPHCM.
Thành công nhờ lớn, chuyên nghiệp?
Các công ty tư vấn bất động sản quốc tế đánh giá nguồn cung diện tích mặt bằng bất động sản thương mại ở TPHCM đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, với sự tham gia của nhà bán lẻ lớn nước ngoài.
Điều này dường như trái ngược với tình hình kinh doanh của các TTTM trong hơn hai năm qua, khi mà người tiêu dùng ngày càng giảm mua các mặt hàng thời trang trung và cao cấp, tập trung các mặt hàng thiết yếu do khó khăn, thu nhập giảm. Thậm chí, một số TTTM đã phải chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác, đóng cửa hoặc chuyển nhượng.
Tuy nhiên, những trường hợp đó, theo giới phân tích, thường rơi vào các chủ đầu tư ít kinh nghiệm quản lý TTTM hoặc chỉ điều hành duy nhất một trung tâm riêng lẻ. Tại các trung tâm mua sắm lớn của các nhà đầu tư có kinh nghiệm quốc tế như Aeon, Robinson…, lượng khách thuê gian hàng khá ổn định và lượng khách đến tham quan vẫn đông đúc.
Tập đoàn Aeon của Nhật Bản đang được đánh giá là thành công nhanh dù điểm kinh doanh của Aeon tại TPHCM nằm xa khu vực trung tâm. Aeon đang tiếp tục mở rộng đầu tư để đạt 20 TTTM ở Việt Nam đến năm 2020. Tương tự, Central Group (Thái Lan) cũng đang mở rộng điểm kinh doanh sau khi đã khai trương hai trung tâm mua sắm Robins đầu tiên tại Hà Nội và TPHCM.
Quốc Hùng
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn