Vina Acecook có bị “soán” ngôi vua?

Với thị phần từ 51,5% năm 2013, tụt giảm xuống còn 43% vào cuối tháng 12/2014

Cty CP Acecook Việt Nam (Vina Acecook) - "gã khổng lồ" đang nắm một nửa miếng bánh của thị trường mì ăn liền Việt Nam liệu có nguy cơ bị soán ngôi vua trong tương lai?

Thị trường mì ăn liền VN trong những năm gần đây gần như được thiết lập bởi thế chân vạc - gồm ba ông lớn Vina Acecook ở đỉnh 52% thị phần; kế tiếp là Masan Consumer (Cty TNHH MTV Thực phẩm Masan) với 18% thị phần và Asia Foods (CTCP Thực phẩm Á Châu) vào khoảng 10% năm 2013.

Cục diện tứ hùng mới

Vào năm 2014, thế chân vạc của thị trường mì ăn liền dường như bị phá vỡ khi Vina Acecook có vẻ như đang phải chia sẻ miếng bánh cho các “đàn em”. Theo đó, Masan Consumer vươn lên nắm được 22% thị phần. Asia Food cũng có sự tăng trưởng dao động ở mức 12%. Kế cận Asia Foods là CTy TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Hưng, một cái tên ít được chú ý trên thị trường mì ăn liền vì tưởng chừng quá nhỏ, cũng đang giữ miếng bánh dao động ở mức 8,5%. Như vậy, một mô hình mới đã bắt đầu hiện diện với cục diện tứ hùng - bốn ông lớn đua tranh. Phần còn lại của miếng bánh thuộc về các DN khác, được phân thành hai nhóm: “Đại gia” mới gồm Nissin, Kinh Đô và “tiểu gia” nhỏ gồm các thương hiệu như Vifon, Sài Gòn Ve wong, Colusa…

Nói riêng về “ngôi sao mới” Việt Hưng, đây là Cty có mặt khá lâu đời trong ngành mì ăn liền từ năm 1992, và thị trường tuy không nhắc nhiều đến Việt Hưng nhưng cũng không xa lạ với một số sản phẩm của Việt Hưng như mì Reeva 3 miền, mì Gomex… Tuy vậy, sự len lỏi của Việt Hưng để phá vỡ thế chân vạc của ba ông lớn đã có, vẫn khiến nhiều DN sửng sốt.

Lý giải việc xuất hiện Việt Hưng, thay cho Nissin trong bảng thị phần nhóm DN dẫn đầu, một chuyên gia trong ngành cho biết điều đó chứng tỏ với thị trường mì ăn liền VN, những yếu tố mới, DN mới, cho dù là đại gia lớn, cũng không dễ… chen chân.

Nhìn một cách cảm tính lẫn định lượng, với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay, cho dù cục diện tứ hùng chưa đổi thay thì sự xáo trộn vẫn có khả năng xảy ra. Các yếu tố quan trọng như lịch sử gắn bó với thị trường VN lâu đời, am hiểu tâm lí người tiêu dùng VN, liệu có đủ để Vina Acecook vẫn là cái tên dẫn đầu về độ phủ sóng với mức tiêu thụ hơn 3 tỷ /5,5 tỷ gói mì trên thị trường thời gian tới?

Vina Acecook và Masan

Xét về áp lực cạnh tranh, phải thấy rằng nhiều DN mới đang xác định ngành mì ăn liền vẫn có cơ hội, và không ngại cạnh tranh trực tiếp với Vina Acecook. Bản thân “đối thủ” nặng kí đang bám sát phía sau là Masan Consumer, việc đầu tư mạnh tay vào ngành mì ăn liền của ông lớn này, cũng không giấu diếm một kì vọng sẽ soán ngôi Vina Acecook. Báo cáo thường niên năm 2013 của Masan Group cho biết : “Sau hơn bốn năm đầu tư vào năng lực sản xuất, thương hiệu và hệ thống phân phối, hiện nay chúng tôi tự hào trở thành nhà sản xuất mì ăn liền lớn thứ hai trên toàn quốc và với đà tăng trưởng mạnh này chúng tôi có thể trở thành Cty đứng đầu ngành hàng trong năm 2014. Và với quy mô tiếp tục mở rộng như thế, biên lợi nhuận gộp theo đó cũng được tăng cao”. Kết quả năm 2014 của Masan chưa đạt được như mục tiêu mong muốn nhưng ít nhất, Masan Consumer cũng đã nhích thị phần từ từ và vượt ngưỡng 20%.

Hiện tại, Vina Acecook đang có mức độ phủ sóng ở thị trường với tất cả các kênh siêu thị, chợ truyền thống và đạt mức khoảng 90%, thông qua 300 đại lí cấp 1, 4 chi nhánh kinh doanh ở miền Bắc, Trung, Nam và miền Tây. Vina Acecook cũng có 10 nhà máy sản xuất mì rải rộng toàn quốc theo các khu vực trọng điểm nói trên. Việc có nhiều nhà máy không chỉ cho thấy mức độ đầu tư và độ lớn mạnh của DN mà quan trọng hơn, sẽ giúp mỗi một nhà máy của Vina Acecook có thể cho ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng ở từng vùng miền. Cùng với đó, cũng giúp Vina Acecook có thể tiết giảm chi phí vận chuyển, phân phối, cho ra sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh và tiết kiệm thời gian, chi phí cơ hội. Có lẽ đây cũng là yếu tố phần nào đã đẩy Hảo Hảo, Đệ Nhất và Lẩu Thái của Vina Acecook vượt xa các đối thủ về số lượng tiêu thụ. Riêng sản phẩm mì Hảo Hảo ra đời từ 2000 là một bứt phá lớn đối với chính Vina Acecook, đang đóng góp khoảng 50% doanh thu cho DN và chiếm tới 24% thị phần trên nhu cầu của toàn thị trường. Điều này tạo ra khác biệt của ông lớn Vina Acecook so với những DN khác bởi hiện gần như không có nhãn hiệu nào vượt lên và có sức sống lâu bền tới 15 năm như Hảo Hảo.

Không đáng lo

Một chuyên gia đầu tư cho rằng, trong kinh doanh, đầu tư kinh doanh thực phẩm ăn nhanh (FMCG), điều quan trọng mà các DN cần lưu ý là sản phẩm của ngành hàng chịu sự chi phối của các đặc tính về ẩm thực, trong đó người tiêu dùng thường thích khám phá mới nhưng lại rất trọng cũ. Sau sự khám phá mới, cái thuộc quen vẫn thường được “cái lưỡi” lựa chọn, nếu cái mới không đột phá hay không quá hấp dẫn. Và đó là lí do khiến thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm mì ăn liền được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, nhưng chỉ khuôn hẹp trên các kệ siêu thị ở khu vực đại đô thị, nơi giới trẻ năng động và thích khám phá sẽ thử chọn, và cũng chỉ tạm dừng ở mức tiêu thụ chưa tới 2% thị phần.

Nói một cách khác, nếu mối nguy từ các sản phẩm mì nhập khẩu không quá lớn để làm ngôi vương của Vina Acecook lung lay, thì cơ hội để đối mặt với Vina Acecook hiện tại, vẫn đang chỉ nhìn vào các DN lớn trong nước và cụ thể là sự hiện diện của Masan.

So với Vina Acecook, xét về nhãn hàng, Masan đang sở hữu lượng nhãn sản phẩm khiêm tốn với hai phân khúc. Kokomi ở phân khúc giá trung thấp đã ghi nhận mức tiêu thụ khá đạt 492,996 triệu gói mì tiêu thụ năm 2014, nhưng so với 1 gói mì tiêu thụ được của Hảo Hảo thì bài toán chênh lệch vẫn kém xa. Ở phân khúc trung, cao cấp, Sagami và Omachi cũng chỉ đạt mức tiêu thụ trung bình khá lần lượt 124 triệu và 153 triệu gói mì, thấp hơn so với Revera 3 miền của ngôi sao mới Việt Hưng, đang tiêu thụ 230 triệu gói/năm (nguồn: số liệu AC Nielsen VN 2014).

Về quy mô đầu tư, Masan đang có hai nhà máy mì ăn liền và hệ thống phân phối sản phẩm FMCG chung, phủ sóng ở các kênh truyền thống, hiện đại với 5 trung tâm phân phối, 180 nhà phân phối độc quyền và 2.000 nhân viên bán hàng, đưa sản phẩm đến hơn 176.000 điểm bán hàng trên toàn quốc. Rõ ràng, Masan đang có một điểm trừ cho quy mô/số lượng nhà máy so với Vina Acecook và một điểm cộng cho hệ thống phân phối. Song ngay trong hệ thống phân phối của mình, Masan cũng lại có một điểm trừ nhỏ, đó là do Masan sản xuất cả gia vị (nước mắm, nước tương, nước chấm), nước uống (Vĩnh Hảo), cà phê (Vina Café Biên Hòa) lẫn mì ăn liền, nên cơ hội để phân phối lượng lớn mì ăn liền tới các điểm với số lượng lớn là không giống nhau. Nói cách khác, mì ăn liền đôi khi ở nhiều điểm phân phối của Masan sẽ trở thành sản phẩm bán phụ, bán kèm, không phải là thực phẩm thiết yếu trong một điểm bán tập trung như chiến lược sản xuất “lõi” mà Vina Acecook lựa chọn. Nguy cơ mất ngôi của Vina Acecook nếu đối diện với Masan, xem ra không quá đáng lo, nếu DN giữ và tiếp tục phát triển được quy mô, năng lực sản xuất và hệ thống bán hàng hiện tại.

T.Hóa

Lê Mỹ
Nguồn Diễn Đàn Doanh Nghiệp