Cửa nào cho sản phẩm phụ nữ?

Khoảng 36 triệu người việt nam là phụ nữ đang trong độ tuổi phải sử dụng băng vệ sinh. Theo tính toán, mỗi phụ nữ tiêu tốn trung bình khoảng 40.000 đồng/tháng cho việc sử dụng băng vệ sinh, nghĩa là ngành này sẽ có quy mô hơn 1.500 tỉ đồng. Rõ ràng, thị trường của những sản phẩm “êm ái” là không hề nhỏ.

Cảm nhận được sức hút đó, Lolita là một thương hiệu băng vệ sinh vừa được Công ty I.S.P ra mắt thị trường. Theo bà Nguyễn Hiệp Phương Trang, Tổng Giám đốc I.S.P, thì nhà máy sản xuất hiện đặt tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc A. Sau hơn một năm xây dựng và lắp đặt, 3 dây chuyền sản xuất có công suất 400 triệu sản phẩm/năm đã hoàn thành và chính thức đưa sản phẩm của Công ty ra thị trường.

Tuy là một thương hiệu nội, nhưng các sản phẩm mang tên Lolita đều sử dụng 100% nguyên liệu nhập từ nước ngoài như bông dẫn thấm fluff pulp của Weyer Heauser (Mỹ), màng thoát khí của Daemyung (Hàn Quốc), mùi hương của Behnmeyer (Đức)... Tuy nhiên, so với các thương hiệu đã có mặt trên thị trường, Lolita cũng chưa tạo ra sự đột phá để thành công ở thị trường hiện nay.

Thị trường băng vệ sinh tại Việt Nam có quy mô hơn 1.500 tỉ đồng/tháng.

Dù vậy, việc dám tham gia vào và cạnh tranh với những tên tuổi đã có chỗ đứng như Kotex hay Diana đã có thể được xem là một bước đi mạnh dạn của I.S.P. Ông Bùi Trọng Hiếu, đại diện Bicma Hygiene Tecchnology (Ðức), đơn vị chuyển giao công nghệ cho I.S.P., cho biết đây cũng là lần đầu Hãng hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, bà Trang, I.S.P., cho biết Công ty cũng sẵn sàng cho việc đầu tư, mở rộng nhà máy để nâng cao công suất. “Chúng tôi đã chủ động kế hoạch cho việc lắp đặt thêm 2 dây chuyền sản xuất để kịp thời cung cấp cho thị trường”, bà nói.

Thực tế cho thấy, dòng sản phẩm có tính nhạy cảm như băng vệ sinh vốn không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Và để thành công, phải có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ tiên tiến của nước ngoài và khả năng am hiểu thị trường, đặc tính tâm sinh lý người tiêu dùng tại chỗ.

Diana là một ví dụ. Xuất hiện rất sớm từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư lên đến 600.000 USD, thương hiệu Diana của Công ty Cổ phần Diana đã đạt giá trị 200 triệu USD khi chào bán năm 2011. Kết quả đó có được là nhờ Diana đã mạnh tay chi từ 9-13% doanh thu để quảng bá sản phẩm trên thị trường và chăm sóc các đại lý bán lẻ, trở thành đối thủ ngang ngửa với thương hiệu Kotex đến từ Mỹ.

Nhưng trên đường đua dài, các doanh nghiệp Việt Nam luôn tỏ ra yếu thế và bị động ngay cả trên sân nhà. Diana cũng không ngoại lệ. Vốn ít không thể sống mãi bằng tín dụng, mà so với Kotex thì Diana thua hẳn về mặt tài chính. Muốn tăng trưởng bền vững và tăng cường lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải chọn 1 trong 3 con đường. Một là tiếp tục tự thân vận động bằng các nguồn vốn vay ngân hàng. Hai là phát hành cổ phiếu ra công chúng. Lựa chọn cuối cùng là sáp nhập với đối tác chiến lược mạnh. Cuối cùng, Diana cũng đã về tay Unicharm (Nhật).

Rõ ràng, gia nhập thị trường trong giai đoạn hiện nay quả là bài toán khó đối với một thương hiệu mới như Lolita. Lựa chọn phân khúc nào để tạo chỗ đứng, tính chuyện tồn tại lâu dài? Có lẽ thị trường nông thôn sẽ là cánh cửa dễ mở nhất đối với một thương hiệu mới trong lĩnh vực này. Và sau khi đã có chỗ đứng trên thị trường, họ có thể dùng đòn bẩy đối tác chiến lược để tiếp tục phát triển.

Bảo Ngọc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư