Burger King – Biến bản sao thành nguyên bản

Ra đời sau nhưng giờ đây Burger King đã trở thành đối thủ đáng gờm của McDonald’s. Điều gì đã làm cho thương hiệu này thành công đến như vậy?

Trong thế giới thương hiệu, Burger King ra đời từ sự sao chép ý tưởng về sản phẩm của thương hiệu khác. Nhưng rồi nó đã nhanh chóng phát triển thành một thương hiệu danh giá đến mức đủ để trở thành kỳ phùng địch thủ với chính nguyên bản của nó.

Chặng khởi nguồn bị bỏ qua

Theo lịch sử chính thức của Burger King, thương hiệu này ra đời năm 1954 và hai người sáng lập ra nó là David Edgerton và James McLamore. Chặng khởi nguồn của thương hiệu này không hiểu vì sao bị cố tình bỏ qua. Thật ra, Burger King được gây dựng từ năm 1953 khi hai thương gia là Keith Kramer và Mathew Burns cùng nhau lập quán đồ ăn nhanh theo ý tưởng kinh doanh của McDonald’s ở thành phố Jackdobsville, bang Florida (Mỹ). Quán ăn của họ có tên là Insta-Burger King. David Edgerton và James McLamore là hai trong số những người kinh doanh theo phương thức mua thương hiệu. Họ đã mua quyền sở hữu thương hiệu năm 1954 khi Keith Kramer và Mathew Burns gặp khó khăn về tài chính, rồi sau đó sửa đổi tên thương hiệu thành Burger King.

David Edgerton và James McLamore

Cũng cho tới tận bây giờ, hãng này vẫn chưa đưa ra lời giải thích chính thức nào về nguồn gốc tên gọi của thương hiệu. Vì thế, giới viết và nghiên cứu lịch sử thương hiệu thiên về giả thiết sau về nguồn gốc tên thương hiệu Burger King. King trong tiếng Anh có nghĩa đen là nhà vua, nghĩa bóng là to lớn hoặc đứng đầu. Burger là viết tắt và gọi tắt của Hamburger, loại bánh mỳ kẹp thịt bò nướng (hoặc rán) cùng rau sống. Sản phẩm giống nhau về ý tưởng, nhưng McDonald’s đi trước và gọi nó là bánh McDonald’s. Keith Kramer và Mathew Burns đi sau, sao chép ý tưởng và đặt tên là Burger King, hàm ý không chỉ to nhất mà còn tốt nhất trong các loại hamburger.

Sản phẩm cụ thể là đồ ăn nhanh và cấu trúc sản phẩm cụ thể là bánh mỳ kẹp thịt và rau là sao chép duy nhất của Burger King từ McDonald’s. Còn ngoài ra, Burger King gây dựng nên bản sắc đặc thù của riêng mình. Hơn thế nữa, nó còn nhanh chóng vươn lên đứng thứ hai thế giới, chỉ sau McDonald’s về đồ ăn nhanh, thậm chí còn trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của chính McDonald’s.

Bản sắc riêng nổi bật nhất của Burger King là thịt bò không được làm chín bằng cách rán trên chảo mà bằng cách nướng trên lửa. Nhờ thế, tuy là đồ ăn nhanh, nhưng Burger King lại không phải “sản xuất hàng loạt”. Burger King nhấn mạnh sự khác biệt giữa “ăn” và “thưởng thức”. Ăn bằng miệng, trong khi để thưởng thức thì còn cần cả sự cảm nhận bằng đôi mắt và tâm lý.

Ẩm thực đại chúng và phong cách riêng

Đồ ăn nhanh vốn là dạng ẩm thực đại chúng, được hiểu nôm na là không được đắt, phải đơn giản và dành cho số đông. McDonald’s đã rất thành công khi định hướng chiến lược kinh doanh và phát triển thương hiệu vào những tiêu chí này. Cũng cần phải nói thêm rằng, đồ ăn nhanh đáp ứng một trong những nhu cầu bẩm sinh của xã hội hiện đại, giống như một trong những mốt thời thượng. Xã hội càng phát triển và hiện đại càng làm thay đổi cách sống của con người và càng làm tăng chứ không giảm nhu cầu của con người về đồ ăn nhanh. Burger King không đi tiên phong mà thật ra chỉ tận dụng định hướng kinh doanh đã được McDonald’s khai phá và thực hiện rất thành công. Nhưng Burger King ý thức được rằng, thương hiệu chỉ có tương lai bền vững khi phải khác McDonald’s chứ không phải là một McDonald’s thứ hai. Và Burger King đã tìm ra bí quyết thành công riêng cho mình là biến đồ ăn nhanh thành một phong cách ẩm thực. Đó cũng là sự khác biệt cơ bản thứ hai giữa Burger King và McDonald’s.

Cung cách chế biến chỉ là một. Bước ngoặt quyết định thứ hai là việc cho ra đời sản phẩm Whopper năm 1957. Chỉ cần nhìn vào hình ảnh thực khách phải dùng đến cả hai bàn tay khi ăn bánh Whopper của Burger King cũng có thể thấy sự khác biệt so với McDonald’s. Cũng là đồ ăn nhanh thật đấy, vẫn phải ăn theo đúng cách của nó, nhưng không có nghĩa là ăn vội vàng mà vẫn phải có chút tỷ mỷ và kiểu cách; phải dành chút thời gian nhất định để tập trung vào ăn. Hay nói cách khác, ở Burger King, ăn là phải thưởng thức. Nhờ thế, ẩm thực không chỉ rèn tính cách mà còn góp phần tạo ra phong cách. Phong cách ấy lại không hề khuôn mẫu hay đơn điệu. Mỗi thực khách tự tạo nên phong cách thưởng thức riêng hoặc tự thử nghiệm nhiều phong cách thưởng thức khác nhau.

Tính đến cuối năm 2014, Burger King có hơn 13.000 cửa hiệu ở 95 quốc gia trên toàn thế giới.

Mở rộng thị trường và thâu tóm đối thủ cạnh tranh cũng được Burger King thực hiện trong quá trình phát triển thương hiệu. Tính đến cuối năm 2014, Burger King có hơn 13.000 cửa hiệu ở 95 quốc gia trên toàn thế giới. Nếu rồi đây kế hoạch thâu tóm chuỗi cửa hiệu Tim Hortons của Canada thành công thì Burger King sẽ sở hữu hơn 18.000 cửa hiệu ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Thời gian gần đây, Burger King gặp tai tiếng về vệ sinh an toàn thực phẩm và điều kiện làm việc của người lao động ở một vài nơi khiến uy tín của thương hiệu bị ảnh hưởng và mất khách hàng. Thái độ cầu thị và mức độ quyết liệt trong quá trình giải quyết khủng hoảng đã giúp thương hiệu này hạn chế được tổn hại, không để cho tai tiếng gây nguy hiểm thực sự tới danh tiếng mà nó đã có được. Bài học mà Burger King rút ra được từ những tai tiếng và bê bối không chỉ quý giá đối với chính họ mà còn đối với cả thế giới thương hiệu.

Ngư Phủ
Nguồn Doanh Nhân Online