Virginia Rometty: Những bước đi chiến lược cấp bách

Virginia Rometty: Những bước đi chiến lược cấp bách

Nhân viên ngồi xung quanh những cái bàn dài và trước những màn hình lớn; những người khác thì ngồi trên các chiếc ghế dài màu cam tươi; trên tường thì chi chít các miếng giấy viết ghi chú những câu đại loại như “Tôi hạnh phúc” hoặc “Hãy là chính bạn”.

Với cách bài trí này, những tưởng văn phòng nằm trong một tòa nhà ở trung tâm London này là của một công ty internet mới thành lập. Nhưng không phải, nó là của IBM, một tập đoàn công nghệ thông tin từ lâu nổi tiếng có văn hóa khá bảo thủ, nhân viên luôn ăn mặc chỉn chu trong những bộ vest công sở màu xanh.

“Phòng lab trải nghiệm tương tác” mới nói trên chỉ là một trong số 12 văn phòng tương tự như thế trên khắp thế giới, nơi các nhóm nhân viên của IBM và khách hàng cùng nhau nghĩ ra những ứng dụng và dịch vụ trực tuyến mới. Tổng Giám đốc Virginia Rometty của IBM kỳ vọng những dự án như vậy sẽ giúp Tập đoàn lấy lại đà tăng trưởng sau nhiều quý giảm mạnh.

Thế nhưng, trong khi những dự án mới chưa cho thấy trái ngọt thì các mảng kinh doanh hiện tại của IBM, đặc biệt là phần cứng và mảng dịch vụ và phần mềm, tiếp tục sa sút.

Hôm thứ Ba tuần qua, Tập đoàn cho biết lãi ròng quý IV/2014 đã giảm 11%, trong khi doanh thu giảm gần 12%, dưới mức dự báo của phố Wall. Đây là quý thứ 11 liên tiếp IBM không thể tạo ra được sự tăng trưởng về doanh thu.

Trước tình trạng doanh thu sụt giảm nhiều quý, hồi tháng 10 vừa qua, IBM đã từ bỏ mục tiêu EPS (lợi nhuận mỗi cổ phiếu) đặt ra bấy lâu nay: đạt ít nhất 20 USD/cổ phiếu trong năm 2015. Tuần qua, Tập đoàn dự báo EPS năm 2015 sẽ chỉ đạt 15,75-16,50 USD/cổ phiếu, thấp hơn mức ước tính trung bình 16,51 USD/cổ phiếu của phố Wall.

Với sự trượt dốc này, giới chuyên gia dự báo IBM sẽ mất một thời gian dài mới có thể quay trở lại đường đua. Tập đoàn sẽ không đến nỗi mấp mé bờ vực nguy hiểm như thời kỳ đầu thập niên 1990 sau khi các khách hàng IT trong giới doanh nghiệp chuyển hướng từ máy tính mainframe sang máy tính cá nhân và máy chủ.

Thế nhưng, ngành này giờ lại đang trải qua một cuộc thay đổi sâu rộng khác: thay vì đầu tư mua máy tính, doanh nghiệp đang có xu hướng thuê dịch vụ máy tính trên nền tảng đám mây.

Để hiểu được tính chất sâu rộng của cuộc chuyển đổi lần này, hãy xem ví dụ về máy tính mainframe. Những chiếc máy tính này, cùng với các dịch vụ và phần mềm liên quan, vẫn tạo ra 24% doanh thu và 35% lợi nhuận của Tập đoàn, theo chuyên gia Toni Sacconaghi của hãng nghiên cứu Sanford C. Bernstein.

Mainframe là cái mà các chuyên gia tư vấn gọi là “các hệ thống hồ sơ”. Các ngân hàng, chẳng hạn, sử dụng loại máy tính này để quản lý tài khoản khách hàng.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng, vào ngày 13/1. IBM đã tung ra một phiên bản máy tính mới có thể xử lý 30.000 giao dịch chỉ trong 1 giây, phân tích và lập mã dữ liệu trong chớp nhoáng.

Những đặc tính như vậy có ích trong thời đại đám mây và công nghệ di động hiện nay: mọi người ngày càng xử lý các giao dịch ngân hàng và nhiều thứ khác trên điện thoại thông minh.

Trong thời đại này, quyền lực đang chuyển từ các kỹ sư phần cứng sang cho các nhà phát triển phần mềm. Và bây giờ, giám đốc IT (CIO) không còn là người nắm hầu bao của doanh nghiệp, mà người quyết định chi tiêu chính là giám đốc marketing.

Theo hãng nghiên cứu Mỹ Gartner, đến năm 2017 giám đốc marketing sẽ chi tiêu vào các dịch vụ IT nhiều hơn cả các CIO của họ; và họ sẵn sàng trả tiền để có được số liệu phân tích cụ thể, chẳng hạn như mức tăng trưởng doanh số bán đạt được, bằng cách sử dụng phần mềm phân tích.

Tất cả những điều này có nghĩa là các tập đoàn công nghệ lâu đời như IBM (và cả HP, Oracle và SAP) phải nghĩ lại cách thức hoạt động. Họ sẽ phải tạo ra một môi trường làm việc thu hút được những người trẻ tuổi (như phòng lab trải nghiệm tương tác của IBM ở London và những nơi khác), bắt tay với khách hàng cùng phát triển sản phẩm mới và trở nên nhanh nhẹn hơn để bắt kịp với các công ty mới thành lập, theo chuyên gia Ralf Dreischmeier của hãng tư vấn Boston Consulting Group.

IBM đã có xuất phát điểm khá chậm trễ chủ yếu là vì trong một thời gian dài Tập đoàn quá chú ý đến việc làm sao đạt được các mục tiêu tài chính. Thay vì chuẩn bị sẵn sàng cho một thời đại mới, IBM lại tiếp tục cắt giảm chi phí, mua lại cổ phiếu quỹ và bỏ đi các bộ phận có biên lợi nhuận thấp như máy chủ cấp thấp và sản xuất chip. Nhưng điều này bắt đầu thay đổi vào năm 2013 khi Tập đoàn mua lại SoftLayer, một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.

Amazon hiện là người chơi lớn nhất trên thị trường đám mây toàn cầu với 27% thị phần, theo sau là Microsoft với 10%, trong khi IBM chỉ chiếm 7% (số liệu quý III/2014).

Hiện tại, Rometty đang định hướng Tập đoàn tập trung vào cái mà bà gọi là “những bước đi chiến lược cấp bách”. Những bước đi này bao gồm các dịch vụ đám mây, công nghệ phân tích, an ninh và các bộ phận có liên quan đến thiết bị di động và các mạng xã hội.

Để triển khai nhiệm vụ này, năm ngoái, Tập đoàn đã bắt tay với Apple và Twitter để phát triển các ứng dụng di động phục vụ đối tượng khách hàng doanh nghiệp và khai thác dữ liệu mạng xã hội.

Rometty cũng sắp xếp lại tổ chức hoạt động. Đầu tháng 1, IBM đã tạo ra các đơn vị tách bạch ở những mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất như phân tích dữ liệu. Mục đích là giúp các bộ phận này có thể tập trung hơn và phát triển nhanh hơn, nhằm cạnh tranh với các đối thủ trẻ nhanh nhạy.

Liệu những thay đổi này có đủ để Rometty đưa IBM lội ngược dòng? Theo Steven Milunovich, chuyên gia phân tích của UBS (Thụy Sĩ), sẽ phải mất thêm 3-4 năm nữa để các mảng mới của IBM, như mảng cung cấp dịch vụ đám mây, mang lại nguồn thu nhiều hơn các mảng kinh doanh cũ như dịch vụ IT. Thế nhưng, ông Milunovich rất lạc quan khi cho rằng IBM sẽ vượt qua được cuộc chuyển mình lần này của ngành công nghệ.

Canh bạc đặt cược dài hạn vào Watson - một hệ thống máy tính có trí thông minh nhân tạo - của IBM vẫn có thể trở thành một lĩnh vực kinh doanh lớn.

Và canh bạc đặt cược dài hạn vào Watson - một hệ thống máy tính có trí thông minh nhân tạo - của IBM vẫn có thể trở thành một lĩnh vực kinh doanh lớn. Tập đoàn hiện vẫn tiếp tục rót tiền vào nghiên cứu: 2014 là năm thứ 22 liên tiếp IBM là đơn vị được cấp bằng sáng chế nhiều nhất nước Mỹ.

Thế nhưng, một số chuyên gia phân tích khác lại vẽ ra một viễn cảnh bi quan hơn: IBM vẫn bị kiềm chân bởi các mảng kinh doanh cũ như phần cứng (doanh thu từ các hệ thống máy chủ Power và hệ thống mainframe giảm lần lượt 13% và 26% trong quý IV/2014), dù Tập đoàn đã giảm dần sự lệ thuộc vào mảng này (như bán bộ phận máy chủ cấp thấp cho Lenovo).

Trong khi đó, tính sinh lợi của Tập đoàn thì giảm xuống do bộ phận dịch vụ đám mây mang lại biên lợi nhuận thấp hơn các dịch vụ IT được thiết kế theo yêu cầu khách hàng mà IBM cung cấp xưa nay. Ngay ở mảng điện toán đám mây, IBM cũng dần dần mất khách hàng vào tay các người chơi mới như Amazon. Theo Synergy Research Group, Amazon hiện là người chơi lớn nhất trên thị trường đám mây toàn cầu với 27% thị phần, theo sau là Microsoft với 10%, trong khi IBM chỉ chiếm 7% (số liệu quý III/2014).

Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, áp lực sẽ rất lớn cho Rometty vì bà sẽ phải đưa ra các biện pháp ráo riết hơn để tránh một kết cục u ám cho gã khổng lồ này.

Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, áp lực sẽ rất lớn cho Rometty vì bà sẽ phải đưa ra các biện pháp ráo riết hơn để tránh một kết cục u ám cho gã khổng lồ này. Hiện tại, nhà đầu tư đang nôn nóng trước tình trạng doanh thu tiếp tục sụt giảm.

“IBM cần phải làm cho doanh thu tăng trưởng. Chúng tôi muốn biết Rometty sẽ đưa ra kế hoạch như thế nào”, Dan Morgan, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao của Synovus Securites Inc, vốn quản lý khoảng 10,2 tỉ USD giá trị tài sản, trong đó có cổ phiếu của IBM, nói.

Ngô Ngọc Châu/Tổng Hợp
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn