Thời trang Việt Thua trên sân nhà

Thị trường nội địa với 90 triệu dân dĩ nhiên rất tiềm năng. Tuy nhiên, các thương hiệu may mặc, thời trang Việt Nam lại luôn đứng trước những cơn sóng cạnh tranh dập dồn. Vì đâu?

Cơn sóng những sản phẩm trung bình từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc lan khắp các tỉnh thành. Cùng với đó cơn sóng của những thương hiệu thời trang cao cấp từ những nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản phủ kín những trung tâm mua sắm lớn tại các thành phố lớn. Cục diện của ngành may mặc, thời trang Việt Nam là thế, ngay cả khi chúng ta chưa tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Xuất khẩu nhiều

Tại sự kiện thời trang lớn VIFF 2014 (Vietnam Fashion Fair) diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Eric Duy Huỳnh, Quản lý cao cấp của Sun FDS Holdings (trụ sở tại Causeway Bay, Hong Kong) cho biết, nếu tính gộp toàn thị trường thì tại thời điểm này tổng doanh thu bán lẻ thời trang tại Việt Nam vào khoảng 100.000 tỷ đồng trong năm 2014 – một con số cuốn hút bất kỳ hãng thời trang quốc tế lớn nào. Năm nay, VIFF vẫn là sự kiện trọng đại với sự góp mặt của trên 200 thương hiệu, phần lớn là những công ty lớn, có bề dày trong ngành dệt may Việt Nam – những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm dệt may hàng đầu.

Việt Nam luôn đứng trong top những quốc gia xuất khẩu sản phẩm dệt may

“Việt Nam luôn đứng trong top những quốc gia xuất khẩu sản phẩm dệt may, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, những năm vừa qua sản phẩm dệt may Việt Nam luôn đạt kim ngạch xuất khẩu 15 – 20 tỷ USD mỗi năm. Có nhiều tổng công ty lớn, tiềm lực rất mạnh, nhưng rất tiếc họ không có kinh nghiệm và nhân lực để chinh phục thị trường trong nước”, ông nói.

Theo doanh nhân này, những năm gần đây các doanh nghiệp tham gia VIFF lần này chỉ đóng góp từ 10 đến 15 ngàn tỷ đồng mỗi năm, trên tổng sức mua cỡ 100 ngàn tỷ đồng tại thị trường trong nước, tức chiếm khoảng hơn 10% thị phần.

Nhưng chưa vươn tới cấp độ thời trang

Quan sát tổng thể, có thể thấy VIFF thực tế vẫn là Hội chợ Dệt May, bởi cả không khí của sự kiện cũng như các sản phẩm được trưng bày không thực sự hợp mốt. Có lẽ chỉ có “3 ngôi sao” là VTEC Việt Tiến, NBC May Nhà Bè, Eternity GrusZ tỏa sáng – quá ít trên bầu trời VIFF 2014.

Đây chính là cuộc đua về truyền thông thương hiệu, nhưng hầu hết các thương hiệu thời trang Việt Nam đã… hụt hơi trước khi xung trận.

Đây chính là lý do các kỳ hội chợ không thể thu hút được những người yêu thời trang, không tạo ra một ngày hội để những tín đồ thời trang đến tìm cho mình những món đồ hợp mốt với sự sáng tạo mới mẻ. Cho đến nay VIFF chỉ “kéo” được những khách hàng dễ tính, đơn giản đến tham quan và tìm cho mình những bộ quần áo vừa mắt với giá phù hợp. Những thương hiệu nhỏ, không có tiềm lực mạnh thì coi đây như một cơ hội để tiêu thụ hàng hóa, nhưng hầu như là sản phẩm bình dân hoặc tồn dư. Những doanh nghiệp lớn thì coi đây là cơ hội để quảng bá thương hiệu chứ không chú trọng đến vấn đề tiêu thụ vì dàn dựng một khu trưng bày thường rất tốn kém, lượng khách và sức mua ít ỏi tại đây sẽ không đủ bù vốn. Theo quy luật, doanh nghiệp không thể quảng bá mãi với người tiêu dùng về những thứ họ đã biết. Vì thế, đây chính là cuộc đua về truyền thông thương hiệu, nhưng hầu hết các thương hiệu thời trang Việt Nam đã… hụt hơi trước khi xung trận.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của người trong cuộc, ông Eric Duy Huỳnh vẫn cho rằng, đây là một cơ hội để cập nhật rõ nét những tiến bộ công nghệ của những doanh nghiệp Việt Nam hàng năm một cách tổng quát và tìm kiếm đối tác phù hợp nhất. Còn với các thương hiệu thì sao? “VTEC Việt Tiến, NBC May Nhà Bè mang đến những sản phẩm có chất lượng gia công rất cao và ổn định. Thậm chí chỉ cần nhìn sản phẩm của hai công ty này thì bất cứ công ty may mặc lớn nào cũng thèm muốn một chất lượng như vậy. Rất hoàn hảo! Còn Eternity GrusZ – với phong cách cao cấp – có lẽ đã chọn chưa đúng chỗ để trình diễn, vì như đã nêu trên, người tiêu dùng tại VIFF đang thuộc phân khúc hơi khác với định vị của họ. Nhưng cũng không loại trừ khả năng họ đang “gieo” một phép thử với thị trường”, vẫn chuyên gia này phân tích.

Dù vậy, GrusZ mang đến một không khí và cấu trúc sản phẩm có tính thời trang rất cao và đồng nhất, điều này chứng tỏ họ là công ty sở hữu một mô hình đáp ứng ODM (Original Designed Manufacturer) chạy đúng nhịp. Đây là điều hết sức cần thiết cho sự phát triển lâu dài và không phải doanh nghiệp thời trang nào cũng dám theo đuổi. GrusZ cũng cho thấy một phương thức tiếp thị tại gian hàng một cách khôn ngoan và tinh tế.

Ngoài gian hàng ấn tượng, hấp dẫn, GrusZ thuê hẳn một đội người mẫu nước ngoài phục vụ suốt thời gian triển lãm. Câu chuyện ở đây là những người mẫu này không chỉ trình diễn mà còn trực tiếp mặc và thường xuyên thay đổi các trang phục để khách hàng dễ dàng hình dung về ứng dụng của sản phẩm, từ đó nhanh chóng đưa ra quyết định. Chủ trương của doanh nghiệp này cũng khá đặc biệt ở chỗ, họ không lựa chọn những người mẫu với “hình thể trong mơ” mà đưa người mẫu trở về với vai trò đúng nghĩa của họ, giới thiệu các trang phục một cách sinh động và chuyên nghiệp.

Thiết nghĩ, phát biểu của ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn luôn đúng: “Ngành dệt may vẫn phải bám vào 4 yếu tố: chất lượng, giá cả, tốc độ cung ứng cho thị trường, dịch vụ và sau bán hàng”. Cần nói rõ thêm là yếu tố chất lượng được hiểu toàn diện, bao gồm thiết kế mẫu mã, chất lượng sản phẩm, chất lượng xây dựng thương hiệu và cả chất lượng tổ chức phân phối. Đạt được những yếu tố này doanh nghiệp nội mới hy vọng giữ vững và gia tăng thị phần ngay tại sân nhà.

Hoài Anh
Nguồn Doanh Nhân Online