Cơ hội kinh doanh mới từ công nghệ

Doanh nghiệp ngày nay không thể tiếp tục xem nhẹ mô hình trực tuyến và di động, bởi xu hướng mới sẽ cạnh tranh với mô hình truyền thống.

Hà là một bạn trẻ thành thị. Hà hẹn nhóm bạn vừa đi du học về qua Viber, đến chỗ hẹn bằng xe hơi đặt qua Uber, thường xuyên mua hàng qua internet và hay chia sẻ thông tin sản phẩm trên mạng xã hội ngay khi nhận được hàng. Ðây là ví dụ của ít nhất 3 xu hướng: cơ cấu dân số vàng của Việt Nam; số lượng người Việt dùng internet và điện thoại thông minh tăng nhanh; và sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Nhưng liệu các doanh nghiệp đã biết được Hà cần gì và làm thế nào để kinh doanh từ những nhu cầu của người dùng mới này hay chưa?

Nền kinh tế chia sẻ

Câu chuyện đình đám nhất về mô hình kinh doanh mới trong năm ngoái chắc chắn phải là ứng dụng gọi xe Uber. Dù có nhiều luồng ý kiến trái chiều về dịch vụ kiểu Uber, nhưng điều đáng chú ý là công ty này đã tận dụng được vụ lùm xùm để gây tiếng vang vượt ra khỏi nhóm người dùng thích thử cái mới đến nhóm người dùng đại chúng chỉ trong vài tuần.

Giới trẻ thì tin rằng dùng Uber là sành điệu, còn những người lớn tuổi ít dùng điện thoại thông minh cũng bắt đầu hỏi Uber là gì. Thậm chí đối với không ít người, Uber mặc nhiên được mang ra so sánh với 2 ông lớn taxi là Vinasun và Mai Linh về nhận diện hình ảnh trong lĩnh vực vận tải hành khách (dù Uber không phải công ty vận tải), điều chưa có đơn vị nào làm được.

Uber có doanh thu lớn ở thị trường Việt Nam hay không thì chưa rõ, nhưng điều chắc chắn là kinh doanh dựa trên “nền kinh tế chia sẻ” giống như mô hình gốc của Uber chắc chắn là xu thế đang phát triển.

Airbnb, mô hình chia sẻ chỗ ở trống nổi tiếng thế giới, cũng đã có mặt tại Việt Nam. Hiện công ty này đã đặt quảng cáo trực tuyến hướng đến thị trường Việt Nam; và đã có khá nhiều chủ bất động sản trong nước dùng dịch vụ này để thu hút khách ngoại quốc. Kinh tế chia sẻ đang phát triển, liệu ứng dụng mô hình nào sẽ phù hợp cho công ty của mình đang là câu hỏi được không ít doanh nhân đặt ra.

Nhắn tin qua mạng

Các sản phẩm nhắn tin qua mạng như Viber, Whatsapp, Zalo đang được rất nhiều người Việt dùng miễn phí qua kết nối Wifi và 3G. Điều này đồng nghĩa với việc càng ít người sử dụng tin nhắn SMS của nhà mạng.

Năm 2013, lần đầu tiên báo chí Việt Nam công bố những lo ngại về sự sụt giảm doanh thu tin nhắn của nhà mạng. Đây là kết quả của 2 hiện tượng: nhà mạng đầu tư hạ tầng để các ứng dụng nhắn tin qua mạng hưởng lợi; và mảng kinh doanh mới là kết nối 3G đã gặm vào mảng kinh doanh truyền thống là thu phí tin nhắn.

Trước áp lực đó, Vinaphone và Viettel lần lượt cho ra đời các ứng dụng nhắn tin qua mạng là Viettalk và Mocha vào cuối năm 2014. Trước đó, Viettel từng hỏi mua ứng dụng nhắn tin Zalo của VNG nhưng đã bị từ chối. Kết cục cuộc chiến giữa các ứng dụng nhắn tin qua mạng ra sao vẫn chưa ngã ngũ, nhưng người dùng rõ ràng sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Cuộc chơi trực tuyến

Ngày càng có nhiều người trẻ đến hiệu sách để xem lướt các đầu sách mới rồi mới quyết định mua. Nhưng họ không mua giá bìa tại hiệu sách, mà lại chọn cách mua trực tuyến ở những website như Tiki hay Vinabook với giá luôn được giảm so với giá bìa.

Lúc này, các chuỗi kinh doanh sách vẫn phải phục vụ những khách hàng sành công nghệ nhưng không thu được doanh số từ họ. Nhìn rộng hơn, khá nhiều cửa hàng truyền thống đang phải gánh chi phí trải nghiệm sản phẩm cho các đơn vị kinh doanh trực tuyến. Tham gia vào cuộc chơi internet hay để doanh số dần bị nhấm nháp sẽ là bài toán quan trọng mà các nhà bán lẻ truyền thống bắt đầu phải tính đến.

Truyền thông xã hội

Những người trẻ rất sẵn lòng chia sẻ đánh giá của họ về chất lượng sản phẩm và dịch vụ trên internet, thông qua mạng xã hội và các diễn đàn. Người tiêu dùng không chỉ tiếp nhận thông tin một chiều từ báo chí, truyền hình hay quảng cáo nữa, mà họ còn tham khảo ý kiến bạn bè trước khi mua hàng.

Khi dịch vụ được những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng đánh giá, tự khắc sản phẩm đó sẽ được lan truyền trên mạng. Chi phí để được quảng bá là rất tiết kiệm so với marketing truyền thống. Tuy nhiên, mọi sai sót cũng sẽ bị nhiều người biết nhanh chóng. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án để tận dụng sức mạnh internet cũng như xử lý khủng hoảng nảy sinh từ môi trường này.

Có thể nói, khi giá bán điện thoại thông minh ngày càng giảm và hạ tầng viễn thông ngày càng hiện đại thì những xu thế kể trên chắc chắn sẽ phát triển không ngừng. Doanh nhân ngày nay đã không thể tiếp tục xem nhẹ mô hình kinh doanh trực tuyến và di động, bởi vì những xu hướng mới sẽ cạnh tranh trực tiếp với các mô hình kinh doanh truyền thống.

Đối với những công ty lớn có vốn mạnh và kinh nghiệm trận mạc, họ hoàn toàn có thể nhảy vào phát triển mảng kinh doanh mới; đầu tư cho nhóm khởi nghiệp bên trong doanh nghiệp; hoặc đầu tư vào công ty khởi nghiệp tiềm năng. Ví dụ, Nguyễn Kim đã và đang khai thác hiệu quả mảng kinh doanh trực tuyến với hệ thống cửa hàng riêng; hay việc Tập đoàn FPT luôn chú ý đầu tư vào các vườn ươm ý tưởng nội bộ...

Trong khi đó, lại có không ít cơ hội mở ra cho các công ty khởi nghiệp trẻ. Mỗi mô hình kinh doanh mới ra đời sẽ cần một hệ sinh thái hoàn chỉnh bổ trợ theo sau. Các nhóm khởi nghiệp có thể tìm đến những công đoạn chưa được khai thác trong chuỗi giá trị mới. Đơn cử như dịch vụ giao hàng nhanh ra đời để giải quyết bài toán kho vận và chuyển hàng cho kinh doanh trực tuyến; các công ty quảng cáo mới như Moore Corp chuyên khai thác kênh trực tuyến; hoặc công ty cung cấp dịch vụ phân tích và khai thác tối đa dữ liệu mà các tập đoàn lớn thu thập được từ khách hàng.

(Giám đốc Đầu tư Công ty TNL International)

Trần Tuấn Tài
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư