Cuộc đua ở khoang hạng nhất

Cuộc chiến giữa các hãng hàng không đang diễn ra rất khốc liệt trong… khoang hạng nhất của máy bay. Khi bay ở hạng nhất, hành khách sẽ được bếp trưởng phục vụ món ăn theo yêu cầu và có cả giường cho các cặp đôi.

Không chỉ có thế, để làm hài lòng các vị khách VIP lắm tiền này, các hãng hàng không còn đưa cả… căn hộ cao cấp vào khoang hạng nhất, kèm theo đó là một vị quản gia được đào tạo bài bản để chăm sóc “chủ nhân” của căn hộ.

Hãng hàng không đưa căn hộ vào máy bay chính là Etihad Airways. Cuối tháng 12 vừa qua, hãng này đã giới thiệu đến khách VIP một căn hộ gần 12 m2 có tên “The Residence” trên các chiếc siêu máy bay Airbus A380. Căn hộ này có một quản gia riêng do khách sạn Savoy Hotel đào tạo. Những vị khách VIP muốn gọi món ăn, thức uống gì đều được phục vụ ngay. Ăn xong, họ có thể ngã lưng ở phòng khách xem tivi màn hình 32 inch, thư giãn trong phòng tắm riêng. Sau đó, về phòng ngủ nghỉ ngơi. Nói cách khác, bay khoang hạng nhất, họ sẽ có được sự riêng tư tuyệt đối, không bị ai quấy rầy, kể cả các phi hành đoàn.

Để tận hưởng sự riêng tư tuyệt đối như vậy, vị khách đó phải trả tới 20.000 USD và đây chỉ là giá vé một chiều cho chuyến bay suốt 8 giờ giữa London và Abu Dhabi của hãng hàng không Etihad. Đắt là thế nhưng ông James Hogan, Tổng Giám đốc Eithad, cho biết 50% chuyến bay đến London đã được đăng ký cho đến giữa tháng 1.2015.

Căn hộ The Residence được xây ngay mũi của chiếc máy bay 2 tầng Airbus A380. Dịch vụ này sẽ có trên các chuyến bay giữa Abu Dhabi - Sydney vào tháng 5 tới và Abu Dhabi - New York vào cuối năm 2015. Hành khách chọn dịch vụ The Residence có khá nhiều, từ các quan chức chính phủ cho đến nhà điều hành tại các công ty đầu tư lớn, những người nổi tiếng và cả một số hành khách giàu có.

Không chỉ Etihad mà các hãng hàng không trên khắp thế giới đều muốn có phần trong khoang hạng nhất này. Và với các dịch vụ đẳng cấp, họ hy vọng sẽ khiến các vị khách VIP này sẽ không còn thiết tha với việc sử dụng chuyên cơ riêng quá tốn kém. Nếu sử dụng phi cơ riêng bay từ New York đến Trung Đông, một người phải mất 100.000 USD chi phí, chưa kể phải dừng lại để tiếp nhiên liệu.

Không chỉ Etihad mà các hãng hàng không trên khắp thế giới đều muốn có phần trong khoang hạng nhất.

Ở khoang hạng thương gia, các hãng hàng không đã bố trí ghế ngồi lớn để hành khách được ngồi thoải mái và họ cũng được phục vụ tận tình cùng với thức ăn ngon. Nếu hạng thương gia đã được như vậy thì khách đi khoang hạng nhất phải được hơn thế. Vì thế, các hãng hàng không đã chú trọng nâng cao dịch vụ ở khoang hạng nhất để tạo sự khác biệt với hạng thương gia và khiến cho hành khách cảm thấy đáng đồng tiền khi phải trả tiền vé cao hơn. Tuy nhiên, chỉ trên những chiếc máy bay mới lớn hơn (và bay đường dài) như chiếc máy bay 2 tầng A380, các hãng hàng không mới có nhiều diện tích cabin để mặc sức “bày vẽ”.

Hãng Singapore Airlines, chẳng hạn, có loại phòng suite dành cho khách khoang hạng nhất trên các chiếc A380. Phòng được trang bị ghế ngồi lớn, giường gấp riêng biệt và cửa trượt có mành cửa sổ để tạo tính riêng tư. Tuy nhiên, các phòng suite này không có sự riêng tư tuyệt đối vì phòng không cách âm và các tiếp viên có thể nhìn thấy từ bên trên.

United Airlines và American Airlines cũng đã tăng tốc trong cuộc đua này, nhưng vẫn chưa tung ra dạng phòng suite khép kín hoàn toàn. Phòng Flagship Suite trên các chuyến bay quốc tế Boeing 777-300ER của American Airlines có ghế ngồi có thể quay được và kéo ra thành 1 chiếc giường, nhưng lại không có cánh cửa để đảm bảo tính riêng tư.

Các chiếc A380 của hãng Emirates thì có buồng tắm vòi hoa sen dành cho khách đi khoang hạng nhất. Tính tổng cộng, hành khách có tới khoảng 20 phút dùng vòi tắm. Chiếc máy bay chở hơn 600 lít nước uống để khách có thể dùng vòi sen, nghĩa là trọng lượng tăng thêm khoảng 500 kg. Con số này tương đương với chở thêm 5 hành khách nữa cùng với hành lý của họ.

Phó Chủ tịch cấp cao Hubert Frach của Emirates cho biết vì diện tích dành cho khách hạng nhất có giới hạn nên Emirates đang phát triển các sản phẩm cao cấp mới để khai thác tối đa khách hàng VIP. “Chúng tôi phải nghĩ cách để kiếm ra tiền”, ông nói.

Etihad cũng tuyên bố sẽ hái ra tiền từ các dịch vụ xa xỉ ở khoang hạng nhất. Etihad cho biết Airbus chuẩn bị giao 10 chiếc máy bay A380 và 10 chiếc máy bay này sẽ có 70 ghế ngồi hạng thương gia ở tầng trên, cùng với 9 phòng cabin hạng nhất và căn hộ The Residence. Các ghế ngồi hạng nhất mới trên chiếc A380 sẽ nằm gọn đằng sau các cánh cửa trượt và sẽ có thêm 74% không gian so với một cabin hạng nhất thông thường trên máy bay của Etihad.

Etihad cũng có một đội ngũ bếp trưởng để phục vụ cho hành khách đi khoang hạng nhất. Enrico Nanchioli, một bếp trưởng đến từ Turin, Ý đã làm việc cho các nhà hàng ở Thụy Sĩ, Đức, Brazil và Napa Valley (Mỹ), nói chuyện với hành khách về những món họ muốn được thưởng thức và sau đó sẽ làm ra món đó theo yêu cầu. “Nó giống như bạn sở hữu nhà hàng riêng của mình vậy”, ông Nanchioli nói.

Căn hộ The Residence gồm 3 phòng nằm ở tầng trên của chiếc A380, ngay phía trên buồng lái. Không gian này quá hẹp để có thể bán vé ngồi cho hành khách. Vì thế, một số hãng hàng không đã sử dụng nó như một phòng chờ có một chiếc ghế dài đặt dọc theo thành máy bay. Một số hãng hàng không khác lại dùng diện tích này để làm buồng tắm. Còn Etihad thì nghĩ đến việc sử dụng “không gian chết” này để làm căn hộ The Residence.

The Residence là “không gian riêng tư nhất trên bầu trời và chúng tôi luôn tôn trọng tính riêng tư của khách hàng”.

Các quản gia của The Residence, cũng giống như nhóm bếp trưởng của hãng hàng không này, đều được đào tạo nghiệp vụ như các tiếp viên hàng không, nhưng họ có nhiệm vụ riêng. Etihad đã cho 13 tiếp viên hàng không - tất cả đều được đào tạo để làm bếp trưởng, hoặc các nhà quản lý đồ ăn thức uống - tham gia khóa huấn luyện suốt 3 tuần ở London do các quản gia ở khách sạn Savoy Hotel đứng ra đào tạo. Trước khi máy bay cất cánh, các quản gia này sẽ gọi điện, hoặc đến gặp hành khách, hoặc trợ lý của ông ta/bà ta để tìm hiểu xem chủ nhân của căn hộ The Residence thích đồ uống, món ăn, tạp chí, báo và đồ dùng nhà tắm nào. “Nếu họ muốn tất cả mọi đồ dùng đều là của thương hiệu Chanel thì tất cả đều sẽ là Chanel”, Tomas Piroska, đến từ Slovakia, một trong những quản gia của hãng Etihad, cho biết.

Trong suốt chuyến bay, quản gia đó chỉ phục vụ cho mỗi hành khách ở The Residence. Qua chiếc iPad, quản gia có thể đặt bữa tối ở London khi đang trong chuyến bay, cũng có thể vá quần áo, đánh bóng giày dép, ủi quần áo và cả cắm hoa. Quản gia là người duy nhất được phép liên hệ với “chủ nhân” căn hộ The Residence và cũng giống như phòng khách sạn, họ phải gõ cửa trước khi bước vào. Một nữ phát ngôn viên của Etihad gọi The Residence là “không gian riêng tư nhất trên bầu trời và chúng tôi luôn tôn trọng tính riêng tư của khách hàng”.

Đàm Hoa
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư