Bánh kẹo: Chắc gì ngoại hơn nội!

Người tiêu dùng ngày càng chuộng bánh kẹo Việt nhờ chất lượng ngày càng nâng cao, mẫu mã, bao bì đa dạng, bắt mắt.

Bánh kẹo Việt đang phải đối đầu với bánh kẹo ngoại, đặc biệt sau khi Kinh Đô, một trong những doanh nghiệp (DN) nội có thị phần bánh kẹo lớn đã bán lại mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez. Các DN bánh kẹo nội đang đứng trước những thách thức không nhỏ, song cũng là cơ hội để khẳng định vị trí của mình.

Bánh kẹo Việt vẫn chiếm ưu thế

Chủ một DN bánh kẹo kể rằng khảo sát thị trường từ Nam Định đến Nghệ An, hầu như ít thấy bóng dáng bánh kẹo Trung Quốc. Người tiêu dùng (NTD) hiện có nhiều thông tin hơn qua sách báo, Internet… nên rất e dè khi mua sản phẩm Trung Quốc.

Tại chợ đầu mối Bình Tây (quận 6) và một số chợ lẻ khác mặc dù đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa tết song trên các kệ hàng bánh kẹo Trung Quốc không còn nhan nhản như trước đây.

Nhờ có giá cạnh tranh, chất lượng tương đương hàng ngoại nên bánh kẹo nội thu hút nhiều khách hàng. Ảnh: Tú Uyên

Cô Mai, chủ một sạp bánh kẹo ở chợ Bình Tây, chia sẻ mấy năm gần đây ít lấy bánh kẹo Trung Quốc về bán. Thêm nữa, các cơ sở bánh kẹo trong nước sản xuất nhiều nên riêng khu vực Hà Nội, mối lái cũng ít vào TP.HCM lấy hàng. Trước đây bánh kẹo đóng đi các tỉnh rất nhiều.

Thay cho bánh kẹo Trung Quốc, trên kệ hàng góp mặt đa dạng hàng Việt Nam với những cái tên na ná ngoại như Fantasy, Choice pie… Giá hộp giấy thấp nhất là 15.000 đồng/hộp, cao nhất là hơn 35.000 đồng/hộp. Hộp thiếc có giá từ 40.000 đồng đến khoảng 190.000 đồng/hộp.

Các tiểu thương cho biết mấy năm gần đây mối lái không mua hàng Trung Quốc vì sợ độc hại. Thay vào đó họ đặt các sản phẩm trong nước. Tại các hệ thống siêu thị, tỉ lệ bánh kẹo Việt và ngoại trung bình là khoảng 60/40.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết siêu thị đang kinh doanh 600 sản phẩm của 25 DN nội, chiếm hơn 95% các mặt hàng bánh kẹo. Giá hợp lý, sản phẩm chất lượng, minh bạch về thông tin nguồn gốc… đã giúp bánh kẹo nội chiếm ưu thế. Đại diện Lotte Mart cho hay tại siêu thị, tỉ lệ bánh kẹo Việt 56,75%, ngoại nhập 43,25%. Ưu điểm của hàng Việt là giá tốt.

Nếu DN Việt chịu khó cải tiến công nghệ và thực sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm thì sẽ không ngán bất kỳ đối thủ nào.

Còn ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C, thông tin tại hệ thống siêu thị bánh kẹo Việt chiếm khoảng 90% trong tổng ngành bánh kẹo. NTD ngày càng chuộng bánh kẹo Việt nhờ chất lượng ngày càng nâng cao, mẫu mã, bao bì bắt mắt hơn. Đặc biệt là giá thành phù hợp với túi tiền của NTD. Nhiều thương hiệu Việt cũng làm tốt công tác quảng bá, thương hiệu trở nên quen thuộc, giúp NTD dễ dàng lựa chọn.

Sẵn sàng cạnh tranh

Ông Lưu Huỳnh, đại diện công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên, cho biết gần đây các DN Thái Lan đã lấn sân vào Việt Nam. Họ đầu tư vào hệ thống bán lẻ, đây là một kênh thuận lợi để phân phối hàng. Còn bánh kẹo Indonesia, Malaysia chỉ nhập về bán chủ yếu dưới dạng đại lý, bán qua các kênh sỉ. Về công nghệ, kiểu dáng mẫu mã hàng ngoại có nhỉnh hơn, nhất là chất lượng bao bì của họ khá tốt. Riêng về chất lượng, hiện nay các DN Việt cũng không thua DN ngoại là bao. Nếu DN Việt chịu khó cải tiến công nghệ và thực sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm thì sẽ không ngán bất kỳ đối thủ nào.

Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Bibica, giải thích về vốn, tài chính, kinh nghiệm, marketing thì DN Việt không bằng DN ngoại. Tiềm lực tài chính DN nội không lớn để làm như các DN ngoại. Vì vậy mỗi DN đều có hướng đi riêng. Chẳng hạn nằm trong định hướng chiến lược, trước đây Bibica đã nhập dây chuyền thiết bị từ Âu Mỹ, nhà xưởng đều đạt chuẩn cùng đội ngũ nhân công có kinh nghiệm… “Ngoài ra, DN đi theo hướng tạo sự khác biệt, như mùa tết năm nay công ty cho ra bộ sản phẩm truyền thống Lạc Việt nhằm tiếp tục khẳng định được thương hiệu Việt”, ông Thiện nhấn mạnh.

NTD ngày càng chuộng bánh kẹo Việt nhờ chất lượng ngày càng nâng cao, mẫu mã, bao bì bắt mắt hơn.

Ông Lưu Huỳnh cho rằng việc mua bán sáp nhập trong ngành thực phẩm diễn ra khá phổ biến gần đây. Đó cũng là cơ hội để các DN Việt tự đánh giá lại khả năng cạnh tranh, xác định hướng đi của mình. Tập trung vào các sản phẩm thế mạnh, thay vì đầu tư quảng cáo sẽ chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho NTD.

Các DN trong ngành cũng cho rằng hàng Việt không thua hàng ngoại nhưng cần phải có nét độc đáo hơn thì NTD mới ủng hộ. Để bảo vệ DN trong nước, hạn chế hàng kém chất lượng tự do tràn vào Việt Nam cần có hàng rào phi thuế quan với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt… Sản phẩm phải chứng minh đã đạt được chuẩn các điều kiện chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước sở tại thì mới được nhập vào Việt Nam…

Theo báo cáo của công ty khảo sát thị trường quốc tế BMI, doanh thu của ngành bánh kẹo Việt Nam dự kiến sẽ đạt được 40.000 tỷ đồng năm 2018.

Sản phẩm nào cũng có thị phần của nó. Đừng quá đặt nặng DN Việt hay ngoại, nếu sản phẩm tốt, khâu quản lý tốt thì DN vẫn có chỗ đứng trong lòng NTD… Tuy nhiên, do quan điểm của DN Việt là làm ăn phải hoành tráng, nhân viên đông, văn phòng đẹp… khiến cách quản lý quá cồng kềnh, chi phí cao, dẫn đến doanh số “khủng” nhưng lợi nhuận không nhiều.

Ông Robert Trần, Tổng giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robbenny châu Á - Thái Bình Dương.

Nguồn Zing News