Tiên đoán vận mệnh của Microsoft - Nokia

Cuối cùng thì Nhà máy Nokia Bắc Ninh cũng đã chính thức được đổi tên thành Microsoft Mobile Việt Nam - bước hợp thức hóa cuối cùng cho việc đổi chủ của Bộ phận Thiết bị và Di động của Nokia.

Nhưng đổi chủ, đổi tên liệu có giúp hãng sản xuất điện thoại di động này đổi vận?

Thông tin được Microsoft phát đi vào cuối tuần trước: bắt đầu từ ngày 18/12/2014, công ty TNHH Nokia Việt Nam (vẫn thường được biết đến là Nhà máy Sản xuất điện thoại của Nokia) chính thức đổi tên thành công ty TNHH Microsoft Mobile Việt Nam (tên giao dịch tiếng Anh: Microsoft Mobile (Vietnam) Ltd Liability Company).

Đây là bước hợp thức hóa cuối cùng của vụ chuyển nhượng đình đám Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia về với Microsoft, và sau việc đổi tên văn phòng đại diện của Nokia, thương hiệu điện thoại Nokia Lumia và trang web Nokia.com tại Việt Nam.

Với quyết định này, có thể nói, thương hiệu điện thoại Nokia đã chính thức bị “khai tử”. Và trên thực tế, dòng điện thoại đầu tiên mang thương hiệu Microsoft cũng đã được trình làng và bán ra thị trường từ cuối tháng 11/2014. Tuy nhiên, các dòng điện thoại thế hệ cũ vẫn sẽ được bán ra với thương hiệu Nokia Lumia.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Nokia tại Bắc Ninh (nay đã đổi tên thành Microsoft Mobile Việt Nam).

Sau thương vụ Microsoft mua Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia với giá 7,2 tỷ USD, những người từng yêu mến thương hiệu Nokia - một thời là vua trên thị trường di động toàn cầu, không khỏi tiếc nuối. Và nay, khi thương hiệu điện thoại Nokia không còn, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, rằng liệu đổi chủ, đổi tên thì số phận có đổi?

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Nokia tại Bắc Ninh (nay đã đổi tên thành Microsoft Mobile Việt Nam).

Thông tin cho biết, kể từ khi Nhà máy Nokia Việt Nam hoạt động trên danh nghĩa Microsoft từ tháng 4/2014 đến hết tháng 11/2014, Microsoft Mobile Việt Nam đã xuất khẩu gần 74 triệu chiếc điện thoại di động các loại. Và sau khi thuộc về Microsoft, với chiến lược mới, thay vì chỉ sản xuất dòng điện thoại cơ bản như trước đây, Microsoft Mobile Việt Nam bắt đầu sản xuất smartphone.

39 dây chuyền sản xuất đã được đưa về Bắc Ninh từ các nhà máy ở Komarom (Hungary), Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mexico), để biến nhà máy tại Việt Nam thành một trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Microsoft. Và kể từ tháng 8/2014 đến nay, Microsoft Mobile Việt Nam đã xuất khẩu trên 5 triệu chiếc điện thoại Lumia đi toàn thế giới.

Số vốn đầu tư của nhà máy, theo ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh, hiện vẫn là 302 triệu USD. Song rõ ràng, với việc chuyển hàng loạt dây chuyền sản xuất về Việt Nam, Microsoft đang giấu giếm đằng sau đó những tham vọng và toan tính mới trong việc sản xuất điện thoại di động.

Trong thông cáo được gửi đi về việc đổi tên nhà máy tại Việt Nam, Microsoft cũng đã khẳng định, Microsoft Mobile Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng sản xuất sản phẩm điện thoại di động của hãng.

Nhưng trong khi Microsoft bắt đầu tập trung mở rộng sản xuất điện thoại di động, thì Samsung - đối thủ truyền kiếp một thời của Nokia, cũng đã liên tục mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhằm tăng năng lực sản xuất toàn cầu. Mới đây là dự án 3 tỷ USD ở Thái Nguyên, sau dự án thứ nhất trị giá 2 tỷ USD và dự án 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh. Hãng này cũng đã không giấu giếm kế hoạch sản xuất điện thoại vỏ kim loại, khi mà hầu hết trong số vốn 3 tỷ USD này sẽ được dành để xây dựng hai nhà máy sản xuất vỏ kim loại cho điện thoại Samsung. Hiện, rất nhanh sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư hôm 17/11/2014, Samsung đã tiến hành xây dựng hai nhà máy để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Thông tin mới được công bố của Samsung cũng cho biết, cùng với nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh, thì ước tính năm 2014, Samsung sản xuất được 150 triệu sản phẩm điện thoại di động ở Việt Nam, tăng 400% so với con sớ 37 triệu sản phẩm của năm 2010. Lũy kế tính đến hết năm nay, Samsung sản xuất ở Việt Nam 520 triệu sản phẩm.

Trong khi đó, nếu tính kim ngạch xuất khẩu, thì năm nay, cả hai nhà máy sẽ xuất khẩu khoảng 28 tỷ USD, trong đó, nhà máy SEV là 20 tỷ USD, còn Samsung Thái Nguyên - dù mới chỉ đi vào hoạt động từ ngày 10/3/2014, cũng đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD.

Việt Nam đã thực sự trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của Samsung. Trong khi đó, hãng điện thoại đồng hương của Samsung là LG, hôm cuối tuần qua cũng đã chính thức ký kết hợp đồng thuê thêm 40 ha đất ở KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) để mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Dự án sản xuất đồ điện tử của LG tại Hải Phòng hiện có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, và ban đầu chỉ dành một phần nhỏ cho sản xuất điện thoại di động. Tuy nhiên, nhiều khả năng, LG sẽ tiếp tục đầu tư để biến Việt Nam thành một cứ điểm sản xuất điện thoại di động cho hãng, giống như Samsung, Microsoft đang làm.

Vận mệnh của Microsoft - Nokia ra sao vẫn là một câu hỏi khó.

Việc các hãng điện thoại di động đang đầu tư mạnh cho mở rộng sản xuất càng cho thấy thị trường di động toàn cầu béo bở thế nào. Sau hàng loạt tên tuổi lớn như Samsung, Apple, LG, Microsfoft…, thì gần đây nhiều hãng điện thoại Trung Quốc đã nhảy vào cuộc đua toàn cầu, khiến thị phần đang bị phân chia lại và cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn. Đến Samsung và Apple còn bị mất thị phần vào các nhà sản xuất này, trong đó có hãng Xiaomi. Vì thế, vận mệnh của Microsoft - Nokia ra sao vẫn là một câu hỏi khó.

Nguyên Đức
Nguồn Báo Đầu Tư