Không còn bánh kẹo Việt để ăn - Kỳ 2: Tràn lan hàng ngoại không nhãn mác

Trong khi phân khúc bánh kẹo cao cấp phần lớn nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài và nhập khẩu, thì ở phân khúc trung và thấp cấp, các loại bánh kẹo ngoại nhập không nhãn mác, bán theo ký cũng tràn ngập.

Sáng 15.12, vào vai người mua hàng đem về bán ở tỉnh, chúng tôi đến chợ đầu mối Bình Tây (Q.6, TP.HCM). Tại sạp bánh kẹo M.T gần cổng chính chợ Bình Tây, chủ quầy là chị B. cho biết: Bánh quy hộp thiếc nhập khẩu từ Malaysia, đóng thùng giấy tại VN giá từ 64.000 đồng/hộp. Bánh Cosy của Kinh Đô giá 90.000 đồng/hộp và bánh cơ sở K.N ở Mỹ Tho có giá thấp nhất từ 34.000 - 40.000 đồng/hộp. “Khách chủ yếu thích bánh kẹo ngoại nhập, bánh kẹo trong nước cũng chuộng nhưng không có nhiều mẫu mã nên khó bán”, chị B. cho biết. Vì tâm lý đó nên khi giới thiệu hàng cho khách, hầu hết các chủ sạp bánh kẹo tại chợ Bình Tây đều cho biết hàng của họ là bánh kẹo ngoại nhập.

Sô cô la giá 55.000 đồng/ký

Khi chúng tôi cho biết muốn tìm mua bánh kẹo có thương hiệu tốt hơn thì chị H. bán hàng tại sạp gần đấy chỉ cho chúng tôi một vài hộp bánh được nhập khẩu và đóng gói bởi một công ty ở Bình Dương, xuất xứ từ Đức và Bỉ, giá từ 142.000 - 190.000 đồng/hộp. “Muốn mua hàng giá rẻ, hàng bán theo ký, chị nên lên trên lầu. Nhưng chất lượng và nguồn gốc hàng hóa tôi không dám đảm bảo nhé”, chị H. nói.

Bánh kẹo ngoại nhập không nhãn mác, bán theo ký tràn ngập ở chợ Bình Tây - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tầng 1 chợ Bình Tây giống như một kho bánh kẹo trôi nổi. Bánh kẹo ở đây được bán tính theo ký. Mỗi bịch từ 3 - 5 ký, nếu mua số lượng lớn, trung bình mỗi ký giảm từ 1.000 - 2.000 đồng. Trong đám hàng trôi nổi không rõ nhãn mác đó, có một số hàng được người bán cam đoan 100% “made in VN”. Đó là những chiếc kẹo mè xửng được gói trong chiếc hộp đủ màu sắc bé bé xinh xinh 2x3 cm, thay thế cho loại bánh in chủ yếu để... trang trí thành tháp chưng bàn thờ. Riêng với nhiều loại kẹo chưa đóng bao bì, khách có thể chọn loại nào ưng ý thì chủ sạp sẽ đóng gói và dán nhãn mác vào nếu muốn.

Ghé vào một sạp trưng bày rất nhiều bịch kẹo loại 1 - 3 ký, hỏi thông tin thì chủ sạp cho biết: Một ký kẹo sô cô la đóng gói, giá chỉ 55.000 - 60.000 đồng; kẹo dẻo, kẹo trái cây giá 54.000 đồng/ký. Chủ sạp tên Th. nói cần bao nhiều hàng đi tỉnh cũng có. “Mua cả tạ chúng tôi cũng có hàng ngay trong ngày”, ông Th. bán hàng tại đó cho biết. Khi chúng tôi hỏi hàng xuất xứ từ đâu, ông này không trả lời mà chỉ nói là sạp của họ chuyên bán sỉ với số lượng lớn và giá tốt nhất.

Muốn gắn hiệu gì cũng được

Có thể nhận thấy đa số sản phẩm bánh kẹo giá rẻ đều được đóng gói ở một số cơ sở ghi địa chỉ tại Hà Nội hoặc Mỹ Tho, Cần Thơ. Chúng tôi đã gọi đến cơ sở K.N, ghi địa chỉ ở Hà Nội, in trên một thùng kẹo thì điện thoại không liên lạc được.

Tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM), giá các mặt hàng đa số cao hơn một chút so với chợ sỉ Bình Tây. Tuy nhiên, vẫn bổn cũ soạn lại, nhiều chủ sạp bán bánh kẹo theo ký, với những chiếc bánh in chi chít chữ Trung Quốc ngoài bì cho biết là kẹo của Đài Loan và Thái nhưng đóng gói trong nước. Thậm chí, tại các sạp H.Ký và Đ.Tài, người bán hàng còn cam kết sẽ đóng gói những chiếc bánh kẹo không rõ nguồn gốc này và gắn nhãn hiệu trong nước nếu chúng tôi cần.

Cơ sở trong nước rơi rụng

Tại hầu hết các sạp bán bánh kẹo ở chợ Bình Tây, An Đông, rất khó tìm được một hộp bánh kẹo có thương hiệu trong nước. Một quầy lớn như của chị T. ở đầu chợ cũng thấy 2 hộp bánh Cosy của Kinh Đô nằm khiêm tốn trên kệ, còn lại là hàng nhập.

Chị Phan Thanh Hiền, nhà nhập khẩu bánh kẹo (trụ sở tại Q.Tân Bình, TP.HCM), cho hay: “Tâm lý bánh ngoại là ngon đã ăn sâu vào trong suy nghĩ tiềm thức của người tiêu dùng rồi, nên khi thử một lần bánh nội không có gì đặc biệt hơn, họ sẽ quay lại với hàng ngoại. Mà hàng ngoại nay giá nào cũng có, thậm chí có nhiều loại bánh ngoại của Indonesia, Malaysia ăn được nhưng có giá cạnh tranh hơn nhiều so với bánh sản xuất trong nước”. Chị Hiền dẫn chứng: Hộp bánh quy bơ hiệu Vincci mẫu mã sang trọng chỉ có giá 105.000 đồng/hộp, trong khi hộp bánh tương đương của thương hiệu K nội địa có giá 110.000 đồng. “Sản phẩm dòng trung và thấp cấp cũng chưa đến tay nhà sản xuất trong nước đâu. Tôi kinh doanh mặt hàng này 25 năm nay. Càng ngày càng thấy doanh nghiệp nội rơi rụng dần, bỏ hẳn sản xuất, quay sang nhập và đóng gói có lãi hơn”, chị Hiền cho biết.

Kém cạnh tranh quá xa

Cũng là một thùng bánh Malaysia, nhưng mỗi năm, mẫu mã được chào đều khác và giá hầu như không thay đổi. Trong khi một vài nhãn hàng bánh hộp của doanh nghiệp trong nước làm màu sắc không sang, nếu không nói là quê quê, màu đỏ lòe loẹt, in không sắc nét. Nếu dùng làm hàng tết coi như thua. Lâu dần, chúng tôi chọn kinh doanh hàng bánh nhập từ Indonesia và Malaysia cho yên tâm. Còn hàng trôi nổi bán theo ký, chỉ phục vụ các dịp lễ tết, bán ngày thường không chạy hàng, nhưng sản phẩm bán theo ký này cũng khó tìm hàng Việt 100% lắm, đa số là hàng nhập, in và đóng bao bì tại trong nước, chủ yếu là các cơ sở tư nhân nhận làm là chính.

Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc một công ty ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội)

----------

Trong 11 tháng đầu 2014, theo Tổng cục Hải quan, VN nhập 150 triệu USD bánh kẹo. Trong đó, bánh kẹo ngọt chiếm 50%, còn lại 44% là sô cô la và kẹo cao su 6%. VN đang nhập khẩu bánh kẹo của Indonesia nhiều nhất, với 66 triệu USD; của Thái Lan 37 triệu USD; Philippines 16 triệu USD; Trung Quốc 9 triệu USD... Hàng nhập khẩu đang chiếm khoảng 20% thị phần bánh kẹo ở VN.

Nguyên Nga - N.Trần Tâm
Nguồn Thanh Niên