Samsung đặt hàng doanh nghiệp VN gần 150 loại linh, phụ kiện

Bộ Công Thương vừa công bố trên trang web của bộ danh mục gần 150 loại linh, phụ kiện mà Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung) mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp.

Theo trang web của Bộ này, Samsung đặt hàng 91 loại linh, phụ kiện của điện thoại thông minh (smartphone) Galaxy S4, và 53 loại linh, phụ kiện cho sản phẩm máy tính bảng Tablet 7 inch.

Các loại linh kiện mà Samsung yêu cầu khá đa dạng, từ những chi tiết đơn giản đến phức tạp như pin, tai nghe, đầu cao su tai nghe, thiết bị lưu dữ liệu USB, băng keo cách nhiệt, cáp truyền dữ liệu...

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sản xuất công nghiệp và thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, Bộ Công Thương phối hợp với Samsung triển khai việc kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung.

Nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung cần nhiều nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước - Ảnh minh họa: Hùng Lê

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, đây là lần đầu tiên bộ này đưa danh mục sản phẩm linh phụ kiện mà phía Samsung cần lên trang web của Bộ để kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp.

Bộ kêu gọi cả doanh nghiệp Việt Nam và những công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất ở Việt Nam tham gia nếu thấy đáp ứng được yêu cầu của Samsung.

Các doanh nghiệp tham gia cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung có thể liên hệ trực tiếp với Bộ Công Thương để đăng ký. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về nhu cầu mua linh phụ kiện của Samsung để doanh nghiệp nắm rõ nhằm có kế hoạch để tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung.

Không riêng Samsung mà các nhà sản xuất sản phẩm điện tử, công nghệ cao khác cũng cho rằng công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam còn tương đối lạc hậu.

Thực tế, Samsung đã từ lâu có nhu cầu mua linh phụ kiện trong nước để nội địa hóa sản phẩm, nhưng có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe...mà doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được hoặc không đáp ứng được điều kiện sản xuất của Samsung về công nghệ và giá thành.

Không riêng Samsung mà các nhà sản xuất sản phẩm điện tử, công nghệ cao khác cũng cho rằng công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam còn tương đối lạc hậu. Ở thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ có thể cung cấp cho Samsung các loại mặt hàng đơn giản như sản phẩm in ấn, bao bì... Phần lớn linh phụ kiện ở Việt Nam cung cấp cho Samsung là do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất.

Hiện nay, khoảng 35% sản lượng điện thoại di động của Samsung cung ứng trên thị trường toàn cầu được lắp ráp và sản xuất tại các nhà máy của Samsung ở Việt Nam và con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 50% trong thời gian tới. Do đó nhu cầu mua linh phụ kiện trong nước của Samsung là rất lớn.

Vào tháng 8-2012, trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Samsung nhân chuyến thăm Hàn Quốc, hai bên đã thống nhất cùng hợp tác nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Lắp ráp smartphone tại nhà máy Samsung

Gần đây, vào tháng 9-2014, tại cuộc gặp gỡ giữa Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) với hơn 200 nhà cung cấp toàn quốc trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí, nhựa,... Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Mại nhận xét, SEV sẽ sản xuất hàng trăm triệu điện thoại di động ở Việt Nam nên sẽ cần hàng trăm xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại chổ và trong khu vực. Đây là cơ hội lớn cho Bắc Ninh, Thái Nguyên và các địa phương khác trong vùng Thủ đô để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong khi hiện nay mảng này chủ yếu do các doanh nghiệp FDI thực hiện.

Về phương thức hợp tác, ông Mại cho biết Cục Đầu tư nước ngoài và VAFIE phối hợp với Hiệp hội cơ khí và Sở Kế hoạch-Đầu tư một số địa phương trong vùng Thủ đô sẽ khảo sát để nhận biết tình hình các doanh nghiệp cơ khí và cơ khi điện tử có khả năng nâng cấp để tiếp cận được yêu cầu làm công nghiệp hỗ trợ cho SEV.

Lê Hoàng
Nguồn The Saigon Times