Bung tiền mua doanh nghiệp Việt

Bỏ ra hàng trăm triệu USD đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp (DN) Việt, nhiều DN ngoại kỳ vọng sẽ rút ngắn được thời gian thâm nhập thị trường VN.

Xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến khi thị trường liên tục đón nhận các thông tin mua bán, sáp nhập (M&A).

Trong khi vụ Mondelez International mua Kinh Đô chưa ráo mực, tập đoàn bán lẻ Nhật Aeon Mall đã kịp tiến vào hệ thống siêu thị Citimart. Gần như đồng thời, Thai Beverage đã bày tỏ nguyện vọng mua cổ phần Sabeco, trong khi siêu thị điện máy Thiên Hòa được cho là đang trong tầm ngắm của DN ngoại.

Mua dồn dập

Từ giữa tháng 11-2014, tên của 30 siêu thị nằm trong hệ thống siêu thị Citimart không còn đứng riêng lẻ mà song hành cùng một thương hiệu bán lẻ Nhật Bản để trở thành Aeon Citimart.

Siêu thị Aeon Citimart trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Q.Định

Sau hơn 20 năm phát triển, hệ thống siêu thị Citimart đã chính thức công bố hợp tác toàn diện với tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon ra mắt thương hiệu mới, đánh dấu một giai đoạn mới.

Không tiết lộ giá trị thương vụ này, nhưng ông Lâm Minh Huy - chủ tịch Công ty TNHH thương mại dịch vụ Đông Hưng, chủ sở hữu Citimart - cho biết mục đích của hợp tác này nhằm giúp hệ thống Citimart có sức cạnh tranh tốt hơn, đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của thị trường hiện tại và tương lai.

“Aeon sẽ hỗ trợ Citimart kinh nghiệm và công nghệ quản lý hệ thống bán lẻ một cách chuyên nghiệp từ bộ máy vận hành đến quản lý chất lượng sản phẩm và đào tạo nhân sự” - ông Huy nói.

Các thương vụ trong lĩnh vực bán lẻ có vẻ chưa dừng lại. Theo ông Nguyễn Quang Hòa - tổng giám đốc siêu thị điện máy Thiên Hòa, năm 2015 thị trường bán lẻ VN mở cửa sẽ tạo ra một áp lực lớn cho nhà bán lẻ trong nước.

Ông cũng tiết lộ hệ thống trung tâm điện máy này sẽ không tránh khỏi xu hướng mua bán, sáp nhập.

“Với Thiên Hòa, xu hướng M&A được xem là cơ hội để chia sẻ và học hỏi cũng như có thêm sức cạnh tranh. Vấn đề là chọn thời điểm thực hiện giao dịch” - ông Hòa nói và cho biết hiện đã có một quỹ đầu tư của Mỹ ngỏ ý quan tâm đến Thiên Hòa.

Trước đó ngày 11-11, Tập đoàn Mondelez International (trụ sở Singapore) đã công bố mua 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô. Ông Tim Cofer, chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mondelez, cho biết sở dĩ chọn mua Kinh Đô vì DN này có năng lực khá tốt về sản xuất, mạng lưới phân phối rộng khắp và đội ngũ nhân sự có kỹ năng.

“Khoản đầu tư vào Kinh Đô phù hợp với chiến lược phát triển tại châu Á, tăng cường mảng thức ăn nhẹ của chúng tôi tại thị trường VN” - ông Cofer nói.

Ít ngày sau thương vụ trên, Thai Beverage - công ty của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) - đ&5de; bắn tiếng muốn mua cổ phần Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Đã qua rồi thời chúng ta mời DN nước ngoài tham gia với tư cách “khách thuê nhà” còn ta là chủ. Giờ là lúc DN Việt có thể mời DN ngoại vào cùng làm chủ, cùng sở hữu và cùng sống trong ngôi nhà đó.

Hà Thu Thanh (chủ tịch, tổng giám đốc Deloitte VN)

Trước đó, Công ty F&N Dairy Investments của chính tỉ phú này cũng đã mua 15 triệu cổ phiếu Vinamilk, nâng tổng số lên thành 110,4 triệu cổ phiếu, chiếm 11,04% vốn điều lệ công ty sữa lớn nhất VN.

Nếu tính giá 113.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 21-8 (thời điểm chốt giao dịch), 15 triệu cổ phiếu F&N mua thêm trị giá khoảng 1.695 tỉ đồng (khoảng 80,7 triệu USD).

Vì sao nước ngoài mua lúc này?

Trả lời câu hỏi này, bà Phan Thị Tường Tâm - tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang rất quan tâm tới các DN VN, đặc biệt là một số lĩnh vực, ngành hàng tiêu dùng.

“Thêm vào đó, mặt bằng về giá cũng được nhận xét là ở mức hợp lý nên các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh M&A” - bà Tâm nhận xét.

Ông Robert Trần, giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny của Canada khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới từ lâu đã tính tới VN khi lên kế hoạch thị trường cho sản phẩm của mình nên việc họ tiến sâu vào VN chỉ là vấn đề thời gian.

“Ngay như các nhà đầu tư Thái Lan gần chúng ta thôi, khi hoạch định thị trường họ thường nói thị trường của họ là 150 triệu dân. Trong đó, 60 triệu người Thái và 90 triệu người Việt” - ông Robert cho hay.

Vị này chỉ rõ Kinh Đô có bốn điểm hấp dẫn: sở hữu những nhãn hiệu lớn; có nhà máy cả ở miền Nam và miền Bắc; phát triển ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau, cả nông thôn và thành thị; có bộ máy quản trị đầy năng lực và kinh nghiệm, có tầm nhìn tương đồng với Mondelez.

Còn theo Tập đoàn tư vấn McKinsey, M&A thời điểm này là mô hình nhanh nhất để thâm nhập một thị trường lớn, giảm thiểu rủi ro thất bại so với thành lập mới và tiết kiệm được thời gian gầy dựng chỗ đứng.

Không phải xấu mới bán

“Có nhiều nguyên nhân để người bán quyết định bán DN của họ.Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp là nhằm mục đích phát triển mạnh hơn.”

Theo bà Hà Thu Thanh - chủ tịch, tổng giám đốc Deloitte VN, khi VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và sắp tới có thể là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), M&A là điều bình thường và sẽ diễn ra ngày càng nhiều hơn, đó là sản phẩm của kinh tế thị trường. “Và chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ có xấu thì mới bán, còn tốt giữ lại” - bà Thanh nói.

Trong khi người mua được lợi hơn so với việc đầu tư từ đầu, bà Thanh tin rằng người bán tại VN cũng có lợi. “Có nhiều nguyên nhân để người bán quyết định bán DN của họ. Họ bán để thu tiền đầu tư cho các mục đích kinh doanh khác, sản phẩm khác, thị trường khác. Người bán có thể bán DN để cắt giảm lỗ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp là nhằm mục đích phát triển mạnh hơn” - bà Thanh nói.

Theo bà Thanh, Kinh Đô hay Citimart đều là những thương hiệu lớn. Do vậy khi bán, họ thường cân nhắc để đạt được cả lợi ích về tiền mặt lẫn triển vọng kinh doanh và thương hiệu cho công ty mình đã lập ra.

Bà Thanh cho rằng không chỉ thu về tiền mặt, DN Việt còn thu về được kinh nghiệm quản trị, học hỏi thêm để phát triển lên tầm cao mới. Họ biết thương hiệu của DN mình tốt và sẽ tốt hơn khi có những cổ đông nước ngoài tham gia nên mới bán.

Theo bà, DN nước ngoài không nghĩ sẽ làm được mọi thứ tại VN nên họ cần đến đối tác nội, trong khi DN nội muốn có công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, hệ thống phân phối toàn cầu.

Đây cũng chính là điều mà nhà sáng lập của Kinh Đô Trần Kim Thành nói sau thương vụ bán lại 80% cổ phần cho Mondelez International: “Các điểm mạnh của Kinh Đô như năng lực sản xuất, mạng lưới phân phối và đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm sẽ được tận dụng, đồng thời kết hợp với khả năng quảng bá, nền tảng sáng tạo và nguồn lực toàn cầu của Mondelez để Kinh Đô phát triển mạnh hơn ở VN và vươn ra thế giới”.

Còn theo ông Robert Trần, ở địa vị người chủ một DN tại VN, nếu thấy giá tốt họ có thể bán: “Hoặc chủ DN thấy có những mảng khác tiềm năng hơn thì họ cũng có thể bán để chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh, tập trung vào mảng họ kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn”. Ở thương vụ bán Kinh Đô, ông Trần Kim Thành cũng cho biết sẽ tập trung đầu tư vào mảng dầu ăn.

DN nhỏ sẽ bị ảnh hưởng

Việc các DN ngoại toàn nhắm mua DN đầu ngành, sau đó dốc sức đầu tư, phát triển mạnh và thâu tóm toàn bộ thị trường mới là chuyện DN nhỏ phải lo ngại. “Các DN nhỏ sẽ bị ảnh hưởng. DN ngoại thâu tóm DN đầu ngành, nâng cao vị thế DN đó lên, thống lĩnh thị trường và DN nhỏ vốn đã cạnh tranh vất vả trước đây, giờ càng co hẹp các cơ hội” - bà Phó Nam Phượng, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, nhận định.

Theo ông Robert Trần, việc các công ty ngoại mua các công ty VN là một cách để từng bước đưa hàng của mình vào thị trường này. Do đó nguy cơ hàng VN bị cạnh tranh dữ dội là không thể tránh khỏi.

Ngay sau tuyên bố hợp tác giữa Aeon với các siêu thị Citimart, người tiêu dùng đã thấy nhiều nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ Nhật xuất hiện trên kệ.

Hồng Quý - Như Bình
Nguồn Tuổi Trẻ Online