Ai sẽ là người phải ra đi khi Samsung tính chuyện cải tổ nhân sự cấp cao?

Vị trí dễ lung lay nhất là chiếc ghế phó chủ tịch, kiêm CEO của ông J.K. Shin – người phụ trách mảng di động và máy tính bảng.

2014 có thể nói là một năm buồn với Samsung. Hãng này phải chịu vô số tin tức không hay về sự sụt giảm từ lợi nhuận, thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu.

Và vào thứ 2 vừa qua, tờ Wall Street Journal mới tiết lộ thông tin tập đoàn này đang nghĩ đến phương án thay thế một số lãnh đạo cấp cao. Trong đó, vị trí dễ lung lay nhất là chiếc ghế phó chủ tịch, kiêm CEO của ông J.K. Shin – người phụ trách mảng di động và máy tính bảng. Mảng kinh doanh do ông Shin phụ trách đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong nhiều tháng qua và được cho là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến sự sụt giảm tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn.

Sản phẩm gần đây nhất của Samsung là Galaxy S5 là một ví dụ. Dù lượng hàng sản xuất tăng 20% so với sản phẩm trước đó nhưng số lượng bán ra lại ít hơn tới 40% so với dự kiến. Galaxy S4 bán được khoảng 16 triệu chiếc trong 3 tháng đầu tiên ra mắt trên thị trường, con số này của Galaxy S5 chỉ là 12 triệu. Ngoài ra, doanh số bán Galaxy S5 bị giảm ở thị trường Trung Quốc tới hơn 50% và ở các thị trường lớn khác thì chỉ tại Mỹ là có doanh số tăng.

Chính vì thế, một số nguồn tin thân cận cho biết, ông Shin có thể sẽ bị cho thôi trách nhiệm lãnh đạo chủ chốt mảng di động. Điều này đồng nghĩa với việc ông Shin cũng sẽ không còn nắm giữ vị trí đồng CEO của tập đoàn.

Cái tên được đồn đoán thay thế vị trí của ông Shin là B.K. Yoon – người đang chịu trách nhiệm mảng kinh doanh ti vi, tủ lạnh, thiết bị gia đình vốn đóng góp 1% tổng doanh thu cho cả tập đoàn. Theo đó, ông Yoon sẽ kiêm nhiệm thêm cả mảng thiết bị di động và máy tính bảng.

Vị trí dễ lung lay nhất là chiếc ghế phó chủ tịch, kiêm CEO của ông J.K. Shin.

Việc nới rộng quyền hạn và trách nhiệm của ông Yoon có thể giúp Samsung tổ chức tốt hơn bộ máy quản lý của hãng và phán ứng nhanh nhẹn hơn với mức độ cạnh tranh khốc liệt đến từ các đối thủ cạnh tranh giá rẻ tại Trung Quốc.

Ngoài ra, nếu ông Yoon nắm quyền kiểm soát mảng di động, ông có thể giúp Samsung cạnh tranh trong mảng thiết bị “Internet of Things” – phân mảng công nghệ kết nối thiết bị gia đình với internet. Ông cũng là một trong những người đóng vai trò chính trong việc hướng Samsung theo chiến lược kinh doanh này và đồng ý đưa ra quyết định mua lại công ty khởi nghiệp thiết bị kết nối trong nhà SmartThings của Mỹ vào hồi đầu năm nay.

Quyết định thay thế chưa ngã ngũ nhưng các nguồn tin cho biết việc tiếp quản mảng di động của ông Yoon là sự mong đợi của rất nhiều người trong nội bộ công ty chứ không phải thuộc bất kỳ thỏa thuận nào.

Đồng CEO thứ 3 của Samsung là ông Kwon Oh-Jyun, 62 tuổi. Ông hiện đang chịu trách nhiệm trong mảng thiết bị bán dẫn và trình chiếu. Tuy nhiên, theo nhiều lời đồn đoán, vị trí của ông Kwon sẽ không có gì thay đổi.

Ông Shin là B.K. Yoon – người đang chịu trách nhiệm mảng kinh doanh ti vi, tủ lạnh, thiết bị gia đình

Thực tế trước tháng 3/2013, chỉ có ông Swon là CEO duy nhất của Samsung. Sau thời gian này, ông Messrs.Shin và ông Yoon mới được bổ nhiệm vào vị trí đồng CEO. Thời điểm đó, Samsung giải thích rằng, việc có 3 CEO sẽ giúp phân bổ trách nhiệm rõ ràng hơn trong từng mảng, cho phép 3 nhà lãnh đạo có quyền lãnh đạo độc lập để giải quyết với các công ty đối tác.

Một cái tên không thể không nhắc đến là con trai độc tôn của chủ tịch tập đoàn Samsung là anh Jay Y.Lee, 46 tuổi. Kể từ sau khi chủ tịch Lee Kun Hee trải qua cơn đau tim và phải nhập viện hồi tháng 5, anh này đang ngày càng nắm quyền kiểm soát Samsung cao hơn và đóng vai trò quan trọng hơn.

Thành công gần đây nhất của Samsung dưới vai trò dẫn dắt của Jay Y.Lee là việc IPO công ty con Samsung SDS với giá trị 11 tỷ USD.

Cái tên được đồn đoán thay thế vị trí của ông Shin là B.K. Yoon – người đang chịu trách nhiệm mảng kinh doanh thiết bị gia đình.

Tờ Wall Street Journal cũng tiết lộ, Samsung đang tiến hành củng cố lại bộ máy hoạt động của hãng tại khu vực Bắc Mỹ. Và tâm điểm chú ý là chủ tịch Samsung Bắc Mỹ - Gregory Lee. Theo đó, các công ty di động và thiết bị điện tử tiêu dùng ở khu vực này sẽ được sáp nhập và tập trung lại. Việc này không được tuyên bố chính thức nhưng sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau.

Ông Lee không chỉ nắm trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động của Samsung khu vực Bắc Mỹ mà ông còn đang phụ trách mảng phần mềm và dịch vụ của công ty mang tên Media Solution Center (MSC). Thành tích lớn nhất của ông Lee là mời được John Pleasants – cựu quản lý của Disney về làm việc tại MSC và giúp Samsung lấy lại quyền kiểm soát trong mảng phần mềm và dịch vụ.

Samsung chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về những đồn đoán thay thế, cải tổ bộ máy nhân sự kể trên.

Vân Đàm
Nguồn Trí thức trẻ