Cần 10 năm để đào tạo một giám đốc người Việt

Cuộc gặp gỡ, nói chuyện giữa Tổng GĐ tổ hợp Samsung Việt Nam Shim Won Hwan với sinh viên một trường đại học tại Hà Nội sáng 26/11, không nhắc gì tới việc sản xuất ốc vít đạt chuẩn, nhưng đầy thấm thía.

Thụ động, thiếu tinh thần làm chủ

Mở đầu cuộc tọa đàm với sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, thay vì lên vị trí ngồi có sẵn trên sân khấu, ông Shim Won Hwan đi xuống trao đổi trực tiếp với sinh viên. Ông Shim đưa ra câu hỏi đại ý rằng, các bạn nghĩ gì cho tương lai 30 năm tới. Micro lần lượt được chuyển cho nhiều sinh viên, nhưng không ai trả lời được câu gì rõ ràng. Thậm chí có sinh viên còn từ chối trả lời, hoặc nói: “Không biết”.

So sánh nhân viên Việt Nam và nhân viên Hàn Quốc, lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết: Nhân viên người Việt thụ động, chưa thể hiện tinh thần làm chủ. Họ cần nghĩ rằng sẽ gắn bó lâu dài và chèo lái con thuyền vượt qua gian khó để phát triển. “Nhân viên người Việt đa số chưa có được suy nghĩ đó”, ông Shim nói. “Hy vọng thời gian tới, mọi người cần thay đổi và cá nhân tôi thấy nhân viên của mình đang thay đổi suy nghĩ này”, ông Shim Won Hwan nhìn nhận.

Ông Shim Won Hwan (thứ hai từ trái sang) trong cuộc trao đổi với sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: Đức Huy.

Cùng quan điểm, ông Ha Chan Ho, Cố vấn chiến lược Samsung Việt Nam đưa ra dẫn chứng một nghiên cứu gần đây liên quan đến lao động Việt Nam (tại các công ty Việt) và các doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong khi nhân viên người Việt đến đúng giờ làm việc (thường 8 giờ sáng), người Hàn Quốc lại đến sớm hơn giờ quy định để chuẩn bị cho công việc của mình.

“Đó không phải là điều quá to lớn, nhưng cũng thể hiện được sự khác biệt về ý thức làm chủ giữa người Việt Nam và người Hàn Quốc”, ông Ha đúc kết. Ông Ha từng có hơn 2 năm làm Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam trước khi chuyển sang làm cố vấn cho Samsung Việt Nam khoảng 1 năm nay.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc điều hành Cty Alpha Books tham gia buổi tọa đàm cũng thừa nhận, tâm thế người lao động Việt Nam chỉ thuần túy đi làm thuê. Đa số xem đó là công việc cần phải làm cho xong, hoàn thiện để “sếp” biết; chưa quan tâm đến sự cống hiến, gắn bó lâu dài tới sự sống còn của doanh nghiệp. “Đây là một tâm lý phổ biến”, ông Bình nhấn mạnh.

Cần 10 năm để đào tạo một Giám đốc người Việt

“Điều quan trọng quyết định các bạn thành công hay không nhờ năng lực tưởng tượng và sự quan tâm đến sự việc xung quanh như thế nào.”

Với hai nhà máy quy mô tại Bắc Ninh, Thái Nguyên cùng với các bộ phận văn phòng, nghiên cứu đặt tại Hà Nội; Samsung Việt Nam có tổng cộng khoảng 68.000 nhân viên. Đáng chú ý, trong số này, có khoảng 150 người Hàn Quốc. Đa số nhân viên Hàn Quốc đều nắm tất cả vị trí lãnh đạo trọng yếu trong doanh nghiệp.

Ông Shim tiết lộ, để đào tạo một người Việt vào những vị trí do người Hàn đang nắm giữ, cần tối thiểu đến 10 năm. Hiện, Samsung Việt Nam chỉ có những manager (quản lý nhóm) người Việt Nam, nhưng để chuyển sang cấp cao hơn là Senior manager (quản lý cấp cao), phải đào tạo thêm khoảng 5 năm nữa và cũng thêm từng đó thời gian mới có thể bổ nhiệm nhân viên người Việt này làm giám đốc bộ phận hay phụ trách những vị trí mà người Hàn Quốc đang đảm nhận.

“Song để nắm giữ được những vị trí quản lý đó trong khoảng thời gian ấy, nhân viên Việt cần phải đào sâu kiến thức, chăm chỉ làm việc, đặc biệt cần có sự nhiệt tình trong công việc”, ông Shim nhấn mạnh.

Thực tế, các cuộc tuyển dụng đầu vào của Samsung Việt Nam khá khắt khe và khác lạ so với cách tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp. Điều này gây sự hoang mang cho sinh viên mới ra trường. Một sinh viên năm cuối đứng lên bày tỏ quan điểm, năng lực không thiếu, chỉ sợ thiếu kỹ năng và kinh nghiệm.

Ông Shim lập tức chỉ ra điểm yếu của sinh viên Việt Nam: “Đa số có quan niệm cố hữu, chỉ cần có kỹ năng nhất định hay điểm số thật tốt là có thể vào các công ty tốt”.

Tuy nhiên, ông Shim cho rằng, những gì học tại các trường ĐH chỉ là kiến thức nền và ai cũng giống nhau. “Điều quan trọng quyết định các bạn thành công hay không nhờ năng lực tưởng tượng và sự quan tâm đến sự việc xung quanh như thế nào. Ngoài ra, còn có sự am hiểu, tôn trọng công ty ra sao”, ông Shim nói.

Cuối buổi tọa đàm, khi lãnh đạo Samsung Việt Nam hỏi năm 2013, Công ty Samsung Việt Nam đóng góp bao nhiêu vào kim ngạch xuất khẩu Việt Nam (hơn 18%, tương đương 23,9 tỷ USD-PV), phải nhiều lượt trả lời mới có đáp án gần đúng.

Bạn hỏi tôi sản phẩm chủ lực của Samsung Việt Nam trong 30 năm tới là gì? Câu trả lời phụ thuộc vào sự tưởng tượng của các bạn. Các bạn nghĩ ra cái gì trong 30 năm tới, đó sẽ là sản phẩm chủ lực của chúng tôi trong tương lai”.

TGĐ Tổ hợp Samsung Việt Nam

Tuấn Đức
Nguồn Tiền Phong