Hàng tiêu dùng - ngành hấp dẫn nhất với giới đầu tư

Hội thảo "Vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á 2012" (diễn ra trong hai ngày 20-21/9/2012) sẽ là cơ hội thiết lập và phát triển quan hệ cho cả các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác nhằm phát triển công ty.

Diễn đàn là sự kiện hàng đầu về cơ hội đầu tư tại Đông Nam Á được tổ chức hàng năm bởi Trung tâm Vốn đầu tư tư nhân Thunderbird (TPEC) trực thuộc Trường Quản lý toàn cầu Thunderbird, Mỹ.

TPEC là hiệp hội có hơn 40.000 thành viên gồm các công ty quản lý quỹ, tài sản cá nhân, các quỹ hưu trí và quỹ giáo dục.., với tổng vốn quản lý khoảng 50 tỉ USD. Tham gia diễn đàn lần thứ 3 này có các quan chức Chính phủ, chuyên gia kinh tế, các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực và các doanh nghiệp tiềm năng tại Đông Nam Á.

Các cuộc thảo luận xung quanh các chuyên đề được quan tâm hiện nay như quan điểm của các nhà đầu tư về đầu tư tư nhân Đông Nam Á, đầu tư vào doanh nghiệp giai đoạn tăng trưởng, chiến lược tìm kiếm và thẩm định các cơ hội đầu tư, tạo giá trị cho doanh nghiệp khi đầu tư…

Mục đích của hội thảo là tạo ra diễn đàn kết nối các nhà đầu tư quốc tế và khu vực với các doanh nghiệp tại Đông Nam Á, chia sẻ kiến thức của các chuyên gia và nhà đầu tư nhằm tăng cường sự hiểu biết về môi trường kinh doanh và đầu tư của các quốc gia trong khu vực, giúp doanh nghiệp nhận diện những xu hướng đầu tư mới và các cơ hội trong thị trường rộng lớn hiện nay.

Bà Mã Thanh Loan - Đồng Chủ tịch Trung tâm Quỹ Đầu tư Thunberbird khu vực châu Á, CEO Công ty Tư vấn đầu tư Auxesia Holdings

Nhân sự kiện này, DNSG Online đã có cuộc trò chuyện với bà Mã Thanh Loan - Đồng Chủ tịch Trung tâm Quỹ Đầu tư Thunberbird khu vực châu Á, CEO Công ty Tư vấn đầu tư Auxesia Holdings (nhà tài trợ bạch kim của Hội thảo) xung quanh vấn đề làm thế nào để tìm kiếm hữu hiệu nguồn vốn đầu tư nước ngoài:

* Theo bà, trong giai đoạn hiện nay, những yếu tố bất ổn của nền kinh tế mà doanh nghiệp phải đương đầu là gì?

- Hiện tại doanh nghiệp Việt Nam gặp phải rất nhiều khó khăn, một phần là do tác động bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, làm giảm sức cầu, ảnh hưởng đến đầu ra của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi nhưng cũng phải mất 2 đến 3 năm nữa, do đó doanh nghiệp Việt Nam còn phải gặp nhiều thách thức trong giai đoạn kế tiếp.

Các yếu tố bất ổn của nền kinh tế vĩ mô trong nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển doanh nghiệp trong năm 2012 và 2013. Lãi suất cao dẫn đến chi phí tài chính lớn, cộng với hàng tồn kho gia tăng làm nợ xấu ngân hàng tăng. Nợ xấu thì không được tiếp tục vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản.

Tuy nhiên theo dự báo của EIU, sau những cải thiện trong chính sách tài chính và tiền tệ của Chính phủ, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi với mức tăng trưởng GDP trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2014-2016. Lạm phát cũng sẽ nằm ở mức 7,4%/năm giai đoạn 2013-2016.

* Có ý kiến cho rằng, trong thách thức luôn có cơ hội. Nếu tham chiếu nhận định này vào bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, những cơ hội đầu tư tại Việt Nam được nhìn nhận như thế nào trong mắt các quỹ đầu tư nước ngoài?

- Chính sách vĩ mô bất ổn là một vấn đề mà các nhà đầu tư lo ngại khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên trong con mắt của một số quỹ đầu tư, đây là thời điểm thuận lợi.

Trước đây các quỹ đầu tư nước ngoài khó tiếp cận các cơ hội đầu tư tốt tại Việt Nam, do một số doanh nghiệp có thương hiệu và làm ăn hiệu quả được quỹ đầu tư nhắm tới thường tỏ ra e dè với nguồn vốn đầu tư ngoại, do lo ngại bị thâu tóm hay bị can thiệp vào bộ máy quản lý… Ngoài ra, sự chênh lệch trong mức định giá công ty cũng là một nguyên nhân khiến hai bên chưa gặp nhau.

Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, các doanh nghiệp nhận thấy việc hợp tác với các đối tác nước ngoài có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm quản lý, mối quan hệ… là chiến lược khả thi giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và ổn định trong trung và dài hạn. Xu hướng tự do hóa thị trường ASEAN từ năm 2015 cũng mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Đông Nam Á với tổng GDP hơn 3 nghìn tỉ USD. Tuy nhiên, đây cũng là thử thách đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì gia tăng cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong khu vực trên chính sân nhà.

Trong tình hình đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam muốn mở rộng hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn từ quỹ nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị cho tiến trình hội nhập. Các quỹ đầu tư đã vào Việt Nam từ đó, và ngày càng nhiều.

* Nhưng hình như cũng không ít quỹ đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường Việt Nam? Bà dự báo thế nào về dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới?

- Nguyên tắc là tiền sẽ đầu tư vào nơi có cơ hội tốt. Việt Nam phải cạnh tranh với các quốc gia khác trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư. Giai đoạn vừa qua, các yếu tố bất ổn của nền kinh tế vĩ mô tại Việt Nam, cộng với việc khó tiếp cận các cơ hội đầu tư trong nước do quy mô doanh nghiệp nhỏ, định giá đầu tư cao, rào cản về văn hóa kinh doanh, thiếu các công ty tư vấn chuyên nghiệp kết nối nhà đầu tư và doanh nghiệp…, nên các nhà đầu tư đã chuyển vốn sang các quốc gia khác. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang phải cạnh tranh với Indonesia và quốc gia mới nổi là Myanmar.

Những lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nhất tại Đông Nam Á (2012) (Nguồn: Bain SE Asia SVCA Survey)

Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi, các nguồn vốn vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ gia tăng. Các lợi thế như giá nhân công thấp, nguồn tài nguyên dồi dào, vị thế chiến lược tại khu vực Đông Nam Á là các yếu tố thu hút đầu tư.

Các công ty nước ngoài thường nhắm tới thị trường tiêu thụ nội đia, do đó xu hướng đầu tư thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đầu tư theo hình thức M&A sẽ giúp nhà đầu tư ngoại rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường do tận dụng các lợi thế sẵn có của các doanh nghiệp mà họ đầu tư hay mua lại. Xu hướng này được chứng minh qua việc gia tăng mạnh tổng giá trị các thương vụ M&A lên đến 4,7 tỷ USD năm 2011 từ mức 1,7 tỷ USD năm 2010, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm 66% giá trị (theo Thomson Reuter).

Đầu tư gián tiếp cũng sẽ gia tăng vì PE của thị trường chứng khoán Việt Nam thấp hơn nhiều các nước Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… và giá giao dịch của một số cổ phiếu hiện tại thấp hơn giá trị sổ sách. Tuy nhiên nguồn vốn quay lại đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết làm ăn hiệu quả vượt qua giai đoạn khủng hoảng chứ không vào một cách ồ ạt như trong giai đoạn nóng vào năm 2006-2007.

* Đâu sẽ là những phân khúc hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, theo bà?

- Theo cuộc khảo sát được tiến hành của Công ty Bain &Company và SVCA, 86% các quỹ đầu tư vào thị trường Đông Nam Á đánh giá lĩnh vực hàng tiêu dùng là ngành đầu tư hấp dẫn. Kế dến là năng lượng và y tế với tỷ lệ 64%.

Đối với Việt Nam nói riêng, các ngành được các quỹ quan tâm hiện nay là hàng tiêu dùng, y tế và dược phẩm, giáo dục, viễn thông, logistics… Một số quỹ đầu tư có các nguồn vốn phát triển hiện nay quan tâm đến nông nghiệp tại Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp phát triển cả chuỗi cung ứng cho nông nghiệp.

Lĩnh vực hàng tiêu dùng là ngành đầu tư hấp dẫn

* Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài, bà có lời khuyên gì cho họ?

- Doanh nghiệp nên xây dựng cho mình một chiến lược tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ sự phát triển cho doanh nghiệp. Nhà đầu tư thường quan tâm đến chiến lược, tiềm năng phát triển, bộ máy quản lý, sự minh bạch hệ thống sổ sách và quản trị doanh nghiêp. Các quỹ đầu tư “distressed” thì quan tâm đến các doanh nghiệp tốt nhưng hiện tại đang trong tình trạng khó khăn về tài chính, quản lý hay thị trường tiêu thụ… Doanh thu và lợi nhuận công ty có thể đi xuống nhưng khả năng tái cấu trúc và vực dậy doanh nghiệp phải cao khi nhà đầu tư đầu tư vào.

Có nhiều dạng quỹ đầu tư khác nhau và các tiêu chí lựa chọn cũng khác nhau. Giá trị quỹ đầu tư có thể mang lại cho doanh nghiệp cũng tùy vào mỗi quỹ. Do vậy, doanh nghiệp nên có chiến lược thu hút vốn, tìm hiểu rõ các quỹ đầu tư trước khi tiếp cận và hợp tác.

Doanh nghiệp Việt Nam nên nhờ sự hỗ trợ của các công ty tư vấn chuyên nghiệp trong quá trình tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, vì các công ty tư vấn có network rộng về các nhà đầu tư, hiểu rõ được nhu cầu và các tiêu chí của họ cũng như nhu cầu của doanh nghiệp. Họ có thể hỗ trợ tư vấn chiến lược, tái cấu trúc để chuẩn bị cho doanh nghiệp tiếp cận nhà đầu tư, chuẩn bị các tài liệu báo cáo cho nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, nhấn mạnh đến các điểm mà nhà đầu tư quan tâm, tham gia vào quá trình thẩm định, định giá, thương lượng và đàm phán với quỹ đầu tư, và có thể tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sau khi quỹ đầu tư tham gia vào.

* Xin cảm ơn bà về những thông tin hữu ích.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn