Hàng không Việt sải cánh

Sự góp mặt của các hãng hàng không tư nhân đã đem đến cho hành khách nhiều sự chọn lựa hơn trong một thị trường sôi động hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quyết liệt, mỗi hãng đều có chiến lược riêng để thu hút khách hàng.

Các hãng hàng không Việt, kể cả hàng không tư nhân đều không ngại tung tiền mua máy bay mới với tham vọng không chỉ khai thác thị trường nội địa mà còn vươn ra khu vực.

Thị trường đầy tiềm năng

Mặc dù sự cạnh tranh ngành hàng không ngày càng quyết liệt, nhưng dưới con mắt của những người trong ngành, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng cho các hãng hàng không giá rẻ. Trong báo cáo năm 2013, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá rằng mặc dù kinh tế Việt Nam chưa hoàn toàn phục hồi, tăng trưởng chậm nhưng thị trường vận tải hàng không đã phục hồi và tăng trưởng trở lại. Cụ thể, tổng lượng khách vận chuyển trong năm 2013 vào khoảng 29,5 triệu khách, tăng 16,7% so với năm trước đó. Trong đó, thị trường nội địa đạt 14,5 triệu khách, tăng 19,3%.

Còn Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo đến năm 2017, Việt Nam sẽ là một trong ba thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9% và vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6% mỗi năm. Dự báo này được IATA đưa ra tại hội thảo “Hàng không chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối Việt Nam với thế giới” được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 8 vừa qua.

Ông Tony Tyler, Tổng Giám đốc IATA, nhận định thị trường hàng không Việt Nam là thị trường năng động và phát triển nhanh chóng. Theo ông, ngành hàng không đã đóng góp 6 tỉ USD cho GDP Việt Nam và tạo ra hơn 230.000 việc làm trong giai đoạn 2008-2013. Trong 5 năm qua, lượng khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam đã tăng thêm 96%. Riêng năm 2013, khoảng 4,6 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không, trong đó, 80% tổng số khách đã đóng góp hơn 5 tỉ USD cho ngành du lịch. Việc nâng cấp mở rộng, xây mới các sân bay, đang được những người trong ngành quan tâm.

Sự chuyển mình của các hãng hàng không trong nước cũng đang đem đến cơ hội làm ăn cho các tập đoàn hàng không quốc tế. Cụ thể, đơn đặt hàng 100 máy bay của Vietjet đã phần nào giúp Airbus càng củng cố thêm sự hiện diện của mình ở thị trường châu Á. Giới quan sát thị trường cho rằng Đông Nam Á với sự phát triển mạnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ là nơi thích hợp cho thị trường máy bay hai dãy ghế như máy bay Airbus A320. Vietjet đang đi theo con đường của các hãng bay giá rẻ khổng lồ của châu Á hiện nay, như Air Asia của Malaysia, Lion Air của Indonesia.

Tham vọng vươn ra khu vực

Xuất hiện và nhanh chóng khẳng định mình trên thị trường hàng không, Vietjet là một trong số những hãng hàng không tư nhân trong khu vực đang thực hiện chiến lược phát triển đầy tham vọng sau những bước thăm dò thị trường. Trong thông tin công bố ngày 16.10, Tập đoàn Airbus cho biết các thành phần của chiếc máy bay Airbus A320 của Vietjet đang trên đường đến Toulouse (Pháp) để hoàn tất công đoạn cuối cùng. Đây là chiếc máy bay đầu tiên trong đơn đặt hàng mua và thuê 100 chiếc mà Vietjet đã ký với Airbus hồi tháng 2 năm nay và đang được hoàn tất giao hàng rất khẩn trương. Cụ thể, Vietjet đặt mua 63 chiếc và được quyền mua thêm 30 chiếc nữa theo kế hoạch phát triển của Hãng. Ngoài ra, hãng này sẽ thuê thêm 7 chiếc máy bay mới từ các đối tác chiến lược.

Theo kế hoạch, Vietjet sẽ nhận chiếc máy bay đầu tiên từ đơn đặt hàng vào tháng 11 năm nay. Để xuất xưởng một chiếc Airbus, công đoạn đầu tiên là kết nối thân, cánh, động cơ; sau đó là lắp càng hạ cánh, buồng lái; các thiết bị điện, điện tử và hệ thống dẫn đường; cuối cùng là lắp đuôi, cánh lái... Mỗi xưởng có thể lắp ráp 2 máy bay cùng lúc, sau đó mang máy bay ra khu thử nghiệm nạp nhiên liệu, điều chỉnh các thông số. Hoàn chỉnh xong, máy bay có thể cất cánh bay về nhà máy ở Frankfurt (Đức) để lắp ghế ngồi. Sau đó máy bay quay lại Toulouse sơn, bay thử lần cuối cùng trước khi chuyển giao cho khách hàng. Tất cả quy trình này đối với loại máy bay thương mại thông dụng A320-A321 được thực hiện trong vòng 1 tháng.

Chiếc máy bay Airbus A320 sắp được giao cho Vietjet.

Với chiếc máy bay sắp sửa nhận, Vietjet sẽ nâng đội máy bay lên 18 chiếc. Hiện tại, Vietjet đang khai thác 27 đường bay trong nước và quốc tế. Việc hãng hàng không này liên tục kết nối đường bay tới Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia phần nào thể hiện tham vọng vươn xa trên thị trường hàng không thế giới.

Hơn nửa năm sau khi Vietjet nhận chiếc Airbus đầu tiên, Vietnam Airlines cũng sẽ tiếp nhận loạt máy bay mới. Cụ thể, giai đoạn giữa năm 2015 đến đầu năm 2019, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 33 chiếc máy bay thân rộng thế hệ mới, trong đó có 19 Boeing B787 và 14 Airbus A350. Riêng năm 2015, Hãng sẽ tiếp nhận tổng cộng 4 máy bay A350 và 5 máy bay Boeing 787.

Giới chuyên gia ngành hàng không nhận xét Vietjet đang ngày càng thể hiện rõ tham vọng bành trướng lĩnh vực hàng không giá rẻ ở châu Á. Cục Hàng không Việt Nam, trong báo cáo tổng kết năm 2013 và kế hoạch công tác năm 2014 cũng đưa ra nhận định, mặc dù trong năm 2013 có hãng hàng không phải tạm dừng bay, nhưng “Vietjet đã có những bước phát triển vượt bậc, phát triển mạnh mẽ về đội máy bay, mạng đường bay, bao gồm cả nội địa và quốc tế cũng như từng bước nghiên cứu đầu tư, thành lập các liên doanh hàng không nước ngoài tại Thái Lan, Myanmar để thâm nhập thị trường nội địa đầy tiềm năng của các quốc gia này, nâng cao vị thế của ngành hàng không Việt Nam trong khu vực”.

Hòa Thuận
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư