Zing - Câu chuyện xây dựng thương hiệu Việt trên Internet

“Nội dung số là một ngành mới, cần liên tục thử nghiệm để tìm kiếm cái mới và cũng cần phải dũng cảm đào thải, dứt bỏ cái cũ nếu cảm giác không phù hợp”, ông Vương Quang Khải, phó Tổng giám đốc VNG chia sẻ về con đường thành công của Zing.

Từ giải trí trực tuyến đến mạng xã hội

Sau 5 năm hình thành và phát triển, Zing là một trong những thương hiệu nội dung số mạnh nhất trên thị trường hiện nay. Không chỉ có vậy, thương hiệu này còn thể hiện vị thế “thượng phong” của mình trên hầu hết các lĩnh vực mà Zing tham gia từ nghe nhạc, tin tức đến mạng xã hội.

Sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Zing là Zing Mp3 ra đời cách đây 5 năm (tháng 7/2008). Lúc đó, thị trường Internet Việt Nam lúc đó còn khá sơ khai, chủ yếu thiên về game trực tuyến, tin tức, một vài diễn đàn, một vào trang nhạc.

Và xu hướng nhạc trực tuyến ngày đó là nghe những gì sẵn có trên website. Zing Mp3 ra đời đã mở ra một xu hướng nghe nhạc mới: tìm kiếm bài hát mà mình ưa thích. Sau 3 tháng ra mắt, Zing Mp3 đã “qua mặt’ các đối thủ khác trên thị trường là nhacso.net, truongton.net… trở thành website số 1 về âm nhạc với hàng triệu lượt nghe mỗi ngày.

Zing là website dẫn đầu thị trường

Thành công của Zing Mp3 đã trở thành động lực lớn cho Zing, khi năm 2008, họ tiếp tục “bành trướng” bằng Zing News và sau đó là hàng loạt sản phẩm như Zing Star, Zing Movie, Zing Forum, Zing Video…

Mạng xã hội Zing Me là sản phẩm lớn tiếp theo ra đời vào tháng 9/2009. Zing Me là nơi nơi để người dùng kết nối và giải trí, đồng thời cung cấp nền tảng tích hợp chung cho các dịch vụ của VNG và nhiều công ty khách ở Việt Nam. Đến tháng 11/2010, Zing Me đã vượt lên các đối thủ trong, ngoài nước trở thành mạng xã hội Việt có lượng người sử dụng nhiều nhất.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Zing Me có khoảng 3.4 triệu bình luận, 1 triệu hình ảnh được chia sẻ, gần 15.000 blog. Nội dung mà người dùng Zing Me tạo ra trong một ngày thậm chí còn lớn hơn nội dung mà các diễn đàn lớn của Việt Nam có được trong nhiều năm hoạt động của mình.

Các sản phẩm của Zing chiếm được thiện cảm của người dùng

Chiến lược chiếm lĩnh các “màn hình”

Sau 3 năm "chiếm lĩnh" màn hình máy tính kể từ năm 2007, Zing tiếp tục chiến lược "xâm nhập" màn hình trên điện thoại di động. Ứng dụng mạng xã hội Zing Me trên iOS ra mắt vào tháng 9/2010 có thể được coi là “bước đi” đầu tiên của Zing vào thị trường ứng dụng smartphone.

Sau đó, đến tháng 12/2010, hàng loạt ứng dụng Zing Me trên nhiều nền tảng khác nhau như Android, Symbian, Java...cũng đã được giới thiệu. Trên cơ sở đó, tháng 3/2011, Zing đã cho ra đời ứng dụng Zing trên iOS và Android tích hợp cả 3 dịch vụ của Zing là nghe nhạc Mp3, tin tức News và mạng xã hội Zing Me.

Một năm sau, Zing đã tiếp tục hội tụ trên màn hình tivi thông qua việc tích hợp Zing tích hợp kho giải trí Zing trên Sony Internet TV vào tháng 9/2010. Tháng 11/2011, Zing là doanh nghiệp Internet đầu tiên ở Việt Nam đã hợp tác cùng một hãng sản xuất điện thoại (Samsung) cho ra mắt điện thoại Galaxy Y - Zing Phone được tích hợp sẵn 6 ứng dụng của Zing là Zing Me, MP3, News, Zing Browser, trò chơi Nông trại vui vẻ 2, trò chơi Kim Cương phiên bản Trái cây. Zing Phone ngay lập tức trở thành “cơn sốt’ trong giới trẻ.

Đến đầu tháng 4/2012, Zing cũng đã tích hợp Zing News lên dòng sản phẩm của mình. Như vậy, chỉ sau 2 năm, Zing đã "phủ kín" sản phẩm của mình trên tất cả các màn hình từ máy tính cho đến tivi thông minh. Trong thời gian sắp tới, Zing dự kiến cho ra mắt Zing Chat và tiến sang thi trường TV online.

Theo ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, người phụ trách dự án Zing, hiện nay Zing đang có khoảng 2 triệu người sử dụng dịch vụ trên mobile mỗi tháng, bằng 1/7 số người sử dụng các dịch vụ của Zing trên nền web.

Thất bại là điểm tựa để đi đến thành công

Trong 5 năm phát triển, Zing cũng gặp vô số thất bại với những thử nghiệm không thành công ở lĩnh vực web như Yobanbe, Zing Chat hay Zing Deal (mua hàng theo nhóm).

Tuy nhiên, theo ông Vương Quang Khải: “Nội dung số là một ngành mới, cần liên tục thử nghiệm để tìm kiếm cái mới và cũng cần dũng cảm phải đào thải, dứt bỏ cái cũ nếu cảm giác không phù hợp. Chúng tôi thu được những bài học quý giá từ tất cả sản phẩm dù thành công lẫn chưa thành công, và những bài học trong quá khứ giúp chúng tôi vững vàng hơn trong tương lai.”

Theo thống kê của Google, tính đến 4/2012, Zing.vn có 14 triệu người dùng, chiếm gần 1/5 dân số Việt Nam hay gần 1% lượng người sử dụng Internet trên toàn thế giới. Zing hiện là website lớn nhất ở Việt Nam và được đánh giá là website duy nhất trong nước có khả năng cạnh tranh lại các doanh nghiệp nước ngoài ở thị trường này. Website này sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 5 vào tháng 8 tới đây.

Nguồn Bản sắc Thương hiệu