Bột giặt Lix: Sống nhờ gia công, tìm đường thoát kiếp gia công

Vài ba năm gần đây, người tiêu dùng có thể nhận thấy bột giặt và nước giặt Lix xuất hiện nhiều hơn trên các quầy tạp hóa ở nông thôn và thấp thoáng tại các kệ siêu thị.

Nếu dạo quanh khu vực bày chất tẩy rửa trên các kệ siêu thị, từ bột giặt, nước giặt, nước rửa chén hay nước xả vải, không khó khăn khi nhận ra hầu hết các vị trí đẹp đều thuộc về các tên tuổi lớn của Unilever hay Procter & Gamble, cùng với lượng không nhỏ các sản phẩm gắn nhãn hàng riêng của siêu thị. Tuy nhiên, có thể hầu hết trong số đó lại được sản xuất tại các công ty Việt Nam chuyên đi gia công. Lix là một trong số đó.

Sống nhờ gia công

Tiền thân là Công ty kỹ nghệ hóa phẩm Huân Huân thành lập năm 1972 với nhà xưởng có quy mô ban đầu nhỏ hẹp, CTCP Bột giặt Lix (mã chứng khoán: LIX) hiện là một thành viên của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Từ gia công cho Unilever...

Câu chuyện của Lix là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong ngành hóa mỹ phẩm. Những năm 90, LIX từng là cái tên nổi đình nổi đám trên thị trường bột giặt trong nước, trước khi Unilever và P&G đổ bộ thị trường Việt Nam năm 1995.

Với tiềm lực tài chính mạnh, những tập đoàn đa quốc gia này nhanh chóng đánh bật các đối thủ yếu thế trong nước. Lúc này, các công ty trong nước có 2 con đường để lựa chọn: gia công, hoặc chấp nhận bị thâu tóm/đóng cửa.

Từ năm 2000, Lix bắt đầu gia công cho Unilever – đối tác chính của công ty cho đến hiện nay. Khi đó, gia công cho Unilever chiếm đến 70% doanh thu của Lix.

... đến gia công các nhãn hàng riêng cho siêu thị, xuất khẩu

Có thể nói, trong ngành hóa mỹ phẩm nói chung, không có doanh nghiệp nội nào là không gia công. Đây là cửa sống cho doanh nghiệp khi không cạnh tranh nổi với các tập đoàn đa quốc gia, sản phẩm ngày càng ế ẩm, công nhân thiếu việc làm. Các sản phẩm đình đám một thời của doanh nghiệp nội như bột giặt Lix, kem đánh răng Hynos, xà bông Cô Ba… dần vắng bóng.

Sống nhờ gia công là cách Lix và không ít doanh nghiệp hóa mỹ phẩm đã tồn tại trong nhiều năm liền. Những năm gần đây, khi các siêu thị lớn đua nhau làm nhãn hàng riêng, ngoài gia công cho Unilever, Lix còn ký kết hợp đồng gia công cho hệ thống các siêu thị như Big C, Co.op Mart, Metro, Lotte…

Chưa hết, không chỉ gia công trong nước, Lix còn đẩy mạnh việc xuất khẩu bột giặt và chất tẩy rửa lỏng thông qua các nhãn hàng riêng của các nhà phân phối tới khoảng 20 thị trường, gồm Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Phillipines, Hàn Quốc, Úc, Campuchia, Nam Phi và các nước châu Phi như Sudan, Madagascar, Ghana, Ethiopia, và các nước Trung Đông. Thị trường xuất khẩu hiện chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ của công ty, mang về doanh thu hơn 15 triệu USD/năm.

Tìm đường 'thoát xác' gia công

Lix phải nhìn vào một thực tế là, sản lượng gia công ngày càng tăng, nhưng giá trị mang lại không cao. Nếu cứ tiếp tục gia công mà không tìm cách xây dựng và phát triển thương hiệu riêng, công ty sẽ tự đào thải mình. Nhưng nếu cắt hẳn việc gia công, thì nguồn sống chủ lực sẽ sẽ mất, ngân sách marketing không có, công ty sẽ khó bám trụ thị trường cạnh tranh khốc liệt với các hãng lớn của nước ngoài.

Năm 2011, sản lượng gia công chiếm đến 34%, nhưng chỉ chiếm 3% tổng doanh thu.

“Thà chúng tôi hợp tác với họ còn hơn là chịu cảnh rớt doanh số thê thảm. Chúng tôi gia công song song với làm hàng của mình thì vẫn duy trì hoặc tăng được tổng doanh số”, ông Lâm Văn Kiệt, Tổng giám đốc CTCP bột giặt Lix cho biết trong một bài phỏng vấn.

Lix chọn phương án đi bằng hai chân: Vừa giảm dần gia công, đồng thời tăng dần sản xuất sản phẩm riêng mang thương hiệu của mình. Cho đến năm 2011, tỷ trọng gia công đã giảm xuống còn 34% tổng sản lượng của Lix.

Lix cũng đầu tư nhiều hơn cho các sản phẩm mang thương hiệu riêng, đặc biệt là các dòng chất tẩy rửa lỏng, do tốc độ tăng trưởng mạnh hơn và suất sinh lời cao hơn.

Về năng lực sản xuất, ngoài nhà máy đầu tiên tại TPHCM, từ năm 2005, Lix tiến hành mua lại nhà máy sản xuất bột giặt từ Công ty liên doanh Unilever Việt Nam tại Hà Nội, với công suất 30.000 tấn bột giặt/năm, sáp nhập vào chi nhánh Hà Nội (công suất 5.000 tấn/năm). Hiện nay, nhà máy tại Hà Nội có công suất 50.000 tấn bột giặt và 35.000 tấn chất tẩy rửa lỏng/năm, nhà máy tại TPHCM có công suất 120.000 tấn bột giặt/năm.

Năm 2008, Lix thành lập chi nhánh Lix Bình Dương và bắt tay xây dựng nhà máy Lix Bình Dương. Nhà máy Lix Bình Dương đi vào hoạt động từ năm 2012, góp phần tăng tổng công suất các nhà máy từ 170.000 tấn bột giặt/năm năm 2011 lên 210.000 tấn bột giặt/năm từ 2012, chất tẩy rửa lỏng từ 35.000 tấn/năm lên 65.000 tấn/năm.

Trong 5 năm gần đây, trước khó khăn của nền kinh tế, doanh thu công ty vẫn tăng trưởng bình quân 20%/năm. 6 tháng đầu năm 2014, một con số đáng chú ý trong báo cáo tài chính công ty này là chi phí khuyến mại: Lix đã bắt đầu chi mạnh tay hơn cho khuyến mại, tăng gấp hơn 5 lần, lên mức 34,9 tỷ đồng so với mức 6,2 tỷ đồng trong 6 tháng cùng kỳ năm ngoái.

Với hệ thống phân phối với 100 nhà phân phối cấp 1, khoảng 35.000 điểm bán lẻ, công ty này đã dần quay lại thị trường thay vì mãi cam phận làm cái bóng gia công cho các tập đoàn và siêu thị lớn. Vài ba năm gần đây, người tiêu dùng có thể nhận thấy bột giặt và nước giặt Lix xuất hiện nhiều hơn trên các quầy tạp hóa ở nông thôn và thấp thoáng tại các kệ siêu thị. Còn theo báo cáo của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), Lix đã vượt qua thị phần P&G, hiện đứng thứ 2 thị trường bột giặt, xếp sau Unilever. Trên thị trường chất tẩy rửa lỏng (chủ yếu là nước rửa chén), Lix đứng thứ 3, xếp sau Unilever và Mỹ Hảo.

Kỳ Anh
Nguồn Infornet