Khi nhà phân phối quảng bá hàng Việt

Vai trò của nhà phân phối ngày càng được ghi nhận trong nỗ lực quảng bá và mở rộng thị trường hàng Việt.

Hàng Việt được ưa chuộng

Kết quả khảo sát trong năm 2014 của TP.HCM được Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng công bố tại lễ tổng kết 5 năm cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mới đây cho thấy, có đến 73,43% người khảo sát khẳng định ưu tiên chọn hàng Việt Nam khi mua sắm; 62,8% người cho biết đã khuyên người thân, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt. Thậm chí, những người trước đây có thói quen mua hàng hóa nước ngoài nay đã dừng hoặc ít mua, thay vào đó là mua hàng Việt Nam.

Cũng theo khảo sát này, nhóm hàng sản xuất trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng so với trước đây đã tăng cao, bao gồm hàng nông sản, rau quả, dệt may, da giày, thực phẩm, đồ gia dụng, văn phòng phẩm... Có đến 85,5% số người được khảo sát cho biết lựa chọn đồ dùng trong gia đình là hàng Việt (tỷ lệ này trong năm 2010 là 50%).

Không chỉ sử dụng hàng Việt trong sinh hoạt hằng ngày, người tiêu dùng cũng rất quan tâm và ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cụ thể, có đến 96% người dân quan tâm và rất quan tâm đến cuộc vận động này.

Hàng Việt tiêu thụ mạnh nhờ hệ thống phân phối

Sự tin yêu hàng Việt của người tiêu dùng trong nước cũng thấy rõ tại kênh phân phối hiện đại. Tại các hệ thống siêu thị Big C, Satramart..., hàng Việt chiếm đến 90% trong cơ cấu hàng hóa tại đây. Trong các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op (Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra, Sense City, HTV Co.op), tỷ lệ hàng Việt Nam đạt trên 90%.

Đặc biệt, trong 10.000 mặt hàng của ngành thực phẩm, hàng Việt chiếm đến 95%. Doanh thu hàng Việt bán qua hệ thống phân phối của Saigon Co.op năm 2014 ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng, trong đó, ngành hàng thực phẩm đạt gần 13.000 tỷ đồng. Ngay cả như trung tâm phân phối sỉ Metro, hàng do các doanh nghiệp (DN) trong nước cũng chiếm tỷ lệ 90%.

Đánh giá về hàng Việt, ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, cho rằng: "Hàng Việt hiện đã có cải tiến đáng kể về mẫu mã, bao bì và chất lượng. Tuy vậy, nếu chỉ sản xuất mà không tính toán đến xu hướng tiêu dùng và nhu cầu của khách hàng thì sản phẩm khó có thể có chỗ đứng trên thị trường".

Lực đẩy từ nhà phân phối

Không thể phủ nhận vai trò của các hệ thống phân phối trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Chẳng hạn như với Metro, từ nhiều năm nay, DN này hỗ trợ hàng Việt qua hàng loạt chương trình, dự án như đào tạo nông dân, ngư dân, nhà sản xuất cung ứng các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, kết nối nhà sản xuất trong nước với kênh phân phối hiện đại...

Mặc dù đã chuyển nhượng cho BJC nhưng Metro Việt Nam vẫn tiếp tục các dự án hỗ trợ hàng Việt. Mới đây, ngày 17/9, Metro Việt Nam đã khai mạc chương trình "Người Việt tin dùng hàng Việt" tại 19 trung tâm Metro.

Lần này, Metro hợp tác với các nhà cung cấp giới thiệu các sản phẩm đa dạng từ thực phẩm đến phi thực phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước cùng chương trình kích cầu với mức chiết khấu lên tới 45% dành cho khách hàng.

Kết quả khảo sát trong năm 2014 của TP.HCM được công bố tại lễ tổng kết 5 năm cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mới đây cho thấy, có đến 73,43% người khảo sát khẳng định ưu tiên chọn hàng Việt Nam khi mua sắm; 62,8% người cho biết đã khuyên người thân, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt.

Chương trình hỗ trợ nhà sản xuất được Metro thực hiện từ năm 2005 bằng việc xây dựng trạm trung chuyển rau củ quả tại các vùng nguyên liệu như Đà Lạt và các tỉnh phía Bắc, trạm thu mua và trung chuyển thủy hải sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến nay, Metro đã liên kết đào tạo cho hơn 20.000 lượt nông dân, ngư dân và cán bộ thực địa các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cho thị trường hơn 11.000 tấn rau củ quả và hơn 3.000 tấn thủy hải sản an toàn mỗi năm.

Trong khi đó, hệ thống Co.opmart ngay từ đầu thành lập (năm 1996) đã xác định "là cầu nối hàng Việt Nam với người tiêu dùng" tổ chức chương trình "Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao". Từ đó, đến nay, chương trình đều đặn được tổ chức hằng năm với sự tham gia của hàng trăm DN. Năm 2014, chương trình có hơn 600 DN tham gia, với ngân sách khuyến mãi gần 200 tỷ đồng.

Cũng như thế, nhiều năm nay, Big C hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt" bằng cách tạo thuận lợi cho nông dân các tỉnh đưa hàng vào bán tại hệ thống Big C đồng thời với việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Từ năm 2012 đến nay, Big C đã tổ chức thành công hơn 40 phiên chợ hàng Việt tại các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa...

Thời gian qua, các nhà phân phối đã nỗ lực hỗ trợ các nhà sản suất cải thiện chất lượng, mẫu mã hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như yêu cầu của các hệ thống phân phối hiện đại. Saigon Co.op đã ký kết với 40 nhà cung cấp chiến lược, hỗ trợ vốn cho các HTX, các DN sản xuất hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho người tiêu dùng từ năm 2009.

Với cách làm này, nhiều loại nông sản của các HTX như Ngã Ba Dòng, Thỏ Việt, Phước An... có đầu ra và giá ổn định khi được siêu thị Co.opmart bao tiêu. Hệ thống siêu thị Big C thì ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của hơn 100 nhà sản xuất vừa và nhỏ ở các tỉnh.

Không dừng lại ở việc hợp tác, mua bán, Big C chủ động đồng hành với các nhà sản xuất để phát triển các dự án hướng đến chất lượng sản phẩm như dự án trồng rau củ sạch, thịt chất lượng cao.

Không chỉ làm cầu nối tiêu thụ hàng Việt trong nước, các nhà phân phối còn giúp tiêu thụ hàng Việt ra nước ngoài. Ông Philippe Bacac, cho biết: "Không chỉ góp phần thúc đẩy nền sản xuất trong nước thông qua việc phân phối sản phẩm Việt trên toàn hệ thống mà chúng tôi còn tích cực giới thiệu sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua Metro trên 29 quốc gia".

Năm 2013, thông qua Văn phòng Thu mua, Tập đoàn Metro đã thu mua thực phẩm và phi thực phẩm của Việt Nam với tổng trị giá hơn 40 triệu USD. Chỉ riêng nông sản, năm 2013, hàng Việt xuất qua Metro đạt 6 triệu USD và dự kiến sẽ tăng lên 12 triệu USD vào cuối năm nay.

Cũng đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt ra các nước, năm 2013, Big C đã xuất 21 triệu USD nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, vải sợi, đồ gỗ... qua các chi nhánh của Tập đoàn Casino, tăng 30% so với năm 2012.

Trong khi đó, thông qua liên kết với Fairprice, năm 2013, Saigon Co.op đã xuất sang Singapore 300 mặt hàng nông sản thực phẩm gồm bưởi Năm Roi, thanh long, khoai lang, thực phẩm khô... và dự kiến, sẽ tăng lên 3.000 mặt hàng vào năm 2016.

Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn