Hội nhập nhìn từ câu chuyện thời trang và fastfood

Không phải người Việt thiếu ý tưởng về thiết kế mà giới hạn về mẫu mã thiết kế. Tương tự, các chuỗi thức ăn nhanh trong nước chưa đưa ra được tiêu chuẩn của một fast food. Đó là nhận xét của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn.

“Các thương hiệu thời trang thế giới họ có lịch sử hàng trăm năm, họ cũng “ba chìm bảy nổi” mới đạt được doanh số hàng tỷ USD. Vậy Việt Nam mình thiếu gì?", ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đặt câu hỏi tại Diễn đàn CEO Việt Nam 2014.

Theo ông Hạnh Nguyễn, "chúng ta không thiết kế cho thế giới mặc mà chỉ thiết kế cho người Việt mặc, với kích cỡ nhỏ, màu sắc chỉ theo ý nhà thiết kế Việt Nam, trong khi các nhà thiết kế quốc tế thì họ thiết kế cho hàng tỷ người, đa dạng”.

Có trường hợp một số công ty may mặc trong nước, khi những sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng được “tung” ra, họ “copy” nhưng chất lượng lại không bằng. Sản phẩm nhiều khi có “lỗi” vẫn được đưa ra thị trường trong khi nước ngoài chỉ cần hư một đường chỉ họ cũng không cho xuất hàng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP). Ảnh TL

Chính vì vậy, kiểu dáng không chạy theo kịp. Các thương hiệu nổi tiếng hầu hết họ có sản phẩm làm tại Việt Nam nhưng họ có sự kiểm tra sản phẩm gắt gao.

Ông Hạnh cho rằng câu chuyện này không chỉ xảy ra trong lĩnh vực thời trang, mà còn áp dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thức ăn nhanh.

Tại sao Burger King và nhiều thương hiệu khác họ tồn tại trăm năm? Tại sao các chuỗi thức ăn nhanh trong nước lại sớm nở chóng tàn?

Ông cho rằng do các chuỗi thức ăn nhanh trong nước chưa đưa ra được tiêu chuẩn của một fast food.

“Cửa hàng anh mở ra, sáng chế thức ăn theo công thức chỉ dẫn của má, vợ anh. Qua cửa hàng số 2, số 3… thì việc pha chế bắt đầu lộn xộn; đến cái cửa hàng thứ 10 là bảo đảm “từ đen ra trắng”. Trong khi những thương hiệu lớn họ có định lượng chuẩn mực. Chẳng hạn một đùi gà là bao nhiêu bột, muối, đường… thức ăn của họ được yêu cầu bán trong vòng bao nhiêu lâu, nếu không bán kịp sẽ bắt buộc phải bỏ…”, ông nói.

“Thị trường là chiến trường, thành ra chúng ta phải thắng. Chúng ta có cơ hội, phải đối đầu, phải thắng mới có cơ hội tăng trưởng.”

Phải đối đầu, phải thắng!

Đấy là điều mà ông chia sẻ về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta sắp gia nhập sâu rộng trong khu vực và thế giới.

“Thị trường là chiến trường, thành ra chúng ta phải thắng. Chúng ta có cơ hội, phải đối đầu, phải thắng mới có cơ hội tăng trưởng.”

Khi chia sẻ câu chuyện về việc đầu tư vào du lịch, ông Hạnh cho rằng không quốc gia nào từ chối ngành du lịch, từ Singapore, Hông Kông, Mỹ, Pháp… bởi đó là ngành công nghiệp không khói, là tiền “người ta” đem vô cho mình.

“Từ đầu tôi định hướng chuyện làm du lịch nhưng không phải kiểu mở tour du lịch mà là những dịch vụ, những sản phẩm đi kèm du lịch. Việt Nam là nước đang phát triển nên cần những thương hiệu fast food, gắn với hàng không và sân bay, đó là những mảng tôi đã có kinh nghiệm hơn 30 năm nay.”, ông chia sẻ.

Huyền Trâm
Nguồn Biz Live