Dịch vụ đặt chỗ taxi: Sức mạnh sẽ vào tay gã khổng lồ?

Thị trường Việt nam đang chứng kiến một cuộc chạy đua sát sao giữa các dịch vụ đặt chỗ taxi như Grabtaxi, Easytaxi và gần đây là Uber trên con đường chinh phục người dùng. Mặc dù Uber không được xếp chính thức vào dịch vụ gọi taxi, mô hình chia sẻ xe sang cá nhân của hãng này đang đe dọa nghiêm trọng đến miếng bánh thị phần của các hãng taxi truyền thống và các dịch vụ tương tự khi hãng này cam kết cung cấp dịch vụ ưu việt hơn, với giá thành rẻ hơn, mở ra một cuộc chiến khốc liệt giữa các dịch vụ chia sẻ taxi trên cả hai mặt trận truyền thông và dịch vụ.

Cuộc chiến truyền thông

Đều đang ở giai đoạn đầu trong quá trình thâm nhập thị trường, cả Uber, Grabtaxi và Easytaxi đều nỗ lực tung ra các chiến lược marketing khác biệt nhằm gây sự chú ý và thuyết phục các thượng đế. Grabtaxi được đánh giá là đã có các chiến lược quảng bá bàn bản và khôn ngoan. Theo thống kê từ hệ thống Social Listening của Younet Media, Grabtaxi đang có độ nhận diện thương hiệu tốt nhất trên môi trường trực tuyến nhờ tập trung khai thác khả năng viral của Facebook và sức mạnh của các influencers như Thích Ăn Phở, Robbey và Fanpage riêng của hãng. Grabtaxi cũng đẩy mạnh hợp tác với báo giới, cộng đồng khởi nghiệp đồng thời tung ra các gói khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Hiện tại, Grabtaxi đang chiếm ưu thế tuyệt đối so với các đối thủ về độ nhận diện thương hiệu trực tuyến khi chiếm đến 62% lượng thảo luận & tin tức về dịch vụ chia sẻ taxi.

Grabtaxi đang chiếm ưu thế tuyệt đối về mức độ hiện diện thương hiệu trực tuyến (Nguồn: SocialHeat)

Phần lớn thông tin và thảo luận về Grabtaxi đến từ Facebook (Nguồn: SocialHeat)

Hình 3: Grabtaxi nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng mạng và giới truyền thông (Nguồn: SocialHeat)

Hình 4: Grabtaxi tận dụng tốt các Facebook influencers để tăng nhận thức thương hiệu vàmức độ tương tác với khách hàng (Nguồn: SocialHeat)

Trong khi đó, trước khi chính thức vào thị trường Việt Nam vào ngày 20/6, dịch vụ chia sẻ xe hạng sang Uber đã được biết đến thông qua các sự kiện Google Map tích hợp dịch vụ Uber (7/5), và thông tin Uber được định giá 17 tỉ đô sau khi được đầu tư bởi hàng loạt các quỹ đầu tư tầm cỡ trên thế giới như Google Ventures, Menlo Ventures, Summit Partners và Kleiner Perkins Caufield & Byers (11/6). Với hình ảnh thương hiệu lớn, sự kiện Uber gia nhập thị trường Việt Nam cũng được sự ủng hộ lớn của cộng đồng mạng khi có đến 23% ý kiến ủng hộ thương hiệu này. Lượng earned media rất lớn từ kênh online news và forums. Dường như việc sử dụng hình ảnh của các hot influencers như Hoàng Thùy Linh, Chi Pu và các forum công nghệ có uy tín như tinhte.vn là một sự khởi đầu đúng đắn của Uber.

Hình 6: Uber được thảo luận nhiều nhất trên các forum (Nguồn: SocialHeat)

Google Trends cũng cho thấy xu hướng tìm kiếm của Netizens nghiêng về phía thương hiệu lớn hơn, Uber, trong giai đoạn 3 tháng gần đây, với GrabTaxi theo sát.

Được giới thiệu trên thị trường cùng lúc với Grabtaxi (tháng 2/2014), tuy nhiên có vẻ Easytaxi vẫn đang loay hoay trên con đường tiếp cận khách hàng. Lượng thảo luận về dịch vụ và ứng dụng của Easytaxi ít hơn hẳn so với Grabtaxi và chỉ có dấu hiệu khởi sắc vào ngày 10/7 khi dịch vụ Easytaxi chính thức đặt chân đến Hà Nội. Tuy nhiên, chủ yếu sự hiện diện của hãng này là từ các diễn đàn như tinhte.vn và đều ở dạng đưa tin, không gây được sức hút hay kích thích sự tương tác cao với khách hàng. Fanpage của Easytaxi cũng chưa hoạt động thực sự hiểu quả, trong khi Grabtaxi và Uber đều hợp tác với các Facebook influencers và đạt được những thành công đáng kể.

Hình 5: Online Buzz về Grabtaxi cao hơn so với Easytaxi (Nguồn: SocialHeat)

Hướng đi nào cho gã khổng lồ Uber?

Mặc dù chiếm ưu thế về danh tiếng thương hiệu, Uber vẫn sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Grabtaxi và Easytaxi đã gia nhập thị trường sớm hơn và cũng đã có một lượng khách hàng nhất định. Trong khi mô hình hoạt động của Grabtaxi và Easytaxi hướng đến việc liên kết với hãng taxi truyền thốngnhư Vinasun, Mai Linh và Vinataxi, việc phát triển mô hình hoạt động của Uber thực sự gặp nhiều khó khăn khi lượng người sở hữu xe hơi cá nhân tại Việt Nam không nhiều so với các hãng taxi phổ thông, nhất là xe hơi hạng sang, thường là những người có thu nhập cao và thành đạt. Vì vậy cũng không dễ dàng thuyết phục họ chia sẻ phương tiện cá nhân của mình với lý do tăng thêm thu nhập, nhất là đối với văn hóa trọng hình thức của người Phương Đông. Ngoài ra, vấn đề an ninh cá nhân và hình thức thanh toán tín dụng chưa phổ biến ở Việt Nam sẽ là những rào cản không nhỏ đối với các nhà điều hành của Uber.

Nhìn chung, mỗi hãng đều có một ưu thế và hướng phát triển riêng trên con đường chiếm lĩnh thị phần, khiến cuộc đua trở nên gay cấn hơn bao giờ hết. Mặc dù ở thời điểm hiện tại Grabtaxi đang chiếm nhiều ưu thế; nhưng nếu được chú trọngvào tiện ích, dịch vụ, giá cả hợp lý cùng các chiến lược marketing hiệu quả, Uber và Easytaxi vẫn có thể xoay chuyển tình hình. Để làm được điều đó, các hãng cần hiểu rõ nhu cầu khách hàng, nguyện vọng, mối quan tâm cũng như phản hồi của họ về chất lượng của loại hình dịch vụ còn khá mới mẻ này, và một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất là lắng nghe khách hàng thông qua các kênh truyền thông trực tuyến.

Nguồn SocialHeat by YouNet Media