Bài toán 'sinh lời' của Vocarimex

Mặc dù đợt IPO của Vocarimex thành công rực rỡ, song khả năng sinh lời của công ty này thấp một cách đáng ngạc nhiên. Sự "se duyên" với Kinh Đô được kỳ vọng sẽ giúp Vocarimex cải thiện tỷ lệ này.

Độc chiếm thị trường dầu ăn thực vật

Cổ phiếu Vocarimex vừa trở thành hàng “hot” trên thị trường chứng khoán sau khi Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Công ty TNHH MTV – Vocarimex tiến hành IPO thành công rực rỡ.

Sự quan tâm của nhà đầu tư tới cổ phiếu này là điều dễ hiểu bởi hiện nay, Vocarimex gần như độc chiếm thị trường dầu ăn trong nước với việc sở hữu hệ thống các công ty con và công ty liên kết đều là đơn vị uy tín và chiếm thị phần lớn trong ngành như CTCP Dầu ăn Tường An – TAC (thị phần thứ 2), CT TNHH Dầu thực vật Cái Lân (thị phần đứng thứ 1) và CT Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, và CTCP Thực vật Tân Bình lần lượt chiếm thị phần thứ 3 và thứ 4.

Các con số thống kê cho thấy, năng lực sản xuất của Vocarimex và toàn hệ thống hiện đang chiếm trên 81% tổng công xuất dầu tinh luyện sản xuất trong nước, đáp ứng trên 85% thị phần dầu thực vật sản xuất trong nước.

Năng lực sản xuất của Vocarimex và toàn hệ thống hiện đang chiếm trên 81% tổng công xuất dầu tinh luyện sản xuất trong nước, đáp ứng trên 85% thị phần dầu thực vật sản xuất trong nước.

Doanh thu và lợi nhuận ròng bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2010 – 2013 của công ty mẹ đạt lần lượt khoảng 3.900 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân mỗi năm lần lượt đạt 8% và 42%.

Sản phẩm chính của công ty là dầu xá (chiếm 94% doanh thu) với giá trị doanh thu bình quân mỗi năm đạt trên 4.000 tỷ đồng trong 3 năm qua và tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước cụ thể là cung ứng cho hệ thống các công ty con và công ty liên kết, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là CTCP Dầu thực vật Tường An.

Đặc biệt, các sản phẩm dầu tinh luyện của Vocarimex và các công ty con, công ty liên kết như: Dầu Neptune, Dầu Simply (sản phẩm của Cái Lân); Dầu Marvela, (sản phẩm của Golden Hope – Nhà Bè); Dầu Cooking Tường An (sản phẩm của Tường An); Dầu nành tinh luyện Nakydaco (sản phẩm của Tân Bình), Dầu Cooking Voca, Dầu mè Voca (sản phẩm của Vocarimex) đang độc chiếm thị trường dầu ăn.

Theo mục tiêu đặt ra, sau cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của công ty mẹ ước tính đạt 7 – 8%/năm để hướng tới đạt 5.625 tỷ đồng doanh thu vào năm 2016. Trong đó, sản lượng dầu thực vật tiêu thụ và kinh doanh tính đến năm 2016 dự kiến đạt lần lượt 265.000 tấn và 140.000 tấn.

Tổng doanh thu của Vocarimex và các đơn vị trong hệ thống đạt 27.000 tỷ đồng vào năm 2016, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 5 năm 2012 – 2016 là 3,4%/năm. Sản lượng dầu thực vật tiêu thụ đến năm 2016 dự kiến đạt 920.000 tấn với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2012 – 2016 là 7,2%/năm. Giá trị xuất khẩu năm 2016 dự kiến đạt 54 triệu USD với CAGR ước đạt 1,3%/năm.

Dự kiến, vị thế của Vocarimex trên thị trường dầu ăn vẫn sẽ được giữ vững bởi Vocarimex dự kiến sẽ liên doanh, liên kết với các đối tác lớn trong ngành để hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy tinh luyện dầu thực vật tại miền Bắc và miền Trung.

Tăng cường bán lẻ sẽ giúp Vocarimex cải thiện tỷ lệ sinh lợi

Cụ thể, năm 2014, Công ty lên kế hoạch sẽ đầu tư 600 tỷ đồng để bổ sung thêm thiết bị, máy móc cho các nhà máy hiện nay là Nhà máy Dầu thực vật Vocarimex, Dầu Hiệp Phước, Dầu Quảng Ninh, nhằm khai thác tối đa công suất của các nhà máy này. Đến cuối năm 2014, tổng công suất tinh luyện đạt 1,1 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, Vocarimex xây dựng nhà máy tại khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa với công suất 495.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các chuyên gia nghiên cứu, dư địa phát triển đối với ngành dầu ăn là khá cao do mức tiêu thụ dầu ăn bình quân còn thấp. Hiện tỷ lệ này tại Việt Nam là khoảng 7kg/người/năm chỉ tương đương ½ mức tiêu thụ dầu ăn bình quân để đảm bảo sức khỏe (13,5kg/người/năm) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Ngoài ra, theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, dầu thực vật đang chiếm cơ cấu đến 29% trong ngành thực phẩm tiêu dùng chỉ xếp sau sau mì ăn liền. Điều này cho thấy khả năng tăng trưởng đối với ngành dầu ăn là khá lớn trong tương lai.

Tỷ suất sinh lời quá thấp

Sự kiện cổ phần hóa Vocarimex đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tuy nhiên theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank, mức độ hấp dẫn của khoản đầu tư cần cân nhắc bởi 3 quan ngại chính. Thứ nhất, các công ty con và công ty liên kết của Vocarimex đang cạnh tranh gay gắt trong cuộc chiến giành thị phần. Thứ hai, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thứ ba, tỷ suất sinh lợi ở mức thấp và khó có tăng trưởng đột biến.

Về thị phần, trong số các công ty thương hiệu dầu ăn đình đám liên quan đến Vocarimex, chỉ có Tường An là công ty con của Vocarimex. Còn lại, các thương hiệu khác như Cái Lân, Tân Bình và Nhà Bè chỉ là công ty liên doanh, liên kết. Vì vậy, VCBS nhận định, mặc các công ty này giữ thị phần lớn nhưng thị phần này có thể bị chia sẻ bởi cổ đông chiến lược hay các cổ đông lớn của các công ty đó. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc tổ chức chưa hợp lý, tình cảnh nội bộ cạnh tranh lẫn nhau gay gắt sẽ là nguy cơ gây mất ổn định của Vocarimex sau này.

Dây chuyền sản xuất của Vocarimex

Về nguyên liệu, hiện nay, 90% nguyên liệu đầu vào của Vocarimex là nhập khẩu (chủ yếu dầu cọ, dầu nành). Điều này không chỉ khiến Vocarimex gặp rủi ro đối với kiểm soát biến động giá trên thế giới mà còn gánh thêm rủi ro về tỷ giá. Để hạn chế rủi ro này, công ty đã từng thực hiện nhiều phương án phát triển vùng nguyên liệu nhưng các dự án này đều không khả thi. Kết quả là hàng năm công ty đều phải vay nợ bằng ngoại tệ để nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài trong khi đầu ra chỉ là bán trong nước, làm phát sinh khoản lỗ về chênh lệch tỷ giá mỗi năm, cụ thể năm 2013 là khoảng 8,6 tỷ đồng.

Nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu, cộng thêm mạng lưới phân phối còn hạn chế khiến khả năng sinh lợi của Vocarimex thấp. Bên cạnh đó, do việc kinh doanh dầu xá đóng vai trò chủ lực trong hoạt động của Vocarimex mà bản chất của hoạt động này chủ yếu thương mại và phần gia công sản xuất chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên chi phí giá vốn là khá cao và chiếm gần như toàn bộ phần doanh thu đạt được. Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của Vocarimex luôn ở mức thấp, chỉ khoảng 2-3%/năm.

Mặc dù Vocarimex đang có kế hoạch đầu tư thêm một loạt nhà máy, song VCBS tin rằng, việc đầu tư này chỉ giúp phát triển doanh nghiệp về chiều ngang mà chưa giải quyết được bài toán cốt lõi tại Vocarimex hiện nay để tăng tỷ suất lợi nhuận là vấn đề nguyên liệu và hệ thống phân phối.

Kinh Đô sẽ giúp Vocarimex lật ngược "thế cờ" lợi nhuận?

Trước khi tiến hành IPO, Vocarimex đã bán 24% cổ phần cho đối tác chiến lược là Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) và 8% cho Công ty chứng khoán VPBank (VPBS). Sau khi cổ phần hóa, Nhà nước chỉ nắm giữ 36% cổ phần của Vocarimex.

Các chuyên gia nghiên cứu của VCBS kỳ vọng, việc KDC trở thành cổ đông chiến lược của Vocarimex sẽ giúp công ty sẽ tận dụng được thế mạnh của KDC – là một trong những công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp và quy trình quản lý chuyên nghiệp để phát triển mảng bán lẻ.

Mặt khác, hiện nay hầu hết các sản phẩm của Vocarimex đều là sản phẩm dầu xá (là dầu chưa tinh luyện) với tỷ suất lợi nhuận rất thấp, do đó với sự tham gia của KDC, có thể cơ cấu sản phẩm của Vocarimex sẽ được thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng sản phẩm bán lẻ, từ đó giúp cải thiện suất sinh lợi chung của công ty.

Việt “kết duyên” giữa hai ông lớn trong ngành tiêu dùng là KDC và Vocarimex được các chuyên gia trong ngành đánh giá là quyết định khôn ngoan. Bởi hiện nay, dù đang dẫn đầu về thị trường dầu ăn thực vật, song Vocarimex đang phải chia sẻ quá nhiều lợi nhuận cho các nhà bán lẻ.

Dù đang dẫn đầu về thị trường dầu ăn thực vật, song Vocarimex đang phải chia sẻ quá nhiều lợi nhuận cho các nhà bán lẻ.

Trong khi đó, Kinh Đô – dù đang dẫn đầu thị trường bánh kẹo trong nước, song tốc độ phát triển đang chậm lại. Do đó, muốn gia tăng sự ảnh hưởng của mình, Kinh Đô buộc phải kinh doanh các sản phẩm thiết yếu mới, trong đó có dầu ăn. Sự gia tăng những mặt hàng này sẽ giúp KDC tận dụng tối đa hiệu quả mạng lưới bán lẻ hùng hậu của mình.

Với Vocarimex, ngoài các hạn chế như đã nêu ở trên thì điểm cộng của công ty này là cơ cấu vốn khá vững chắc, tỷ lệ an toàn vốn cao.

Quy mô tổng nguồn vốn của Vocarimex những thời gian qua tăng trưởng nhanh nhờ tăng trưởng mạnh của vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, vốn vay của công ty này cũng ngày càng giảm. Tỷ lệ nợ giảm dần qua các năm, đặc biệt giảm khá sâu trong năm 2012, hệ số nợ phải trả/nguồn vốn chỉ là 49% so với 62% của hai năm 2010 - 2011. Năm 2013, tỷ lệ nợ tăng nhẹ trở lại do nhu cầu tài trợ vốn lưu động.

Trong số các khoản vay của Vocarimex, các khỏan nợ ngắn hạn chiếm 98%. Vay và nợ dài hạn chỉ bao gồm khoản vay ngân hàng Vietcombank – CN HCM với hạn mức 50 tỷ đồng, để tài trợ dự án “Đầu tư chiều sâu dây chuyền tách phân đoạn dầu cọ công suất 300 tấn/ngày” và khoản nợ tiền thuê đất để xây dựng nhà máy tại KCN Nhơn Trạch II.

Hà Tâm

Nguồn Báo Đầu Tư