Định nghĩa lại...

World Cup 2014 mang lại nhiều pha làm bàn ngoạn mục cho người hâm mộ, nhưng cũng để lại những pha cứu thua xuất thần của các thủ môn. Triết lý “muốn thắng trước tiên không được để thủng lưới” trở thành mốt thời thượng tại vòng chung kết lần thứ 20 này tại Brazil. Càng vào vòng trong, triết lý này càng được huấn luyện viên các đội áp dụng và vai trò của thủ môn càng trở nên quan trọng.

Nếu như trước đây các thủ môn chỉ thường hoạt động chính trong khu vực 5 mét 50 bất khả xâm phạm của mình. Đến thời Lev Yashin - thủ môn xuất sắc của Liên Xô những năm 60 của thế kỷ trước đưa ra khái niệm, thủ môn cần làm chủ luôn cả vòng cấm địa 16 mét 50 và ngày hôm nay Manuel Neuer của đội Đức đã mở rộng tầm hoạt động của thủ môn ra ngoài vòng 16 mét 50. Theo số liệu thống kê, tầm hoạt động của Neuer trong trận gặp Algeria tại vòng 1/8 lên đến hơn 27 mét cách cầu môn. Anh không chỉ sử dụng tay mà nhiều lần còn dùng đầu, chân phá bóng, thậm chí còn tắc bóng như một trung vệ thực thụ. Ngoài việc cản phá bóng, Neuer còn tham gia vào việc phát động tổ chức tấn công, số liệu thống kê cũng cho thấy trong trận này số lần chuyền bóng của anh còn nhiều hơn cả một tiền vệ và cũng từ một lần phát bóng dài của anh mà Schurrle đã tổ chức phản công chớp nhoáng sau cú phạt góc của đội tuyển Algeria.

Muốn thắng trước tiên không được để thủng lưới.

Có thể nói, chính đội tuyển Đức và cá nhân Neuer đã định nghĩa lại vai trò của người trấn giữ khung thành. Bóng đá hiện đại ngày nay, thủ môn không chỉ gói gọn hoạt động là người giữ gôn mà còn là người cản phá các đợt tấn công và tổ chức các đợt phản công. Đội bóng nào thực hiện được điều này họ sẽ có nhiều hơn các đội bóng khác một cầu thủ đá bóng và chính điều này góp phần không nhỏ vào thành công của đội tuyển Đức tại World Cup 2014.

Cũng như bóng đá, trong kinh doanh việc tái định nghĩa thành công luôn mở ra cho các doanh nghiệp tiên phong một cơ hội lớn, một đại dương xanh bao la. Trường hợp của chiếc bánh trung thu, khởi điểm đó là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống đựng trong những chiếc hộp giấy đơn giản dành cho trẻ em nhân ngày Tết Trung thu. Nhưng rồi dần dần nó được biến thành thứ bánh của người lớn tặng nhau nhân dịp này. Một công ty thực phẩm bánh kẹo nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng và tập trung nghiên cứu phát triển biến những hộp bánh đơn giản ban đầu thành một thứ quà tặng đẹp đẽ, lịch sự.

Nhà sản xuất đã đưa ra những tiêu chuẩn mới cho loại bánh trung thu quà tặng như bao bì đẹp, in ấn sắc sảo, màu sắc bắt mắt, bánh được sản xuất trên dây chuyền tự động để đảm bảo ổn định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty còn xây dựng, quảng bá nhãn hiệu bánh trung thu quà tặng này bằng những câu chuyện đậm tính nhân văn thông qua các chiến dịch tiếp thị được đầu tư khá bài bản và tốn kém. Kết quả chỉ trong vòng vài năm, nhãn hiệu của họ đã chiếm thị phần áp đảo trên thị trường, đẩy hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phải chuyển về nông thôn hoặc đóng cửa do không đáp ứng được những tiêu chuẩn mới của ngành do họ tạo ra. Còn các cơ sở hay công ty khác muốn tồn tại cũng phải cải tiến đổi mới theo các tiêu chuẩn trên.

Một câu chuyện khác trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng hàng ngày, sản phẩm mì ăn liền hay còn gọi là mì gói. Theo cách nhìn truyền thống, mì ăn liền ban đầu chỉ là những gói mì, nhưng nếu chúng ta coi mì ăn liền là một sản phẩm tiện lợi dùng cho bữa ăn sáng hay ăn giữa khuya trong các trận bóng đá đêm, những lúc đói bụng thì thị trường này sẽ lớn vô cùng. Thị trường sản phẩm tiện lợi sẽ bao gồm mì, cháo, phở ăn liền, bánh snack, hủ tiếu gõ, tiệm phở đầu đường, bánh mì kẹp thịt... nghĩa là tất cả những món ăn nhanh đáp ứng được yêu cầu tiện sử dụng như mì ăn liền. Hiển nhiên thị trường này sẽ lớn hơn nhiều lần thị trường mì ăn liền truyền thống. Nếu doanh nghiệp nào có được những sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu trên, doanh nghiệp đó chắc sẽ thành công.

Khi bạn đưa ra định nghĩa mới về sản phẩm, về thị trường, bạn là người đưa ra luật chơi.

Lịch sử bóng đá thế giới đã hơn trăm năm nhưng đến nay vẫn thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ vì tính sáng tạo của các cầu thủ, của các huấn luyện viên. Cứ mỗi kỳ World Cup người hâm mộ lại được biết đến những chiến thuật mới, lối chơi mới, ngôi sao mới và cả các định nghĩa mới về vai trò các vị trí trên sân cỏ. Chính các yếu tố mới này làm nên sự hấp dẫn cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh.

Kinh doanh cũng như bóng đá, yếu tố mới luôn là nền tảng, là sự sống còn của doanh nghiệp. Khi bạn đưa ra định nghĩa mới về sản phẩm, về thị trường, bạn là người đưa ra luật chơi. Và như trong thể thao, thật không gì thuận lợi hơn khi các đối thủ phải chơi theo luật của chính bạn...

Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn