Đầu tư cho tương lai của con cái

Học thêm và học ngoại ngữ là những hoạt động ngoại khóa phổ biến nhất của trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một so sánh với các nước trong khu vực để các bậc cha mẹ Việt Nam biết mình đang đứng ở đâu trong kế hoạch chuẩn bị tương lai cho con em.

Gần 3/4 các gia đình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương để dành tiền tiết kiệm cho việc học của con cái, theo khảo sát của MasterCard về Những ưu tiên trong chi tiêu cho giáo dục của người tiêu dùng.

Các gia đình Thái Lan dẫn đầu khu vực với 95% gia đình nói họ để dành tiền đều đặn cho việc học của con cái, theo sau là Đài Loan (82%), Ấn Độ (81%) và Singapore (80%). Trái lại, chỉ khoảng 1/3 các gia đình tại Úc (35%) và New Zealand (34%) dành tiền đều đặn cho mục đích trên.

Các bậc cha mẹ Việt Nam rất xem trọng việc đầu tư cho con học ngoại ngữ, chỉ đứng sau Thái Lan (51%) và Hàn Quốc (46%). Đây là ưu tiên hàng đầu, khi 39% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ ưu tiên hàng đầu cho khoản chi tiêu này, so với tất cả các khoản đầu tư giáo dục cho con cái.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển kỹ năng mềm và các môn nghệ thuật sáng tạo cho trẻ không được quan tâm, cụ thể môn nhạc (7%), nghệ thuật (7%), thể thao (9%) và nói trước công chúng chỉ 0%. Điều thú vị là các bậc cha mẹ ở Việt Nam hầu như không cho con cái họ đi học phụ đạo (chỉ 1% trẻ em Việt Nam tham gia các lớp phụ đạo, thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

* Những phát hiện đáng chú ý của cuộc khảo sát này:

- Gần 3/4 người tiêu dùng tiết kiệm đều đặn cho việc học của con cái, và trung bình, việc tiết kiệm chiếm 13% thu nhập hằng tháng của gia đình họ. Trên toàn khu vực, các gia đình Thái Lan là những người tiết kiệm nhiều nhất, họ để dành 21% thu nhập hằng tháng của gia đình, trong khi đó các gia đình New Zealand chỉ để dành 6%.

- Gần 2/3 gia đình dành tiền cho các lớp học ngoại khóa của con cái: đa số trẻ em tại Thái Lan (51%), Hàn Quốc (46%), Trung Quốc (36%) và Đài Loan (35%) tham gia các lớp học ngoại ngữ, trong khi trẻ em tại những quốc gia như Úc (40%) và New Zealand (41%) chọn các lớp thể thao.

- Hơn một nửa các bậc cha mẹ tại Ấn Độ (55%) và Bangladesh (51%) dành tiền cho các lớp học phụ đạo của con cái, theo sát sau là Malaysia (47%), Myanmar (43%) và Singapore (40%).

- Nhìn chung, chỉ hơn ¼ những người tiêu dùng có dự định tham gia một lớp học giáo dục trong năm tới - cao nhất ở Thái Lan (53%), Malaysia (42%), Hàn Quốc (39%), Trung Quốc (38%), Singapore (38%) và thấp nhất là tại Indonesia (9%), Việt Nam (10%), Ấn Độ (13%) và Nhật Bản (14%).

- Trong khu vực, đa số cha mẹ (63%) lên kế hoạch cho con cái học đại học ở trong nước; hai quốc gia là Hàn Quốc (56%) và Trung Quốc (55%) có dự định cho con cái đi du học nước ngoài.

"Giáo dục từ lâu được coi như là chìa khóa đem lại những cơ hội thăng tiến. Các bậc cha mẹ trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhận ra giá trị này và luôn đầu tư nhiều tiền bạc nhằm đảm bảo một nền tảng giáo dục tốt nhất có thể cho con cái họ”, Georgette Tan, Trưởng nhóm bộ phận truyền thông, khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, MasterCard, cho biết.

"Tại hầu hết các nước trong khu vực, các hoạt động ngoại khóa được chú trọng, nhất là việc học ngoại ngữ hay học phụ đạo. Điều này cho thấy ngành giáo dục đang trở nên ngày càng cạnh tranh, nguyện vọng của các gia đình ngày càng cao, và một sự công nhận rằng trẻ em cần một nền giáo dục toàn diện, bao gồm cả âm nhạc, nghệ thuật và thể thao để trở nên vượt trội".

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn