Dự cảm tương lai của 'ông lớn' Kinh Đô

Chuyên gia phân tích dự cảm về tương lai của 'ông lớn' ngành bánh kẹo Việt khi Kinh Đô đổ cả nghìn tỷ đồng vào việc thâu tóm các đối tác.

Ồ ạt thâu tóm

Đứng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, công ty cổ phần Kinh Độ (KDC) đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ theo nguyên tắc gom các công ty cùng ngành hàng về với nhau. Trong đó, đáng chú ý, mảng bánh kẹo được chuyển sang Kinh Đô Bình Dương (BKD).

Sau quá trình tái cấu trúc, KDC sẽ có các ngành hàng chuyên biệt gồm: Bánh kẹo, kem sữa, mỳ gói, dầu ăn, cà phê, bán lẻ. Ngành mì gói, dầu ăn và cà phê được Kinh Đô rót lượng tiền hàng trăm tỷ đồng. Để phục vụ cho các thương vụ “khủng” này, dù sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ lên tới 4.000 tỷ đồng, KDC vẫn quyết huy động vốn từ cổ đông chiến lược.

Cụ thể, KDC phát hành cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược. Tổng số cổ phần trong đợt phát hành trên là 40 triệu đơn vị, ứng với 18,68% vốn điều lệ KDC. Giá bán mỗi cổ phần được thống nhất ở mức 44.000 đồng. Như vậy, KDC đã thu về 1.760 tỷ đồng.

Kinh Đô đang bỏ ngàn tỷ đầu tư vào các doanh nghiệp khác

Tại đại hội cổ đông KDC diễn ra vào ngày 30/6, trả lời chất vấn của cổ đông tại sao nhiều tiền mặt mà KDC vẫn phát hành cổ phần riêng lẻ, lãnh đạo KDC cho biết nếu KDC không thực hiện chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, lượng tiền mặt hiện có là dồi dào. Tuy nhiên, với tương lai phát triển đột phá, KDC cần thêm vốn để chuẩn bị cho các kế hoạch tương lai.

Một phần của dòng tiền “khủng” này được KDC đổ vào các thương vụ thâu tóm đình đám. Các thương vụ này có thể kể đế như mua cổ phần tại Vocarimex, đầu tư vào Phin Deli và hợp tác toàn diện với Sài Gòn Vewong. Mặc dù phía KDC từ chối tiết lộ chi tiết các khoản đầu tư nhưng thông tin ít nhiều vẫn được hé lộ.

Hiện KDC đã trở thành cổ đông chiến lược của Vocarimex. Theo cam kết giữa KDC với Vocarimex, KDC không được công bố tỷ lệ sở hữu cũng như giá mua cổ phần của Vocarimex.

Tuy nhiên, theo bản công bố thông tin vừa được công bố thì cổ đông chiến lược của Vocarimex gồm có KDC (24% cổ phần) và Công ty chứng khoán VPBS (8% cổ phần). Với mức giá khởi điểm đấu giá là 11.300 đồng/cp thì số tiền mà KDC bỏ ra sẽ vào khoảng hơn 330 tỷ đồng.

Không tiết lộ cụ thể khoản đầu tư vào Phin Deli nhưng rõ ràng KDC phải bỏ ra số tiền không nhỏ để nắm giữ quyền chi phối Phin Deli. Kỳ vọng hợp tác này, 2 bên có thể khai thác tốt thị trường nội địa, và xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ.

Với tương lai phát triển đột phá, KDC cần thêm vốn để chuẩn bị cho các kế hoạch tương lai.

Ngoài ra, để thực hiện chiến lược 10 năm tới đây, KDC hợp tác toàn diện với Sài Gòn Vewong với thương hiệu nổi tiếng mì gói và bột ngọt A- One.

KDC không tiết lộ con số cụ thể về doanh số ước tính từ lĩnh vực mỳ gói mang lại, nhưng ban điều hành tiết lộ KDC kỳ vọng doanh thu từ mì gói sẽ tương đương doanh thu ngành bánh kẹo hiện nay của KDC.

Cú thua đau mang tên Tribeco

Giới đầu tư chắc hẳn vẫn chưa vụ thương vụ thâu tóm đình đám của KDC năm 2005. Thời điểm đó, ông lớn ngành nước giải khát Tribeco đang là doanh nghiệp rất được chú ý, có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Vì vậy, khi bắt đầu thương vụ này, Kinh Đô đặt rất nhiều niềm tin vào Tribeco. Thậm chí, Kinh Đô còn có ý định mua tới 55% cổ phần Tribeco.

Ông Trần Lệ Nguyên, hiện là phó chủ tịch thường trực kiêm tổng giám đốc Kinh Đô, từng cho biết trên Thời báo kinh tế Sài Gòn trong tháng 10/2005, việc thâu tóm Tribeco nằm trong định hướng phát triển của công ty.

Theo ông Nguyên, với việc đầu tư vào Tribeco, KDC có thể bỏ qua giai đoạn đầu và có thể đưa Tribeco lên bước phát triển mới cao hơn.

Ông Nguyên cho biết KDC hoàn toàn có thể lập được công ty giải khát mới nhưng như vậy KDC phải mất thời gian xây dựng thương hiệu.

Năm 2005, KDC không ngại rót khoản tiền lớn vào Tribeo để sở hữu 35% vốn của ông lớn nước giải khát này. KDC mua lại cổ phần Tribeco từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Ông đặt niềm tin rất lớn vào Tribeco khi đưa ra dự báo doanh số Tribeco sẽ tăng mỗi năm 30%, sau ba năm sẽ tăng 100%.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông lớn Đài Loan Uni – President đã phá vỡ tất cả. Chưa đầy 3 năm sau sau khi “bén duyên” với Tribeco, Uni-President đã nắm giữa 43,6% cổ phần Tribeco. Kể từ khi hai ông lớn giải khát là người một nhà, Tribeco xuống dốc không phanh.

Cơ cấu cổ đông của Tribeco

Năm 2008, Tribeco gây sốc cho giới đầu tư khi công bố lỗ 145 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Tribeco âm 5,32 tỷ đồng dù ba quý đầu năm báo lãi. KDC và Uni-President phải bỏ thêm hàng trăm tỷ đồng để vực dậy công ty. Nhưng Tribeco ngày càng bết bát hơn. Cổ phiếu TRI giảm mạnh và phải rời sàn giao dịch chứng khoán.

Cuộc “hôn nhân” của KDC và Tribeco kết thúc vào năm 2012 sau 7 năm gắn bó. Quý 2/2012, KDC đã tiến hành thoái vốn tại Tribeco. Đây là thương vụ khiến KDC hao tiền tốn của. Vì vậy, năm nay, khi KDC thực hiện hàng loạt vụ mua bán cổ phần với khối lượng lớn, không ít nhà đầu tư lại nghĩ tới câu chuyện Tribeco năm nào.

Có “ngã ngựa” như với Tribeco?

Khoản đầu tư vào Sài Gòn Vewong và Phin Deli của KDC vẫn nằm trong bóng tối vì KDC từ chối tiết lộ thông tin. Trong khi đó, dù giữ bí mật với thương vụ mua cổ phần tại Vocarimex nhưng nhiều thông tin cũng phần nào hé lộ thương vụ này. Vì vậy, Vocarimex nằm trong tầm ngắm của các nhà phân tích.

Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định Vocarimex có vai trò lớn trong ngành sản xuất dầu thực vật trong nước. Nguyên nhân chính được cho là do biến động giá của nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thành phần chính để sản xuất được dầu ăn chủ yếu là dầu cọ, dầu đậu nành, trong khi những cây cho dầu cung cấp trong nước chủ yếu gồm dừa, lạc, đậu tương và mè.

Theo Rồng Việt, nhìn vào vai trò của Vocarimex như một nhà nhập khẩu nguyên liệu rồi tinh chế bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Vocarimex hẳn có tác động không nhỏ đối với ngành dầu thực vật trong nước.

Theo Kinh Đô, với thế mạnh về hệ thống phân phối, kinh nghiệm marketing, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản trị chuyên nghiệp và hiện đại của công ty sẽ giúp nâng cao doanh thu bán hàng và cải thiện chi phí phát sinh trong nhóm công ty liên kết với Vocarimex.

Tuy nhiên, chuyên viên ngành của công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng chiến lược của KDC hẳn phải rộng hơn như thế. KDC đã chuẩn bị nguồn vốn lên đến 1.877 tỷ đồng (phát hành thêm) nhưng chỉ mới sử dụng 330 tỷ đồng để mua 24% cổ phần của Vocarimex trong khi công ty tiết lộ trong ĐHCĐ là sẽ không bỏ vốn vào lĩnh vực mì gói mà chỉ hợp tác “toàn diện”.

Như vậy, không loại trừ khả năng Kinh Đô sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ sở hữu của mình. Và khác với các thương vụ với Tribeco hay Nutifood, chuyên viên phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt có dự cảm tích cực đối với việc tham gia của Kinh Đô vào Vocarimex.

Nguồn Dùng hàng Việt