Người tiêu dùng Việt Nam và Philippines quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhất thế giới

Việt Nam và Philippines là hai trong số những nước có người tiêu dùng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhất thế giới. Nhiều người thậm chí còn kiểm tra bao bì sản phẩm để đánh giá cam kết bảo vệ môi trường mà thương hiệu đã đưa ra, theo một nghiên cứu mới công bố ngày hôm nay của công ty chuyên phân tích và đo lường hành vi người tiêu dùng, Nielsen Việt Nam.

Khảo sát toàn cầu của Nielsen về Trách Nhiệm Cộng Đồng Của Doanh Nghiệp phỏng vấn hơn 30.000 người tiêu dùng tại 60 quốc gia để tìm hiểu mức độ quan tâm của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm đối với cam kết của doanh nghiệp; nhóm khách hàng nào quan tâm đến môi trường và xã hội nhất; và những vấn đề xã hội nào đang được quan tâm nhất.

Biểu đồ 1: Tỉ lệ người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ của các công ty là có cam kết hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường

Khảo sát cho thấy gần ba phần tư người được hỏi tại Việt Nam (73%) sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm và dịch vụ đến từ các công ty có cam kết phát triển cộng đồng và môi trường, đứng thứ ba thế giới. Tỉ lệ này tại Philippines là 79%, cao nhất thế giới còn Thái Lan là 71%, Indonesia là 65%, Malaysia là 57% và Singapore là 48%, so với 55% trung bình toàn cầu. (xem biểu đồ 1)

“Xu hướng lựa chọn các thương hiệu có cam kết hoạt động xã hội hoặc bảo vệ môi trường khá phổ biến tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Việt Nam, Philippines và Thái Lan, vì người tiêu dùng nơi đây thường xuyên phải vật lộn với thiên tai và chứng kiến sự nghèo khổ,“ ông Vishal Bali, Giám đốc Khối đo lường người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương, nói.

Biểu đồ 2: Tỉ lệ người tiêu dùng mua ít nhất một sản phẩm hoặc dịch vụ trong sáu tháng vừa qua của các công ty là có cam kết hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường

Không chỉ thể hiện sự quan tâm của mình bằng lời nói, người tiêu dùng đang thực sự chi cho những sản phẩm có tác động lớn đến xã hội và môi trường. Trong 6 tháng vừa qua, hơn ba phần tư người Philippines được hỏi (76%) đã mua ít nhất 1 sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty có hoạt động vì cộng đồng, tại Việt Nam là 68%, tại Thái Lan là 66%, tại Indonesia là 61%, tại Malaysia là 49% và tại Singapore là 48%, so với 52% trung bình toàn cầu (xem biểu đồ 2).

82% người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á thừa nhận họ có kiểm tra cam kết của các doanh nghiệp trên bao bì sản phẩm. Trước khi quyết định lựa chọn một thương hiệu, hơn 8 trên 10 người Philippines (82%) kiểm tra bao bì sản phẩm để đảm bảo thương hiệu có thực hiện cam kết vì cộng đồng và môi trường của mình, cao nhất thế giới. Tương tự 73% người được hỏi ở Việt Nam cũng kiểm tra bao bì trước khi mua, nhiều thứ 3 toàn cầu, sau đó là 69% ở Thái Lan, 63% ở Indonesia, 56% ở Malaysia và 48% ở Singapore so với 52% trung bình toàn cầu. (xem biểu đồ 3).

Biểu đồ 3: Tỉ lệ người tiêu dùng kiểm tra bao bì sản phẩm để đảm bảo thương hiệu có thực hiện cam kết vì cộng đồng và môi trường của mình

“Việc người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến các hoạt động xã hội của doanh nghiệp trước khi mua hàng là điều không lạ vì chúng ta đã quen với quan niệm kinh doanh tốt thì nên làm việc thiện. Chính vì thế, Nielsen Việt Nam luôn cố gắng để hỗ trợ cộng đồng, tập trung giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cũng như định hướng sinh viên đến sự chuyên nghiệp sau khi ra trường. Đây là một trong những trọng tâm lớn trong các hoạt động kinh doanh của Nielsen tại Việt Nam”, ông Vaughan Ryan, tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, nói.

*Kết quả của khảo sát này dựa trên bảng trả lời của người tiêu dùng tại 60 quốc gia theo hình thức trực tuyến. Tuy hình thức này cho phép tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn các phương pháp truyền thống nhưng nó chỉ thể hiện thói quen của những người có sử dụng internet chứ không phải toàn bộ dân số. Tại các nước đang phát triển, tỉ lệ sử dụng internet vẫn ở mức trung bình, tập trung chủ yếu ở nhóm người trẻ và có thu nhập cao hơn trung bình cả nước. Ngoài ra, các lựa chọn có thể dựa trên phỏng đoán của người tham gia phỏng vấn hơn là hành động thực sự.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư