Sáng tạo từ chính sự nhàm chán

Sáng tạo hiếm khi đến từ những giây phút thăng hoa mà sáng tạo thường đến từ chính sự nhàm chán, lặp đi lặp lại hàng ngày trong công việc, trong cuộc sống và kể cả trong nghệ thuật.

Mặc dù đã xuất hiện được một thời gian, nhưng công nghiệp sáng tạo vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Một số người cho rằng, công nghiệp sáng tạo bao gồm những ngành này, ngành kia, bên cạnh đó có người lại cho rằng, nó là sáng tạo trong công nghiệp. Tuy nhiên, nếu lùi lại một chút nữa, có lẽ chúng ta cũng phải xem xét toàn bộ khái niệm về sáng tạo.

Sáng tạo là cả một quá trình

Rất nhiều sách vở, tài liệu nói đến sự sáng tạo thăng hoa, sáng tạo đam mê, sáng tạo đột biến và chúng ta lầm tưởng, sáng tạo là một sự may mắn, một phút lóe sáng bất chợt đến và chỉ một số người có tố chất giống như các nghệ sĩ mới có thể sáng tạo. Nhưng không phải vậy! Trên thực tế, nghệ sĩ đàn piano, violin, guitar… đã phải chịu rất nhiều đau đớn trên từng ngón tay khi tập luyện để có được buổi biểu diễn thành công, chưa nói đến xuất sắc. Những ca sĩ – như chúng ta hay nói – có phong cách biểu diễn, cách hát, nhấn nhá, nhả chữ sáng tạo thì trước đó họ đã phải hát, biểu diễn bài đó cả trăm lần chính xác từng nốt nhạc để rồi một lúc nào đó, họ bỗng muốn thay đổi lối diễn, thay đổi cách hát và họ lại tiếp tục phải tập luyện cho thuần thục theo phong cách mới. Những ví dụ trên cho thấy, thực sự không có sự sáng tạo lóe sáng.

Phần mềm thuần Việt cũng vậy. Tên tuổi lớn như BKAV đã có cả chục năm phát triển, từ chỗ chỉ là một phần mềm nhỏ, vài trăm kilôbai (kb), quét bằng công nghệ đơn giản nay đã thành phần mềm đóng gói hoàn chỉnh, sánh ngang các phần mềm quốc tế. Đó là cả một quá trình liên tục cải tiến, thay đổi, nâng cấp – đó chính là sáng tạo. Không ai có thể trong một tuần viết ra một phần mềm như thế.

Trò chơi nổi tiếng Flappy Bird gây sóng gió làng công nghệ toàn cầu, đâu phải chỉ viết ra trong 3 ngày như truyền thông trích dẫn về Nguyễn Hà Đông. Trước đó Đông đã có nhiều lần viết và đưa sản phẩm lên AppStore, nhưng không đủ sức hút, không đủ độ “nóng”. Điều đó có nghĩa là Đông cũng đã phải trải qua cả một quá trình thay đổi, cải tiến, thất bại rồi mới đạt được thành công như vậy. Người ta thường nhìn kết quả cuối cùng và gắn cho nó mác sáng tạo mà quên mất sáng tạo là cả một quá trình nhào nặn, vất vả, đến từ chính sự rèn luyện, lặp đi lặp lại hàng ngày mà nhiều người thậm chí còn coi là nhàm chán

Chúng ta nhìn vào các sản phẩm của Apple và trầm trồ khen ngợi sự sáng tạo, tinh tế – nhưng ít người hiểu rằng, để mỗi một sản phẩm như thế ra đời, Steve Jobs và đồng nghiệp phải trăn trở, phải tạo ra, đập đi, làm lại không biết bao nhiêu sản phẩm mẫu (prototype), mẫu trước lại có một thay đổi rất nhỏ so với mẫu sau, từ phần mềm cho tới phần cứng.

Sáng tạo đến từ sự để ý, quan sát

Những sự sáng tạo thiết thực nhất thường đến từ những nhu cầu rất đời thường, rất nhỏ nhặt nhưng lại có thể áp dụng được rộng rãi. Nếu ngày nào bạn cũng phải cúi xuống, dùng tay để chỉnh gót giày cho vừa chân thì tại sao không nghĩ ra cách nào đó để chỉ đơn giản là không phải cúi xuống hoặc không phải dùng tay? Vậy là sinh ra miếng nhựa đẩy gót giày, ta chỉ mất 1 giây.

Còn với sản phẩm của Apple thì sao? Một chi tiết rất nhỏ là đầu kết nối dây nguồn của các sản phẩm. Steve và cộng sự phát hiện ra rằng, khi người ta sử dụng máy Mac rất hay gặp phải trường hợp đồng nghiệp hoặc bản thân họ đi lại và đá vào dây nguồn gây mất điện, rơi máy hoặc đứt dây luôn. Vậy nên Steve đã yêu cầu tìm ra giải pháp cho việc đó và từ đó kết nối từ MagSafe của bộ sạc Mac ra đời.

Nhìn lại thị trường trong nước, thời gian gần đây có một phần mềm thuần Việt mới xuất hiện, giúp quản lý, cài đặt các ứng dụng trên thiết bị di dộng mà theo như nhóm phát triển cho biết, chỉ vì thường phải đợi cài đặt điện thoại ở ngoài cửa hàng lâu quá. Trung bình mỗi một thiết bị mới cài đặt ngoài cửa hàng mất từ 15 – 30 phút mới đạt yêu cầu của khách hàng về sao lưu danh bạ, ứng dụng mạng xã hội, game, nhạc… Trong khi với phần mềm AppSync của mWork mọi thao tác chỉ mất từ 1-2 phút. Như vậy tăng gấp cả chục lần hiệu suất công việc, doanh số tăng, khách hàng đỡ tốn thời gian hơn, hài lòng hơn chỉ từ một thay đổi nhỏ đến từ những quan sát rất đời thường.

Sáng tạo chỉ cần đơn giản

Tại Việt Nam, đâu đó người ta vẫn tìm cách vẽ ra thêm các quy trình, các thủ tục, các bước để-làm-gì-không-biết? Gần đây có một thống kê giật mình, doanh nghiệp Việt Nam mất gấp 10 lần thời gian để kê khai và nộp thuế so với doanh nghiệp Singapore và cứ 3 ngày làm việc thì sẽ mất 1 ngày để làm thủ tục thuế. Vậy tại sao không tìm cách cải tiến những vấn đề như vậy? Các nước trong khu vực chỉ phải kê khai từ 1-2 lần/năm, chúng ta kê khai 12 lần/năm, nhưng kê khai hàng tháng như thế để làm gì? Có giải quyết được gì với những thông tin đó không?

Một thông tin khác cũng gây sốc không kém. Giá quả vải ở Nhật đang gấp khoảng 10 lần giá quả vải ở Việt Nam có cùng chất lượng. Lý do đơn giản, ở Nhật vải được bảo quản tươi ngon tới 2 năm và có thể bán quanh năm. Còn bà con nông dân ở ta chỉ ao ước bảo quản được thêm 15 ngày (!?)

Thật ra công thức cho sự sáng tạo rất đơn giản: làm việc, đưa mọi thứ vào quỹ đạo, quy trình, quan sát phân tích những điểm có thể thay đổi, cải tiến; tiến hành thực hiện những thay đổi, cải tiến đó, đưa công việc quay trở lại quỹ đạo, tiếp tục quan sát, tiếp tục tiếp cận vấn đề, lại đưa ra giải pháp… lặp đi lặp lại quá trình đó chúng ta có sự sáng tạo. Và như vậy, tiêu chí, yêu cầu để tạo ra sự sáng tạo đơn giản hơn rất nhiều: óc quan sát tốt kết hợp với tinh thần luôn mong muốn, thay đổi, cải tiến công việc, chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vậy là đủ cho sáng tạo!

Nguồn Doanh Nhân Online