Sáng tạo trên vai “Người khổng lồ”

Các công ty công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể rút ngắn khoảng cách với nước ngoài, ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm Khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia khẳng định trong cuộc trao đổi với Doanh Nhân.

* Ngành công nghệ được xem là lĩnh vực phát triển nhanh, sáng tạo và cạnh tranh quyết liệt. Anh có thể chia sẻ Qualcomm toàn cầu đã đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo hàng năm ra sao? Đâu là yếu tố quyết định để Qualcomm có được những sáng tạo vượt bậc và ứng dụng thực tiễn?

Ngay từ ngày thành lập với mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy sự phát triển của viễn thông không dây và điện toán di động, trong hơn 28 năm, Qualcomm đã đầu tư lớn cho nghiên cứu phát triển (R&D) và đây luôn là mục tiêu hàng đầu của công ty. Ngoài văn hóa sáng tạo thì việc khuyến khích các kỹ sư, nhân viên thực hiện, theo đuổi những ý tưởng mới để tạo ra những đột phá luôn là một trong những giá trị cốt lõi của công ty.

Chúng tôi vẫn thường nói, Qualcomm muốn duy trì văn hóa của một công ty khởi nghiệp (start-up), mặc dù hiện nay đã là một tập đoàn đa quốc gia. Ngay từ những ngày đầu của viễn thông di động, Qualcomm đã có tầm nhìn về công nghệ mã hóa voice và data (dữ liệu) theo công nghệ CDMA, công nghệ mà hiện nay trở thành nền tảng cho 3G và Internet di động trên toàn thế giới, cũng như thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của điện toán di động và sắp tới là “Internet of Everything” khi mà mọi vật đều trở nên thông minh và kết nối. Công ty khuyến khích nhân viên chia sẻ và thực hiện những ý tưởng mới thông qua các diễn đàn đổi mới, sáng tạo, ở đó mọi người đều có thể trao đổi và chia sẻ các ý tưởng mới. Có thể trong 10 ý tưởng mới chỉ có 1 ý tưởng thành công, nhưng quan trọng là cảm hứng sáng tạo phải luôn được khuyến khích. Qualcomm cũng thành lập một bộ phận gọi là QLab với nhiệm vụ chính là nuôi dưỡng những ý tưởng và công nghệ mới từ rất sớm và hỗ trợ việc thương mại hóa những công nghệ này. Một điều quan trọng nữa là Qualcomm luôn làm việc với các đối tác trong hệ sinh thái di động (mobile ecosystem) để thực hiện và thương mại hóa những ý tưởng mới.

Trong ngành công nghệ, sáng tạo và đổi mới có vai trò rất quan trọng. Các công ty thành công đều chú trọng đầu tư cho sáng tạo bằng việc tăng ngân sách cho nghiên cứu phát triển và tạo dựng văn hóa sáng tạo, khuyến khích thử nghiệm những ý tưởng mới. Trong hơn 28 năm phát triển, Qualcomm đã đầu tư 27 tỷ USD cho R&D để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

* Thưa anh, bản quyền sáng tạo của Qualcomm được hiểu là những sáng tạo hoàn toàn do Qualcomm nghiên cứu hay của Qualcomm vừa nghiên cứu vừa mua lại?

Có những bản quyền (patent) chúng tôi tự phát triển và có những bản quyền được mua lại.

* Anh đánh giá thế nào về ứng dụng công nghệ và sự sáng tạo hiện nay của các công ty công nghệ tại Việt Nam?

Có thể trong 10 ý tưởng mới chỉ có 1 ý tưởng thành công, nhưng quan trọng là cảm hứng sáng tạo phải luôn được khuyến khích.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Lợi thế của Việt Nam là dân số trẻ, tức là khả năng nắm bắt và ứng dụng công nghệ mới cao. 35 triệu người thường xuyên sử dụng Internet, có nền công nghiệp phần mềm phát triển và hiện là một điểm đến đầu tư của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được với các công nghệ mới nhất, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Một lợi thế khác đối với việc phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam là chúng ta có hạ tầng công nghệ viễn thông tốt, hạ tầng Internet tốc độ cao, hạ tầng viễn thông di động 3G phát triển, có độ phủ lớn cùng với chi phí kết nối hợp lý với đa số người dân. Có thể nói, các công ty công nghệ của Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển, mở rộng thương hiệu và dịch vụ không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Thực tế là đã có nhiều công ty công nghệ, viễn thông của Việt Nam mở rộng thị trường ra thế giới rất thành công.

* Vừa rồi anh có nói tại Việt Nam Qualcomm sẵn sàng hỗ trợ cho các công ty công nghệ tiếp cận những thành tựu nghiên cứu quan trọng của Qualcomm, cũng như các thiết kế tham khảo để tạo ra các sản phẩm thương mại mới. Cụ thể ra sao?

Có hai dạng sở hữu trí tuệ Qualcomm hỗ trợ các đối tác của mình. Thứ nhất là những bản quyền công nghệ (patent), thứ hai là các thiết kế tham chiếu (Qualcomm Reference Design – QRD) để các nhà sản xuất smartphone, table và smart watch có thể sử dụng, để giảm chi phí đầu tư cho R&D và thời gian phát triển sản phẩm. Điều này giúp các công ty có thể đưa các sản phẩm ra thị trường nhanh hơn với các công nghệ mới nhất.

* Hiện có bao nhiêu công ty công nghệ của Việt Nam có được hợp đồng chia sẻ với Qualcomm? Đến giờ này, có những công ty nào đã có được “quả ngọt” từ sự chia sẻ này?

Chúng tôi có các hợp tác tốt với các công ty Việt Nam trong thời gian qua và các sản phẩm thương mại dựa trên sự hợp tác này đã đến với người dùng Việt Nam. Hiện đã có 1 công ty Việt Nam đang xúc tiến sử dụng thiết kế tham khảo đồng hồ thông minh của Qualcomm. Mọi việc đang tiến triển tốt. Chúng tôi hy vọng thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác này trong thời gian tới, cũng như sự đóng góp của Qualcomm trong sự phát triển của viễn thông không dây và điện toán di dộng tại Việt Nam nói chung.

* Vậy có những yêu cầu nào để các công ty Việt Nam có thể sử dụng những bản quyền công nghệ và các thiết kế tham chiếu của Qualcomm?

Để sử dụng các bản quyền công nghệ của Qualcomm, các đối tác phải ký hợp đồng sử dụng bản quyền với Qualcomm. Đây là chương trình áp dụng toàn cầu của Qualcomm với hơn 250 đối tác ký hợp đồng sử dụng bản quyền công nghệ. Về QRD thì chỉ cần các công ty có nhu cầu sử dụng, Qualcomm sẽ hỗ trợ.

* Theo anh, các công ty công nghệ Việt Nam có thể bỏ qua nghiên cứu sáng tạo, “đi tắt, đón đầu” nhờ vào sự hỗ trợ này?

Tôi không muốn dùng từ bỏ qua, nhưng “đi tắt, đón đầu” có lẽ đúng. Sự phát triển của Internet không dây và điện toán di động tạo ra một cơ hội vô cùng to lớn cho các công ty công nghệ Việt Nam trong việc mở rộng ra thế giới. Với các chương trình chia sẻ patent và QRD của mình, chúng tôi hy vọng được đóng góp vào sự phát triển của công nghệ tại Việt Nam.

* Xin cảm ơn anh!

Nguồn Doanh Nhân Online